Gỡ rào cản thủ tục, mở đường tăng trưởng

Chính phủ đang hành động mạnh mẽ để đồng hành cùng doanh nghiệp, tháo gỡ rào cản thủ tục hành chính, thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Sửa Nghị định 15/2018/NĐ-CP: Doanh nghiệp lo tăng gánh nặng hành chính Rà soát, phân định thẩm quyền 346 thủ tục hành chính Bộ Công Thương nỗ lực đi đầu trong cải cách hành chính

Bớt thời gian, thêm lợi ích cho doanh nghiệp

Để thực hiện một thủ tục hành chính (TTHC), doanh nghiệp phải bỏ ra từ 2,6 giờ đến gần 260 giờ và chi phí từ vài nghìn đồng tới trên 40 triệu đồng. Báo cáo gần nhất cho chúng ta cái nhìn tổng quát về TTHC là: Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính 2022. Đây là báo cáo thường niên của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính TTHC của Thủ tướng Chính phủ.

Nhiều con số đáng suy ngẫm khi báo cáo được công bố. Theo đó, để thực hiện TTHC trong nhóm Môi trường, trung bình mỗi doanh nghiệp mất 259,2 giờ (khoảng 32,4 ngày làm việc), và 23,6 triệu đồng chi phí trực tiếp. Đây là con số cao nhất trong khảo sát khoảng 10 nhóm TTHC.

Đứng thứ 2 là lĩnh vực TTHC về giấy phép, chứng chỉ hành nghề, điều kiện kinh doanh, trung bình mỗi doanh nghiệp phải bỏ ra xấp xỉ 42,9 giờ, chi phí trực tiếp là 2,1 triệu đồng. Một số nhóm khác như: Giao dịch thương mại qua biên giới, trung bình mỗi doanh nghiệp phải bỏ ra khoảng 14,9 giờ, chi phí trực tiếp khoảng 3,8 triệu đồng cho các dịch vụ logistics; TTHC về đầu tư là 61,7 giờ và 1,8 triệu đồng; Về đất đai là 32,2 giờ, chi phí trực tiếp là khoảng 3,8 triệu đồng…

Gỡ rào cản thủ tục, mở đường tăng trưởng
Chính phủ tiếp tục kiên định với mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, coi đây là một trong những trụ cột quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Hơn 2 năm sau khi báo cáo được công bố, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành, địa phương, đã có nhiều đổi thay về TTHC. Theo đó, tinh thần cải cách, triển khai các giải pháp cụ thể như số hóa thủ tục hành chính, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ cao đã diễn ra tại nhiều bộ ngành, địa phương. Những chuyển biến này đang từng bước hình thành một môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi hơn cho cộng đồng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, những thay đổi này vẫn chưa được như kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp, đó vẫn là một rào cản cần được tháo gỡ để hành lang pháp lý được thông thoáng hơn. Vì thế, cải cách TTHC vẫn luôn là mục tiêu được Chính phủ đưa ra tại các Nghị quyết, các chỉ đạo về thực hiện các mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Năm 2025, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 8%, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn nhiều biến động, yêu cầu phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong nước đang đặt ra những đòi hỏi cấp thiết về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Trên tinh thần đó, Chính phủ tiếp tục kiên định với mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, coi đây là một trong những trụ cột quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Cụ thể, ngày 4/5/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 56/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 66/NQ-CP ngày 26/3/2025 của Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đây là bước đi thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ trong việc đồng hành, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để có thể phát triển ổn định và bền vững.

Công điện số 56/CĐ-TTg không chỉ dừng lại ở việc nêu ra yêu cầu chung, mà nhấn mạnh rõ trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong việc chủ trì, kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện. Theo đó, các bộ, ngành được giao nhiệm vụ khẩn trương rà soát, đề xuất cắt giảm ít nhất 20% quy định thủ tục hành chính và 20% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính trong năm 2025.

