21:00 | 08/05/2025
Huyện Tuần Giáo và giấc mơ “thủ phủ” mắc ca Tây Bắc Long nhãn Sơn La - 'vàng ngọt' của núi rừng Tây Bắc Điện Biên: 'Đại tiệc' Festival Tinh hoa Tây Bắc có gì hấp dẫn? |
Bắt đầu từ một giống cây lạ…
Câu chuyện cây chia ở Than Uyên, Lai Châu không phải là một hiện tượng nhất thời, đằng sau đó là cả một quá trình hoạch định chiến lược, sự cam kết đồng hành lâu dài của chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người nông dân.
Cây chia là loài thực vật thuộc họ bạc hà, có nguồn gốc từ vùng Nam Mỹ, nổi tiếng với khả năng chịu hạn tốt, thích nghi với đất đai khô cằn và khí hậu nhiệt đới gió mùa. Lá cây nhỏ, thuôn dài, mọc đối xứng; hoa màu tím nhạt, kết thành bông mảnh. Điều kỳ diệu nằm ở hạt chia, loại hạt nhỏ li ti nhưng nổi bật với hàm lượng dinh dưỡng cao, giàu chất xơ, protein thực vật, omega-3 và các khoáng chất. Trong bối cảnh người tiêu dùng hiện đại ngày càng ưa chuộng thực phẩm tốt cho sức khỏe, hạt chia nhanh chóng trở thành “siêu thực phẩm” toàn cầu.
Từ tháng 5/2024, mô hình trồng chia hữu cơ được chính thức triển khai tại huyện Than Uyên, với sự phối hợp của UBND huyện, Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Hợp tác xã Nhà Xanh Toàn Cầu. Theo đó, HTX đảm nhận toàn bộ quy trình, từ khâu cung cấp giống, chuyển giao kỹ thuật canh tác đến bao tiêu sản phẩm với mức giá ổn định.
![]() |
Từ tháng 5/2024, mô hình trồng chia hữu cơ được chính thức triển khai tại huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu. Ảnh: Ngọc Hoa |
Trao đổi với Báo Công Thương, bà Vũ Thị Thanh Huyên, Đại diện HTX Nhà Xanh Toàn Cầu cho biết, HTX không đơn thuần chỉ thu mua sản phẩm, mà đầu tư ngay từ gốc, từ khâu chọn giống đến kiểm soát chất lượng, đảm bảo đầu ra và quan trọng nhất là hỗ trợ bà con xây dựng thương hiệu riêng cho từng sản phẩm bản địa.
“Chúng tôi không làm thay bà con, chúng tôi đồng hành để bà con làm chủ. Khi và chỉ khi người dân tộc thiểu số sở hữu thương hiệu của chính mình, họ mới giữ được giá trị bền vững cho nông sản vùng cao”, đại diện HTX Nhà Xanh Toàn Cầu chia sẻ.
…đến hành trình hình thành thương hiệu bản địa
Nếu coi thương hiệu là phần “hồn” của sản phẩm, thì mô hình trồng chia ở Than Uyên là minh chứng rõ nét cho tư duy phát triển nông nghiệp theo chiều sâu. Theo đó, HTX Nhà Xanh Toàn Cầu đang đầu tư đúng trọng tâm: làm cho sản phẩm không chỉ có giá, mà có giá trị. Và thương hiệu ChicoChia chính là sự kết tinh của một chuỗi giá trị đã được chuẩn hoá.
Sau 12 năm nghiên cứu, các nhà khoa học của Hợp tác xã Nhà Xanh Toàn Cầu đã chọn lọc thành công giống cây chia thuần chủng, phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng Việt Nam. Từ giống cây ấy, HTX phát triển thành chuỗi sản phẩm mang thương hiệu ChicoChia như Omega3, bột dinh dưỡng từ hạt chia, bột dinh dưỡng từ lá non, trà túi lọc,….phục vụ nhu cầu tiêu dùng hiện đại. Mỗi sản phẩm đều được đầu tư từ bao bì, mã QR truy xuất nguồn gốc đến chiến dịch truyền thông số, tạo cầu nối trực tiếp giữa người sản xuất và người tiêu dùng.
Không chỉ phục vụ thị trường trong nước, HTX Nhà Xanh Toàn Cầu đặt mục tiêu xuất khẩu sản phẩm chia sang các thị trường cao cấp như Singapore, Hàn Quốc và châu Âu. “Tuy nhiên, để làm được điều này, vấn đề kiểm định chất lượng, xây dựng thương hiệu quốc tế, đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của châu Âu, Hoa Kỳ là điều bắt buộc”, bà Vũ Thị Thanh Huyên cho biết thêm.
![]() |
Bà Vũ Thị Thanh Huyên, Đại diện HTX Nhà Xanh Toàn Cầu. Ảnh: Ngọc Hoa |
Phát triển vùng bắt đầu từ tư duy thị trường
Ông Nguyễn Văn Thăng, Chủ tịch UBND huyện Than Uyên cho biết, huyện xác định cây chia là bước đi mới trong chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp vùng cao. “Cây chia là cơ hội thay thế các cây trồng kém hiệu quả, giúp người dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới và phát triển nền nông nghiệp theo hướng hữu cơ, sinh thái và bền vững”, ông Nguyễn Văn Thăng nhấn mạnh.
Thay vì tiếp cận theo hướng “trợ giúp” hay “hỗ trợ thoát nghèo”, mô hình cây chia là một cách tiếp cận thị trường rất rõ ràng. Có sản phẩm, có tiêu chuẩn, có đơn vị bao tiêu, có thương hiệu và đặc biệt, có nhu cầu thật từ thị trường trong nước và quốc tế.
Tỉnh Lai Châu đã vào cuộc tích cực, hỗ trợ HTX đưa sản phẩm tham gia hội chợ, kết nối với hệ thống thương mại điện tử, truyền thông sản phẩm OCOP… Đây chính là cách tiếp cận thực tế, định hướng đúng và đi thẳng vào trọng tâm. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang xây dựng các nền tảng số cho sản phẩm nông nghiệp đặc sản, với mục tiêu không để sản vật vùng cao đứng ngoài làn sóng chuyển đổi số.
Câu chuyện cây chia ở Than Uyên không chỉ là câu chuyện về một loại cây mới. Đó là hình mẫu cho mô hình phát triển nông nghiệp bền vững, có thiết kế chuỗi giá trị, có sự đồng hành từ doanh nghiệp đến địa phương, và đặc biệt có thị trường đón đợi.
Từ Than Uyên, một tư duy mới về phát triển vùng đã khởi sắc. Và từ một hạt giống nhỏ bé, cây chia đang gieo mầm cho một tư duy về phát triển bền vững, nơi sản vật bản địa không chỉ được giữ gìn, mà còn được nâng tầm và lan toả bằng chính giá trị nội tại.
Điều kỳ diệu nằm ở hạt chia, loại hạt nhỏ li ti nhưng nổi bật với hàm lượng dinh dưỡng cao, giàu chất xơ, protein thực vật, omega-3 và các khoáng chất. Trong bối cảnh người tiêu dùng hiện đại ngày càng ưa chuộng thực phẩm tốt cho sức khỏe, hạt chia nhanh chóng trở thành “siêu thực phẩm” toàn cầu. |
Đường dẫn bài viết: https://congthuong.vn/gieo-gia-tri-gat-niem-tin-giua-dai-ngan-tay-bac-386725.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.