Sáng 20/9, Hội đồng nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức Kỳ họp thứ 23 (kỳ họp chuyên đề) để thông qua 15 nghị quyết, trong đó có 11 nghị quyết thuộc lĩnh vực kinh tế - ngân sách và 4 nghị quyết thuộc lĩnh vực pháp chế.
Tại kỳ họp, ông Trần Tuấn Lĩnh, Trưởng Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu báo cáo kết quả thẩm tra đối với 4 tờ trình thuộc lĩnh vực pháp chế gồm: Quy định mức chi thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Quy định chế độ hỗ trợ giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc, người giúp việc cho người giám định tư pháp tham gia hoạt động giám định tư pháp của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Về các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Quy định chức danh, số lượng người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, ấp, khu phố, khu dân cư và hỗ trợ kinh phí hoạt động cho thôn, ấp, khu phố, khu dân cư trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giơ tay biểu quyết thông qua các Nghị quyết. Ảnh: Nguyễn Ngọc |
Tiếp đến, ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã báo cáo kết quả thẩm tra đối với 11 tờ trình thuộc lĩnh vực kinh tế - ngân sách bao gồm: Điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch đầu tư công năm 2024 nguồn vốn ngân sách tỉnh; Chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ trên địa bàn TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để thực hiện dự án (khu đất trên đường 3/2); Chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để đầu tư xây dựng dự án Nhà máy xử lý rác Côn Đảo, dự án Đường Tỉnh lộ 997 (Đường ĐT 992C), dự án Trụ sở Công an các xã trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Bãi bỏ Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND ngày 14/7/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quy định mức chi tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu;…
Sau phần thảo luận, các đại biểu Hôi đồng nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã biểu quyết thông qua 15 Nghị quyết với tỷ lệ tán thành tuyệt đối.
Phát biểu bế mạc kỳ họp, ông Mai Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, việc thông qua 15 Nghị quyết này là cơ sở pháp lý cho công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, các sở, ngành và chính quyền địa phương các cấp trong thực hiện nhiệm vụ được giao thời gian tới
Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Mai Ngọc Thuận phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Nguyễn Ngọc |
Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, kỳ họp lần này, HĐND tỉnh thông qua nghị quyết bổ sung Danh mục chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ đối với khu đất Khu đô thị 3 tháng 2, TP. Vũng Tàu; chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện các dự án trong năm 2024. Việc thông qua danh mục sẽ là cơ sở pháp lý để thực hiện các bước tiếp theo trong công tác quản lý đất đai.
"Sau kỳ họp này, thủ tục đấu giá lô đất 3 tháng 2 đã đầy đủ, đề nghị UBND khẩn trương hoàn chỉnh thủ tục đưa ra đấu giá nhằm khai thác tối đa giá trị kinh tế do đất đai đem lại, bảo đảm tiến độ đầu tư triển khai thực hiện các dự án, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong giai đoạn hiện nay và thời gian tiếp theo", ông Mai Ngọc Thuận nói.
Ông Mai Ngọc Thuận đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ đạo, tổ chức thực hiện kịp thời, thống nhất, đúng quy định, giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, các địa phương trong chủ trì, phối hợp, triển khai thực hiện nghị quyết; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong tổ chức thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh để nghị quyết thực sự phát huy hiệu quả.
Tập trung cao độ, nỗ lực tối đa cho giai đoạn "nước rút” trong 3 tháng cuối năm để triển khai thực hiện thắng lợi toàn diện, vượt mức các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của tỉnh nhất là rà soát, triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình trọng điểm, quyết tâm giải ngân 100% vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ trong việc chấp hành pháp luật về đầu tư công, đầu thầu và mua sắm bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, gắn với tăng cường công tác hậu kiểm, thanh quyết toán đối với từng hạng mục của dự án ngay sau khi hoàn thành.
Không để phát sinh tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, “thông thầu” trong đấu thầu đầu tư công, mua sắm bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, trong giao đất, cho thuê đất, đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu giá quyền sử dụng đất,....