Gia Lâm: Từ 'cửa ngõ' thành 'tâm điểm' đầu tư mới

Sở hữu vị trí chiến lược, hạ tầng bứt phá và dòng vốn mạnh đổ về, bất động sản Gia Lâm đang nổi lên như điểm sáng đầu tư.
Huyện Gia Lâm - Hà Nội: Đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới Gia Lâm lên quận: Cú hích bất động sản Đông Hà Nội Nhiều dự án bất động sản ‘ngủ đông’ rục rịch hồi sinh

Vị trí chiến lược, hạ tầng dẫn đường cho phát triển

Trong số các huyện đang trên lộ trình lên quận của Hà Nội, Gia Lâm được đánh giá là địa phương sở hữu lợi thế đặc biệt về vị trí địa lý và động lực phát triển. Nằm ở phía Đông Hà Nội, Gia Lâm nằm trọn trong hành lang kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, kết nối trực tiếp với ba cực tăng trưởng lớn là Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Đây là điểm cộng vượt trội mà các khu vực phía Tây, Nam hay Bắc Thủ đô khó có thể sánh kịp.

Vài năm trở lại đây, Gia Lâm đã có cú "lột xác" nhờ chiến lược đầu tư hạ tầng bài bản. Hàng loạt tuyến giao thông huyết mạch như Dương Xá - Đông Dư, Yên Viên - Đình Xuyên - Phù Đổng được triển khai đồng bộ, kết nối thông suốt nội, ngoại thành. Đặc biệt, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 đi vào hoạt động đã giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ Gia Lâm vào trung tâm Hà Nội, giảm áp lực cho cầu Chương Dương và cầu Thanh Trì.

Cầu vượt Trần Hưng Đạo gần 16.000 tỷ được khởi công năm nay sẽ tạo ra cú hích cho bất động sản Gia Lâm (ảnh phối cảnh)
Cầu vượt Trần Hưng Đạo gần 16.000 tỷ được khởi công năm nay sẽ tạo ra cú hích cho bất động sản Gia Lâm. Ảnh phối cảnh

Năm 2025, Gia Lâm sẽ đón nhận thêm các siêu dự án hạ tầng như cầu Trần Hưng Đạo và cầu Ngọc Hồi, hai cây cầu vượt sông Hồng quan trọng, giúp hành trình vào nội đô chỉ còn 10-15 phút. Ngoài ra, hai tuyến metro số 1 (Ngọc Hồi – Yên Viên – Như Quỳnh) và số 8 (Cổ Nhuế – Dương Xá) cũng đã được quy hoạch đi qua Gia Lâm, mở ra tương lai kết nối bằng đường sắt hiện đại và gia tăng giá trị bất động sản.

Ngoại lực mạnh mẽ, bất động sản tăng trưởng thần tốc

Không chỉ có vị trí và hạ tầng thuận lợi, Gia Lâm còn thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư từ các tập đoàn lớn. Hàng loạt “ông lớn” như Vingroup, BRG, Eurowindow Holding... đã rót vốn phát triển các siêu đô thị như Vinhomes Ocean Park 1, 2, 3; khu đô thị Đặng Xá; và liền kề là Ecopark. Những khu đô thị này không chỉ tạo dựng môi trường sống đẳng cấp mà còn nâng tầm diện mạo đô thị Gia Lâm, biến nơi đây thành điểm đến hấp dẫn cho cư dân chuyển dịch khỏi nội đô.

Nhờ những cú hích mạnh mẽ đó, Gia Lâm đã hoàn thành 31/31 tiêu chí lên quận nhanh nhất trong số các huyện có lộ trình tương tự. Điều này chứng minh đà phát triển bền vững và mở ra tiềm năng lớn cho thị trường bất động sản địa phương.

Theo khảo sát của SGO Land, giá đất thổ cư tại nhiều khu vực Gia Lâm đã tăng từ 30 - 50% chỉ trong vòng hai năm qua. Tại xã Phú Sơn, giá đất trục chính thôn Trần Tảo đã lên tới 80 triệu đồng/m². Khu Phố Sủi (đường Ý Lan) dao động từ 130 – 150 triệu đồng/m², khu đường ô tô tránh từ 70 – 80 triệu đồng/m². Khu vực trung tâm thị trấn Trâu Quỳ có nơi chạm ngưỡng 160 triệu đồng/m², trong khi những lô đất gần Vinhomes Ocean Park đã cán mốc 150 – 180 triệu đồng/m².

Giá nhà đất dự án cũng neo ở mức cao. Cụ thể, tại Vinhomes Ocean Park 1, giá bán trung bình từ 200 – 350 triệu đồng/m², tổng giá trị từ 12 – 30 tỷ đồng/căn. Các phân khu Vinhomes Ocean Park 2, 3 có giá dao động từ 120 – 230 triệu đồng/m², tương đương 8 – 20 tỷ đồng/căn. Những con số này phản ánh kỳ vọng lớn của giới đầu tư vào tiềm năng tăng giá khi Gia Lâm chính thức trở thành quận mới.

Ông Lê Đình Chung, Tổng Giám đốc SGO Homes, thành viên tổ nghiên cứu thị trường thuộc Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), cho rằng mặt bằng giá Gia Lâm vẫn còn dư địa tăng trưởng. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần lựa chọn những khu vực chưa chạm đỉnh giá, có tiềm năng giao thương và được hưởng lợi trực tiếp từ các công trình hạ tầng tương lai để tối ưu hoá lợi nhuận.

Những thay đổi mạnh mẽ về hạ tầng, quy hoạch và dòng vốn đầu tư đã góp phần đưa Gia Lâm từ một huyện ngoại thành trở thành một "điểm nóng" thu hút sự chú ý của giới đầu tư bất động sản toàn miền Bắc. Việc hoàn thành sớm 31/31 tiêu chí lên quận không chỉ là minh chứng cho đà phát triển bứt phá của địa phương, mà còn là nền tảng để Gia Lâm vươn mình trở thành cực tăng trưởng mới của Hà Nội trong giai đoạn 2025 – 2030.

Chị Nguyễn Thu Hà, một cư dân vừa chuyển về sống tại Vinhomes Ocean Park 2 chia sẻ: “Tôi từng sống ở nội thành, nhưng ba năm gần đây, thấy Gia Lâm thay đổi quá nhanh, từ đường sá đến tiện ích. Không nghĩ là ra ngoại thành mà lại được hưởng hạ tầng hiện đại đến vậy. Tôi tin rằng chỉ vài năm nữa, nơi đây sẽ trở thành một trung tâm mới của thành phố”.

Trong bối cảnh các huyện lên quận đang bước vào giai đoạn cạnh tranh khốc liệt, Gia Lâm với lợi thế về vị trí chiến lược, quy hoạch đồng bộ và sự tham gia của các nhà phát triển lớn, đang khẳng định vai trò là “ngòi nổ” cho làn sóng đô thị hóa ở phía Đông Thủ đô. Với tiềm năng chưa được khai phá hết, Gia Lâm không chỉ là nơi đáng sống mà còn là “vùng trũng” đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư dài hạn, đặc biệt trong giai đoạn Hà Nội đang đẩy mạnh phát triển vùng ven theo hướng thông minh và bền vững.
Nguyễn Vy

Bản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.