Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4: Kinh tế giữ vững đà tăng trưởng

Chiều nay (6/5), Văn phòng Chính phủ tổ chức buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2025. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn chủ trì.
Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3: Điểm sáng xuất khẩu, thu hút FDI Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2: Sản xuất công nghiệp tăng trưởng tích cực Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 12: Bứt phá trong xuất khẩu và hạ tầng năng lượng

Cùng dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan và phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông. Thứ trưởng Phan Thị Thắng - đại diện Bộ Công Thương tham dự buổi họp báo.

Niềm tin nhà đầu tư ngày càng củng cố

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn - Người phát ngôn của Chính phủ cho biết, sáng ngày 6/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2025.

Trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến rất phức tạp, khó lường; nguy cơ rủi ro, bất ổn tăng cao. Các tổ chức quốc tế đồng loạt hạ mức dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2025.

Ở trong nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra. Tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm tiếp tục xu hướng tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, tính chung 4 tháng tốt hơn cùng kỳ năm 2024 trên hầu hết các lĩnh vực.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ, chủ trì họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2025 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ, chủ trì họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2025 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo đó, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Kinh tế tiếp tục duy trì đà phát triển tích vực ở cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ.

Nông nghiệp khắc phục rất nhanh hậu quả sau bão Yagi cuối năm 2024, phục hồi mạnh, phát triển ổn định, trồng trọt, chăn nuôi, khai thác thủy sản đều đạt kết quả tích cực.

Sản xuất công nghiệp tháng 4 tăng 1,4% so tháng 3 và tăng 8,9% so cùng kỳ; tính chung 4 tháng tăng 8,4% (cùng kỳ tăng 6,3%), trong đó ngành chế biến chế tạo tăng 10,1% (cùng kỳ tăng 6,5%).

Khu vực dịch vụ tiếp tục tăng cao. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng gần 10%. Thu hút gần 7,7 triệu lượt khách quốc tế, cao nhất từ trước đến nay, tăng 23,8%.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 4 tháng tăng bình quân 3,2%. Thu ngân sách nhà nước đạt trên 944 nghìn tỷ, bằng 48% dự toán năm, tăng 26,3%.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt trên 276 tỷ USD, tăng 15,7%, xuất siêu 3,8 tỷ USD. An ninh năng lượng, lương thực được bảo đảm (xuất khẩu gạo trên 3,4 triệu tấn); thị trường lao động tích cực, bảo đảm cân đối cung cầu lao động.

Thu hút đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng; tổng vốn FDI đăng ký 4 tháng đạt gần 13,8 tỷ USD, tăng 39,7%.

"Vốn FDI thực hiện đạt trên 6,7 tỷ USD, cao nhất cùng kỳ giai đoạn 2020 - 2025, cho thấy lòng tin của nhà đầu tư được tăng cường và củng cố", Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn nhấn mạnh.

Đáng chú ý, theo đánh giá của Liên Hợp Quốc, chỉ số hạnh phúc của Việt Nam năm 2025 xếp hạng 46/143, tăng 8 bậc so với năm 2024. Đặc biệt, thu nhập bình quân tháng của lao động quý I/2025 đạt 9,4 triệu đồng, tăng 10,7%, tương ứng tăng 906 nghìn đồng so với cùng kỳ 2024.

Nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá cao kết quả và triển vọng của kinh tế Việt Nam; ADB dự báo Việt Nam tăng trưởng 6,6% trong năm 2025; Ngân hàng Standard Chartered dự báo tăng 6,7%.

Đa dạng hóa thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp

Bên cạnh khẳng định những kết quả đạt được là cơ bản, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, các thành viên Chính phủ thẳng thắn nhìn nhận tình hình kinh tế - xã hội còn những khó khăn, thách thức khi bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến nhanh, phức tạp; nền kinh tế còn những bất cập và khó khăn, thách thức, nổi bật là sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô, sản xuất kinh doanh nhiều lĩnh vực khó khăn, thủ tục hành chính có nơi còn rườm rà, phân cấp, phân quyền chưa triệt để, còn cản trở phát triển...

Tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành, lãnh đạo địa phương chủ động rà soát lại công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công để khắc phục các hạn chế, bất cập đã chỉ ra.

Thực hiện đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ.

Chính phủ cũng đặt trọng tâm vào việc thúc đẩy sắp xếp địa giới hành chính, chuyển đổi mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, cắt giảm thủ tục hành chính và phân cấp, phân quyền rõ ràng. Chuyển từ tư duy quản lý hành chính sang phục vụ người dân, doanh nghiệp; đi đôi với phân cấp, phân quyền rõ ràng và cắt giảm thủ tục.

Đối với chính sách thuế mới của Hoa Kỳ, Chính phủ yêu cầu chuẩn bị kỹ các phương án đàm phán theo nguyên tắc "hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro", bảo đảm không ảnh hưởng đến các cam kết quốc tế đã ký, đồng thời đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, nâng cao chất lượng xuất khẩu và tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp.

Về điều hành kinh tế vĩ mô, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá, giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện tiếp cận tín dụng, phát triển thị trường vốn, trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh. Tăng cường quản lý thị trường vàng, phòng, chống và cương quyết xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, thao túng, găm hàng và buôn lậu.

Các giải pháp khác bao gồm: Thúc đẩy tiêu dùng nội địa, hỗ trợ thị trường bất động sản, giải ngân 100% vốn đầu tư công, đẩy mạnh thu hút FDI công nghệ cao, mở rộng chính sách visa để thu hút khách quốc tế, xử lý các dự án tồn đọng, phát triển công nghiệp văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó biến đổi khí hậu và tăng cường truyền thông chính sách, khơi dậy tinh thần thi đua yêu nước trong toàn xã hội.

Báo Công Thương tiếp tục cập nhập thông tin cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ.

Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 diễn ra sáng 6/5, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì đẩy mạnh xuất khẩu và đàm phán, mở rộng các thị trường mới; kích cầu tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh cuộc vận động người Việt Nam sử dụng hàng Việt Nam, nhất là các sản phẩm OCOP.

Nguyên Thảo

Bản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.