Thu hồi sản phẩm lỗi: Cảnh giác từ những dấu hiệu đầu tiên

Thu hồi sản phẩm lỗi không chỉ là phản ứng khi sự cố xảy ra, mà là hành động chủ động bảo vệ người tiêu dùng từ những dấu hiệu nhỏ nhất, tránh rủi ro lớn.
Sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật phải được thông báo công khai thu hồi trong 3 - 5 ngày Thu hồi 1.150 máy hút bụi PHILIPS không dây do lỗi pin Thu hồi 5 sản phẩm bồn chứa nước công nghiệp Bridgestone

Trụ cột chính bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Trong nhịp sống tiêu dùng hiện đại, khái niệm “an toàn sản phẩm” đã trở thành một phần không thể thiếu trong câu chuyện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Từ những vật dụng quen thuộc trong gia đình như: Chiếc bình đựng nước, đồ chơi trẻ em, đến các sản phẩm điện tử, thực phẩm đóng gói… mọi thứ đều cần được đảm bảo rằng, chúng không gây tổn hại đến sức khỏe, tài sản hay cuộc sống thường nhật của con người.

Thu hồi sản phẩm lỗi: Cảnh giác từ những dấu hiệu đầu tiên
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ảnh: Khánh An

Những năm gần đây, cùng với tốc độ phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử và chuỗi cung ứng xuyên biên giới, nhu cầu kiểm soát rủi ro từ các sản phẩm tiêu dùng ngày càng trở nên cấp thiết. Người tiêu dùng Việt Nam cũng ngày càng quan tâm và có nhận thức rõ ràng hơn về chất lượng, nguồn gốc, độ an toàn của hàng hóa lưu hành trên thị trường.

Tuy nhiên, giữa một thị trường ngày càng phong phú và năng động, công tác đảm bảo an toàn sản phẩm vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện. Từ cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan, công cụ giám sát kỹ thuật, đến việc nâng cao vai trò chủ động của người tiêu dùng,… tất cả đều đang từng bước được xây dựng để hình thành nên một hệ sinh thái tiêu dùng an toàn, bền vững.

Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm của Vương quốc Anh về thu hồi sản phẩm có khuyết tật, an toàn sản phẩm và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan” do Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia tổ chức mới đây mang đến một cái nhìn đa chiều và thực tiễn về công tác này. Không chỉ là dịp để học hỏi kinh nghiệm quốc tế, hội thảo còn là cơ hội để các bên cùng nhìn lại hiện trạng, chia sẻ khó khăn và quan trọng nhất là cùng nhau tìm ra giải pháp mang tính ứng dụng cao trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh hội nhập và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng một cách bài bản.

Thu hồi sản phẩm lỗi: Cảnh giác từ những dấu hiệu đầu tiên
Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm của Vương quốc Anh về thu hồi sản phẩm có khuyết tật, an toàn sản phẩm và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan”. Ảnh: VCA

Đây là hoạt động cụ thể đầu tiên sau khi Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia và Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam ký kết Bản ghi nhớ hợp tác về bảo vệ người tiêu dùng vào tháng 3/2025, nằm trong khuôn khổ chương trình Hội nhập Kinh tế ASEAN - Vương quốc Anh. Nhưng hơn cả một sự kiện hợp tác quốc tế, hội thảo là cơ hội để các cán bộ, công chức của cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, các Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam, “tập trận” với các tình huống giả định sát thực tế, được tiếp cận và trao đổi sâu hơn về quy định pháp luật, cách thức phân tích vụ việc, tiến hành thu hồi sản phẩm có khuyết tật, mô hình quản lý rủi ro, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng, cũng như các công cụ kỹ thuật trong giám sát và cảnh báo sớm các sản phẩm không an toàn trên thị trường.

Bà Nguyễn Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, nhấn mạnh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không phải là một khẩu hiệu, mà phải bắt đầu từ chính sách, hệ thống và hành động cụ thể. Một trong những trụ cột chính là bảo đảm an toàn sản phẩm, nơi quyền lợi, sức khỏe và tính mạng người dân được đặt lên trên tất cả. Bà cũng chỉ rõ rằng, tại Việt Nam, công tác này không chỉ là nhiệm vụ của một đơn vị duy nhất mà là sự tham gia đồng bộ của nhiều lực lượng.