Việc đơn giản hóa thủ tục hành chính không chỉ là một giải pháp kỹ thuật hay quản trị công, mà còn là một định hướng chính trị mang tính chiến lược. Nó thể hiện quan điểm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Khi thủ tục được tinh giản, điều kiện kinh doanh minh bạch và ổn định, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được thời gian, chi phí, từ đó có thêm nguồn lực để đầu tư, mở rộng sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh. Mỗi giờ của doanh nghiệp đều quý giá. Trong gần 1 triệu doanh nghiệp ngoài nhà nước hiện nay, mỗi doanh nghiệp chỉ cần bớt được vài giờ về TTHC thì cả xã hội đã tiết kiệm được hàng ngàn tỷ đồng.

Từ cải cách hành chính đến động lực tăng trưởng

Cộng đồng doanh nghiệp từ lâu đã kỳ vọng vào một môi trường pháp lý ổn định, minh bạch và thông thoáng. Việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm bớt điều kiện kinh doanh là một trong những yếu tố then chốt để tăng cường lòng tin của nhà đầu tư, kích thích tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong khu vực kinh tế tư nhân. Nhiều doanh nghiệp chia sẻ, mỗi quy định được cắt giảm hay đơn giản hóa không chỉ giảm gánh nặng hành chính mà còn thể hiện rõ thiện chí của Chính phủ trong việc lắng nghe và đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp.

Từ việc rút ngắn thời gian cấp phép đầu tư, đến việc bãi bỏ các thủ tục không còn cần thiết, mỗi hành động đều có tác động tích cực đến tâm lý và hoạt động thực tiễn của doanh nghiệp.

Năm 2025 là năm bản lề trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025. Bối cảnh hội nhập sâu rộng, cùng yêu cầu thực hiện các cam kết quốc tế, nhất là trong các FTA thế hệ mới, đang tạo áp lực nhưng cũng mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam. Trong điều kiện đó, cải cách hành chính trở thành một trong những động lực quan trọng để tăng trưởng. Đặc biệt là với mục tiêu 8% của năm nay

Theo Công điện 56/CĐ-TTg, việc cắt giảm thủ tục phải gắn với nâng cao hiệu quả thực thi chính sách, bảo đảm nguyên tắc không tạo thêm rào cản mới, không gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Chính phủ cũng nhấn mạnh vai trò của việc đánh giá tác động chính sách và lấy ý kiến doanh nghiệp trước khi ban hành quy định mới.

Chuyển biến trong tư duy quản lý cũng là điều dễ nhận thấy: từ chỗ "quản lý để kiểm soát" sang "quản lý để phục vụ và tạo thuận lợi". Đây là bước thay đổi quan trọng, mang tính nền tảng cho quá trình chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số.

Để cải cách hành chính không chỉ dừng lại ở khẩu hiệu, cần có cơ chế giám sát độc lập, công khai và minh bạch. Cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, các tổ chức xã hội cần tích cực tham gia vào quá trình phản biện chính sách, đóng góp ý kiến, đồng thời theo dõi, đánh giá hiệu quả thực hiện ở các cấp chính quyền.

Một môi trường kinh doanh minh bạch không thể được xây dựng nếu thiếu sự minh bạch trong chính sách. Do đó, các bộ, ngành cần công bố công khai danh mục thủ tục được cắt giảm, điều kiện kinh doanh bị bãi bỏ, đồng thời cập nhật thường xuyên trên các cổng thông tin điện tử. Việc này không chỉ giúp người dân và doanh nghiệp dễ tiếp cận, mà còn là công cụ để truyền thông, tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Chính phủ đang từng bước tháo gỡ những “nút thắt vô hình” bằng quyết tâm cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng. Công điện 56/CĐ-TTg là hành động cụ thể, nối dài cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp vươn xa, chinh phục các mục tiêu tăng trưởng năm 2025 và những năm tiếp theo.
Thuỳ Linh

Bản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.