Theo Sở Công Thương Bắc Giang, tính đến thời điểm ngày 16/7/2020, toàn tỉnh đã tiêu thụ được 164.700 tấn vải thiều (tăng khoảng 15.000 tấn so với vụ 2019). Thị trường tiêu thụ có sự dịch chuyển theo hướng tích cực, đó là tăng thị phần trong nước. Cụ thể, sản lượng tiêu thụ nội địa chiếm 52,5%; thị trường xuất khẩu là 47,5%.
Bắc Giang khép lại vụ vải thiều năm 2020 đại thắng |
Giá bán vải thiều năm nay bình quân đạt 31.200 đồng/kg (thấp hơn vụ vải 2019) nhưng bù lại sản lượng tăng (15.000 tấn), vì thế, tổng giá trị thu được từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ đạt khoảng 6.900 tỷ đồng, tăng 600 tỷ đồng so với vụ vải năm 2019.
Đáng chú ý, đối với xuất khẩu, năm 2020, lần đầu tiên vải thiều Bắc Giang đặt chân được thị trường khó tính là Nhật Bản (khoảng 200 tấn). Quả vải Việt Nam được người tiêu dùng Nhật Bản rất ưa chuộng. Việc quả vải Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản có ý nghĩa rất lớn, khẳng định được uy tín của quả tươi Việt Nam, giúp nâng cao giá trị xuất khẩu quả vải, tạo tiền đề thúc đẩy sản xuất chất lượng cao với loại trái cây này.
Năm 2020 cũng là năm đầu tiên tỉnh Bắc Giang chủ động phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp &Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều quy mô lớn với 63 điểm cầu trên cả nước và 4 điểm cầu ở 2 tỉnh Vân Nam, Quảng Châu (Trung Quốc), hội nghị đã giúp thúc đẩy hoạt động tiêu thụ vải thiều. Bên cạnh đó, các cửa khẩu ở Lạng Sơn, Lào Cai đã dành đường ưu tiên cho xuất khẩu vải thiều sang Trung Quốc.
Sở Công Thương Bắc Giang cho biết, có được kết quả trên là do tỉnh đã chủ động xây dựng các kịch bản tiêu thụ vải thiều trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Đặc biệt, tỉnh đã chú trọng thị trường nội địa khi xác định nếu tất cả các cửa khẩu bị đóng lại do dịch bệnh thì quả vải sẽ tập trung tiêu thụ tại các chợ, siêu thị, khu - cụm công nghiệp trong cả nước.
Cùng với những giải pháp về thị trường, chủ trương sản xuất vải thiều sạch, an toàn được tỉnh quán triệt với tất cả các địa phương trồng vải và coi đây là nhiệm vụ cốt yếu, hướng đi sống còn cả trước mắt và lâu dài. Chỉ có như vậy, quả vải Bắc Giang mới có chỗ đứng vững chắc trên thị trường nội địa và các thị trường khó tính của thế giới.