“Thời gian qua, Nhà nước Việt Nam đã có nhiều chỉ đạo, định hướng quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý an toàn sản phẩm, trong đó Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia - cơ quan quản lý nhà nước ở cấp trung ương và Sở Công Thương - cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương cấp tỉnh, được giao thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm liên quan đến giám sát, xử lý hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng bao gồm: Giám sát hoạt động thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật trên thị trường. Công tác này còn được thực hiện bởi nhiều đơn vị có liên quan như cơ quan về quản lý và phát triển thị trường, thương mại điện tử, quản lý chất lượng, sản phẩm hàng hóa, an toàn sản phẩm và các Hội Bảo vệ người tiêu dùng trên cả nước”, bà Nguyễn Quỳnh Anh thông tin.

Thu hồi sản phẩm lỗi: Cảnh giác từ những dấu hiệu đầu tiên
Bà Nguyễn Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VCA

Bài học từ Vương quốc Anh

Từ phía đối tác, bà Jaipal Basi, Trưởng bộ phận hợp tác quốc tế Cục An toàn và Tiêu chuẩn sản phẩm Vương quốc Anh (OPSS), nhấn mạnh sự coi trọng hợp tác với Việt Nam, đồng thời chia sẻ những chiến lược mà Vương quốc Anh đang áp dụng để quản lý sản phẩm tiêu dùng: Xây dựng mạng lưới giám sát rộng khắp, thiết lập hệ thống cảnh báo sớm và đặc biệt là thúc đẩy sự tham gia chủ động của người tiêu dùng vào quá trình giám sát sản phẩm.

Điểm đáng chú ý là hội thảo không dừng lại ở lý thuyết. Các đại biểu đã trực tiếp tham gia thực hành lập kế hoạch xử lý sự cố, một quy trình được OPSS sử dụng khi xuất hiện nghi vấn về sản phẩm có thể gây mất an toàn. Quá trình thực hành bao gồm các bước từ xác định tầm quan trọng của vụ việc, dự kiến kế hoạch hành động, đến soạn thảo thông tin cảnh báo gửi tới người tiêu dùng. Dù chỉ là tình huống mô phỏng, nhưng bài tập giúp các đại biểu tiếp cận thực tế phương pháp ứng phó của Vương quốc Anh, từ đó rút ra nhiều kinh nghiệm hữu ích trong xử lý sự cố tại Việt Nam.

Một điểm khác biệt nổi bật trong mô hình của OPSS là vai trò của các tổ chức tiêu dùng và chính quyền địa phương. Thay vì chỉ trông chờ vào lệnh hành chính từ Trung ương, OPSS thiết lập các điểm giám sát tại địa phương, sử dụng mạng lưới xã hội để lan truyền thông tin cảnh báo và xây dựng mối quan hệ đối tác với doanh nghiệp để họ chủ động thu hồi sản phẩm khi phát hiện rủi ro. Cách tiếp cận này không chỉ nhanh hơn mà còn hiệu quả hơn về mặt truyền thông và chi phí.

Một câu hỏi đặt ra một cách tự nhiên sau những chia sẻ tại hội thảo là: Việt Nam có thể vận dụng được gì từ mô hình của Vương quốc Anh? Và quan trọng hơn, làm thế nào để từng bước thích nghi, điều chỉnh phương thức quản lý phù hợp với điều kiện trong nước?

Câu trả lời không nằm ở những tuyên bố to tát hay kỳ vọng nhất thời, mà bắt đầu từ những bước đi cụ thể và thực tế: Từng điều chỉnh trong khung khổ pháp lý liên quan đến thu hồi sản phẩm; từng nỗ lực trong việc cải tiến hệ thống cảnh báo sớm; từng khoản đầu tư cho hạ tầng giám sát kỹ thuật số; và đặc biệt, là từng hoạt động nhỏ góp phần tăng cường tiếng nói và vai trò chủ động của người tiêu dùng trong xã hội. Sự thay đổi, nếu đến từ nhiều phía và cùng hướng về một mục tiêu chung, sẽ dần tạo nên chuyển biến tích cực và bền vững.

An toàn sản phẩm không phải là chuyện của riêng ngành nào. Đó là trận tuyến mà mỗi cơ quan, địa phương, người dân đều phải nhập cuộc. Càng chủ động thì rủi ro càng được thu hẹp. Càng chần chừ, thì nguy cơ càng lớn.

Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm của Vương quốc Anh về thu hồi sản phẩm có khuyết tật, an toàn sản phẩm và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan” là một trong các hoạt động đầu tiên nhằm thực hiện Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực bảo vệ người tiêu dùng giữa Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia Việt Nam và Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam trong khuôn khổ chương trình Hội nhập Kinh tế ASEAN - Vương quốc Anh (EIP) được triển khai từ tháng 4/2024 và kéo dài trong 4 năm, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tăng cường hội nhập khu vực.
Ngân Thương

Bản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.