Nỗ lực đưa Ấn Độ trở lại đàm phán
Trải qua nhiều vòng đàm phán, RCEP tưởng chừng đạt được thống nhất, tuy nhiên, tình hình trở nên phức tạp hơn kể từ Hội nghị Cấp cao RCEP lần thứ 3 vào tháng 11/2019, Ấn Độ đột ngột tuyên bố không thể tham gia hiệp định này do những lợi ích chưa được xử lý thỏa đáng. Sau đó, các nước ASEAN cũng như các nước đối tác khác rất nỗ lực cùng tìm kiếm giải pháp để xử lý những vướng mắc của Ấn Độ, hướng tới mục tiêu ký kết Hiệp định vào cuối năm 2020.
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) - cho biết, dù tình hình dịch Covid-19 ảnh hưởng đến tiến trình đàm phán, nhưng là nước Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam sẵn sàng cùng với tất cả các nước tìm kiếm mọi giải pháp để có thể hoàn tất quá trình đàm phán.
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Pak Iman Pambagyo - Chủ tọa Ủy ban đàm phán về RCEP – cũng khẳng định: Quan điểm của ASEAN là quyết tâm cao, cùng đưa Ấn Độ quay trở lại đàm phán để tiến tới ký kết hiệp định này theo đúng thời gian dự kiến. "Tôi tin rằng chúng ta sẽ thực hiện được mục tiêu này trong năm 2020, khi Việt Nam là Chủ tịch ASEAN", ông Pak Iman Pambagyo bày tỏ.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc ký kết RCEP trong năm nay rất quan trọng nhằm củng cố và thúc đẩy lòng tin vào nền kinh tế toàn cầu cũng như khu vực, đặc biệt là trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Hiện, hiệp định đã đạt được sự đồng thuận cao từ các nước Nhật Bản, Australia, New Zealand.
Đẩy nhanh tiến độ đàm phán
Ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên – chia sẻ, các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ quyết tâm ký RCEP vào cuối năm 2020. Bên cạnh đó, các nước nỗ lực tối đa cùng Ấn Độ giải quyết một số nội dung. "ASEAN tiếp tục họp bàn, giải quyết những nội dung như rà soát tính pháp lý của hiệp định và một số vấn đề tồn đọng, cố gắng trong tháng 6 có thể hoàn thành. Các nước đã bàn và thống nhất sẽ có đề xuất để Ấn Độ xem xét, trong đó thể hiện linh hoạt một số nội dung" - ông Lương Hoàng Thái thông tin thêm.
Đến nay, đề xuất này đang được các nước ASEAN cùng với các nước đối tác còn lại trong hiệp định thảo luận, sau đó sẽ chuyển tới Ấn Độ để xem xét tham vấn và có phản hồi. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn ra ở nhiều quốc gia, điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình thảo luận RCEP. Để đi đến ký kết, các nước phải gặp nhau để bàn và thống nhất sớm về các vấn đề còn vướng mắc. Mặc dù, các nước thành viên đã tổ chức nhiều quộc họp trực tuyến tuy nhiên hiệu quả đạt được không cao bằng việc trao đổi trực tiếp.
Hiệp định RCEP lầ một thỏa thuận thương mại tự do giữa 10 nước thành viên ASEAN và 6 đối tác gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand. Nếu được ký kết, hiệp định này sẽ tạo ra khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới. |