Hà Giang: Kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản đặc hữu Gia Lai: Triển khai hiệu quả các dự án vùng đồng bào dân tộc |
Tổng vốn thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình MTQG 1719) trên địa bàn tỉnh Bắc Giang năm 2023 là gần 635 tỷ đồng, tổ chức thực hiện 10 dự án thành phần. Trong đó, hỗ trợ 182 hộ làm nhà ở, 1.234 hộ thực hiện chuyển đổi nghề, 2.206 hộ nước sinh hoạt phân tán, đầu tư xây dựng 8 công trình nước sinh hoạt tập trung.
Đồng thời, hoàn thành 30 km đường giao thông đến trung tâm xã, đường liên xã; xây mới, cải tạo nâng cấp 3 chợ, 3 trạm y tế xã; đầu tư xây dựng 49 công trình thiết yếu tại các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho 12 trường; đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp 7 trường nội trú, bán trú.
Bắc Giang chú trọng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc (Ảnh: Hữu Hưng) |
Tỉnh hỗ trợ đầu tư xây dựng 10 điểm đến du lịch tiêu biểu; tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp 7 di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu của các dân tộc thiểu số; bảo tồn 4 làng, bản truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số; 62 thiết chế văn hóa, thể thao.
Để đạt mục tiêu đề ra, năm qua, Bắc Giang đã chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành tổ chức thực hiện các dự án, tiểu dự án của Chương trình theo kế hoạch. UBND các huyện chủ động phân bổ vốn chi tiết cho các chủ đầu tư, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn các chủ đầu tư tổ chức triển khai thực hiện; tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả công tác quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành.
Tại huyện Lục Ngạn, thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình MTQG 1719 năm 2023, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Dân tộc, Trung tâm Dịch vụ - Kỹ thuật nông nghiệp huyện Lục Ngạn đã phối hợp với UBND các xã hỗ trợ hơn 1,4 nghìn con gia súc cho hơn 470 hộ gia đình với tổng kinh phí thực hiện hơn 9,8 tỷ đồng. Dự án đã hỗ trợ 1.201 con dê, 159 con ngựa và 33 con trâu cho các hộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại các xã: Biên Sơn, Cấm Sơn, Hộ Đáp, Đèo Gia, Phong Minh, Phú Nhuận, Sa Lý, Sơn Hải, Tân Lập, Thanh Hải, Kiên Thành... Qua đó, góp phần nâng cao đời sống kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Ngoài hỗ trợ vật nuôi, cơ quan chức năng của huyện còn hỗ trợ người dân một số công cụ lao động, sản xuất như: Máy cắt cỏ, máy phun thuốc bảo vệ thực vật…
Người dân xã Đèo Gia nhận trâu từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất (Ảnh: Nguyễn Hưởng) |
Tại huyện Sơn Động đã triển khai nhiều cách làm hay, sáng tạo nhằm hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo. Nhờ vậy, nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số: Tày, Nùng, Cao Lan, Mường, Thái, Sán Dìu đã mạnh dạn vay vốn đầu tư để phát triển kinh tế hộ gia đình.
Đơn cử như chị Chu Thị Vui – Chi hội trưởng phụ nữ thôn Rộc Nẩy, xã Cẩm Đàn nhận thấy nấm lim xanh là nông sản thế mạnh của địa phương nên dành thời gian tham gia các lớp tập huấn nâng cao kiến thức trồng trọt, chăn nuôi do chính quyền các cấp tổ chức. Sau đó, chị mạnh dạn vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách để đầu tư mô hình trồng nấm lim xanh dưới những tán rừng tự nhiên trên chính quê hương mình. Từ mô hình trên, mỗi năm gia đình chị thu hoạch 2-3 tạ nấm với thu nhập từ 100 đến 200 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 5- 6 hội viên phụ nữ.
Hay gia đình chị Trần Thị Phượng, dân tộc Dao ở thôn Đồng Làng, xã Dương Hưu đã đầu tư trồng cây keo lai để phát triển kinh tế. Sau 5 năm ứng dụng kỹ thuật trồng cây hiện đại, câu keo lai đã mang lại thu nhập cao cho hộ gia đình. Từ mô hình nhà chị Phương, nhiều hộ gia đình khác trên địa bàn đã học hỏi kinh nghiệm, chủ động mở rộng diện tích rừng trồng, đầu tư thêm vốn để mua cây con...
Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Sơn Động thông tin, toàn huyện Sơn Động hiện có gần 16.000 hội viên phụ nữ, trong đó có hơn 9.300 người là đồng bào dân tộc thiểu số. Qua các mô hình kinh tế hộ gia đình, các chị đã vươn lên thoát nghèo. Nhiều chị em đã làm chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh lớn và tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Trong thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Sơn Động tiếp tục đẩy mạnh phong trào tiết kiệm, tận dụng tối đa nguồn lực từ Chương trình MTQG 1719 để giúp bà con, đặc biệt là hội viên người dân tộc thiểu số từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững. Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp với ngành chức năng tổ chức các hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, dạy nghề, giới thiệu việc làm cho phụ nữ dân tộc thiểu số.