21:20 | 06/05/2025
Đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
Ngày 6/5, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 1779/UBND-KT về việc thực hiện Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là bước triển khai quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch, đầu tư hạ tầng và phát triển sản phẩm du lịch, hướng tới mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Theo đó, UBND Thành phố Hà Nội yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp chặt chẽ, tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ. Hà Nội đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số, xây dựng hệ thống hạ tầng du lịch hiện đại, đồng bộ, từng bước khẳng định vị thế điểm đến hàng đầu trong khu vực.
Trong đó, Sở Du lịch Hà Nội là đơn vị chủ trì thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 và Nghị quyết 82/NQ-CP của Chính phủ, đảm bảo đạt được các mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2023-2025. Đồng thời, đơn vị này có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin về quy hoạch, kế hoạch triển khai tới các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp và tổ chức liên quan.
![]() |
Hà Nội quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 hướng tới mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ảnh: Nam Trần |
UBND Thành phố Hà Nội cũng yêu cầu Sở Du lịch Hà Nội tăng cường quản lý nhà nước, chú trọng đào tạo nghiệp vụ cho cán bộ và người lao động trong ngành; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, số hóa dữ liệu về khu du lịch, điểm đến, cơ sở dịch vụ, xây dựng bản đồ số và hệ thống dữ liệu ngành du lịch.
Ngoài ra, Hà Nội sẽ tổ chức các sự kiện, lễ hội, hoạt động du lịch theo hướng chuyên nghiệp, đặc sắc; triển khai các chương trình quảng bá quy mô lớn tại hội chợ quốc tế và trên các kênh truyền hình, truyền thông trong nước và quốc tế.
Đồng bộ phát triển hạ tầng, bảo tồn văn hóa
Sở Tài chính phối hợp xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2025 và giai đoạn 2026-2030; xây dựng danh mục dự án kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực du lịch. Đồng thời, tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư để thu hút doanh nghiệp lớn tham gia.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội tập trung đẩy nhanh quy hoạch các khu vực như Khu du lịch Ba Vì, hồ Hoàn Kiếm - phụ cận, khu phố cổ và quần thể Hương Sơn tại huyện Mỹ Đức. Bên cạnh đó, đơn vị này sẽ phối hợp bổ sung quy hoạch các tổ hợp lưu trú cao cấp tại vị trí trung tâm, thuận tiện giao thông và hấp dẫn du khách.
Sở Xây dựng Hà Nội tiếp tục phối hợp triển khai cải tạo các công viên lớn như: Thống Nhất, Bách Thảo, Thủ Lệ... theo định hướng không gian mở, phát triển theo chủ đề chuyên biệt. Đơn vị này cũng được giao nhiệm vụ thu hút đầu tư phát triển hệ thống bến cảng thủy du lịch hiện đại và triển khai 9 tuyến phố đi bộ, phố ẩm thực mới mang tính đặc sắc.
![]() |
Giới thiệu sản phẩm du lịch làng nghề truyền thống tại phố đi bộ Hà Nội. Ảnh: Hương Trà |
Về phía Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội, nhiệm vụ trọng tâm là rà soát, cập nhật các dự án du lịch vào quy hoạch sử dụng đất hằng năm; điều tra, xây dựng cơ sở dữ liệu về rừng, tạo điều kiện cho phát triển du lịch sinh thái, nông nghiệp, gắn với bảo tồn rừng. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai các đề án bảo vệ môi trường tại các điểm đến.
Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phấn đấu triển khai thí điểm các mô hình trung tâm công nghiệp văn hóa tại các khu vực đủ điều kiện; đẩy nhanh tiến độ tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa, kết hợp phát triển du lịch di sản.
Sở Công Thương chủ trì xây dựng trung tâm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP, làng nghề; đồng thời xây dựng khu Outlet tại phía Bắc thành phố trong năm 2025.
UBND các quận, huyện, thị xã được giao nhiệm vụ ưu tiên bố trí ngân sách cho các dự án hạ tầng du lịch, tu bổ, nâng cấp di tích và đẩy nhanh quy hoạch, đề án phát triển du lịch địa phương. Một số đề án nổi bật gồm: Bảo tồn và phát huy giá trị Hồ Tây và vùng phụ cận; bảo tồn làng cổ Đường Lâm giai đoạn 2025–2030; phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch tại Bát Tràng, Vạn Phúc...
Tổng công ty Du lịch Hà Nội cần tăng cường quản lý, bảo tồn các giá trị lịch sử, văn hóa tại cơ sở do mình quản lý. Đồng thời, đẩy nhanh các dự án cải tạo, xây dựng mới để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách du lịch trong nước và quốc tế.
Việc triển khai quy hoạch du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2045 không chỉ góp phần đưa Hà Nội trở thành điểm đến hàng đầu mà còn thể hiện quyết tâm của thành phố trong xây dựng ngành du lịch phát triển bền vững, có chiều sâu. Sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành và cộng đồng sẽ tạo nền tảng vững chắc để du lịch Thủ đô thực sự “cất cánh”. |
Đường dẫn bài viết: https://congthuong.vn/ha-noi-dinh-huong-phat-trien-san-pham-du-lich-moi-386352.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.