Đồng Nai: Thép Vicasa – VNSteel bị xử phạt, buộc di dời nhà máy

Công ty Cổ phần Thép Vicasa – VNSteel vừa bị UBND tỉnh Đồng Nai xử phạt, đình chỉ hoạt động, buộc di dời nhà máy khỏi Khu công nghiệp Biên Hòa 1.
Thép VICASA: Bền bỉ chinh phục người tiêu dùng Kết quả kinh doanh "bết bát", cổ phiếu VCA của Thép Vicasa bị "cắt" giao dịch ký quỹ Giá thép hôm nay ngày 12/10/2023: Giảm 2 nhân dân tệ; Thêm 1 doanh nghiệp thép báo lỗ trong quý lll/2023

Ngày 13/5, UBND tỉnh Đồng Nai đã công khai quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công ty Cổ phần Thép Vicasa – VNSteel (MSDN: 3600961762 do ông Ngô Tiến Thọ làm Tổng Giám đốc; Trụ sở tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1, phường An Bình, TP. Biên Hòa).

Công ty Cổ phần Thép Vicasa – VNSteel có các hành vi vi phạm, bao gồm: Không có Giấy phép môi trường theo quy định đối với cơ sở thuộc đối tượng phải có Giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND cấp tỉnh; Trong báo cáo công tác bảo vệ môi trường năm 2023 và 2024, Công ty Cổ phần Thép Vicasa - VNSteel không báo cáo về việc cho đơn vị thuê kho, nhà xưởng để làm bãi đậu xe, kho chứa hàng, gia công khung kèo thép.

Đồng Nai: Thép Vicasa – VNSteel bị xử phạt, buộc di dời nhà máy
Công ty Cổ phần Thép Vicasa – VNSteel vừa bị UBND tỉnh Đồng Nai xử phạt, đình chỉ hoạt động, buộc di dời nhà máy khỏi Khu công nghiệp Biên Hòa 1.

Với các hành vi trên, Công ty Cổ phần Thép Vicasa – VNSteel bị xử phạt tổng số tiền 335 triệu đồng. Cùng với đó, công ty này còn bị đình chỉ hoạt động của nguồn phát sinh chất thải mà không có Giấy phép môi trường của cơ sở theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 14 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ trong thời hạn 3,75 tháng từ khi nhận được quyết định.

UBND tỉnh Đồng Nai cũng buộc Công ty Cổ phần Thép Vicasa – VNSteel phải di dời cơ sở đến địa điểm phù hợp với quy hoạch, phân vùng môi trường, khả năng chịu tải của môi trường được cấp có thẩm quyển phê duyệt theo quy định. Việc di dời thực hiện trước ngày 1/12/2025.

Công ty Cổ phần Thép Vicasa – VNSteel tiền thân là nhà máy Thép Biên Hòa, trực thuộc Tổng Công ty Thép Việt Nam. Vicasa hiện được đánh giá là một trong những doanh nghiệp lớn trong đầu tư, nâng cao thiết bị công nghệ, nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật tiến bộ trong luyện, cán thép tại Việt Nam.

Cũng liên quan đến các vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, UBND tỉnh Đồng Nai có quyết định xử phạt đối với Công ty TNHH Dongil Engineering Việt Nam (MSDN: 3600525212 do ông Noh Byung Hwi làm Tổng Giám đốc; Trụ sở tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1, phường An Bình, TP. Biên Hòa).

Doanh nghiệp bị xử phạt 310 triệu đồng với hành vi: Không có Giấy phép môi trường theo quy định đối với cơ sở thuộc đối tượng phải có Giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND cấp tỉnh.

Công ty TNHH Dongil Engineering Việt Nam cũng bị đình chỉ hoạt động của nguồn phát sinh chất thải mà không có Giấy phép môi trường của cơ sở trong thời hạn 3,75 tháng. Đồng thời, buộc di dời cơ sở đến địa điểm phù hợp với quy hoạch, phân vùng môi trường, khả năng chịu tải của môi trường được cấp có thẩm quyển phê duyệt theo quy định. Việc di dời thực hiện trước ngày 1/12/2025.

Ngoài 2 doanh nghiệp trên, UBND tỉnh Đồng Nai cũng có quyết định xử phạt đối với Công ty TNHH MTV Trọng Khôi (MSDN: 3601737996 do ông Nguyễn Đăng Khôi làm Chủ tịch kiêm Giám đốc; Trụ sở chính: Thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu).

Doanh nghiệp này có các hành vi vi phạm, bao gồm: Công ty TNHH MTV Trọng Khôi đã thực hiện tái sử dụng nước thải sau xử lý (nước thải có thông số môi trường vượt quy chuẩn quy định); Không có Giấy phép môi trường theo quy định đối với cơ sở thuộc đối tượng phải có Giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND cấp tỉnh; Công ty này cũng không thực hiện lưu giữ riêng đối với phân heo phát sinh trong quá trình chăn nuôi tại ấp 1, xã Hiếu Liêm (nay là ấp 4, xã Trị An, huyện Vĩnh Cửu) đã được phân loại đóng bao theo quy định.

Với vi phạm này, Công ty TNHH MTV Trọng Khôi bị xử phạt số tiền 427 triệu đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn bị bị đình chỉ hoạt động của nguồn phát sinh chất thải mà không có Giấy phép môi trường của cơ sở trong thời hạn 3,75 tháng từ khi nhận được quyết định.

Tiến Phòng

Bản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.