Chất lượng sản phẩm: Tăng tính minh bạch, đáp ứng hội nhập

Xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa để tạo môi trường sản xuất kinh doanh minh bạch, đòn bẩy phát triển thương mại.
Chất lượng sản phẩm OCOP: 'Chìa khoá vàng' giữ thương hiệu Chủ tịch Quốc hội: Đảm bảo chất lượng hàng hóa sẽ bảo vệ doanh nghiệp xuất khẩu Doanh nghiệp tâm tư về quy định quản lý chất lượng sản phẩm

Nâng cao năng lực cạnh tranh

Dự kiến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Chất lượng sản phẩm: Tăng tính minh bạch, đáp ứng hội nhập
Chế biến nông sản - Ảnh minh họa

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định cho biết, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa được Quốc hội thông qua năm 2007, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2008 là văn bản pháp luật quan trọng, điều chỉnh các quan hệ liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hoá.

Luật được xây dựng và ban hành trong bối cảnh Việt Nam đàm phán, gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), yêu cầu Việt Nam phải hoàn thiện khung pháp lý về tiêu chuẩn chất lượng, tăng cường tính minh bạch trong quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, loại bỏ rào cản kỹ thuật thương mại không cần thiết, thúc đẩy thuận lợi cho thương mại toàn cầu.

Qua gần 17 năm thực hiện, các văn bản hướng dẫn, chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngày càng được nâng lên; sản phẩm, hàng hóa được kiểm soát chặt chẽ từ khâu trước khi đưa ra thị trường cho đến khâu sau khi đưa ra thị trường. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá được ban hành đầy đủ.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá 2007 đã phát sinh một số bất cập, hạn chế, đòi hỏi phải sửa đổi để phù hợp với thực tiễn và thúc đẩy sự phát triển.

Nội dung sửa đổi, bổ sung các điều, khoản tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá nhằm thể chế hóa thực hiện chính sách “Đổi mới việc xác định sản phẩm, hàng hoá có khả năng gây mất an toàn (sản phẩm, hàng hóa nhóm 2) và hoạt động kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa”; thể chế hóa thực hiện chính sách “Ứng dụng công nghệ trong quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa”.

Đồng thời, thể chế hóa thực hiện chính sách “Phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế” và chính sách “Tăng cường tính hiệu quả của hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá, đẩy mạnh phân công, phân cấp quản lý để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay”.

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cơ bản tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá với những lý do như đã nêu trong Tờ trình số 132/TTr-CP của Chính phủ.

Việc sửa đổi, bổ sung nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước có liên quan đến lĩnh vực chất lượng; đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với các cam kết của Việt Nam trong 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới; tạo môi trường sản xuất, kinh doanh minh bạch, thúc đẩy phát triển thương mại, thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đạt mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững trong thời gian tới.

Đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế

Theo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 34 điều, bổ sung 15 điều, bỏ 31 Điều trong tổng số 7 chương 72 điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá.

Chất lượng sản phẩm: Tăng tính minh bạch, đáp ứng hội nhập
Chế biến thủy sản xuất khẩu - Ảnh minh họa

Theo đó, dự thảo Luật có 6 chương và 56 điều. Nội dung sửa đổi trong các điều tập trung vào 4 nhóm chính sách đã có trong Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá nhưng cập nhật, bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế và trình độ phát triển của khoa học công nghệ, yêu cầu hội nhập quốc tế.

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát các nội dung cần sửa đổi, bổ sung tại các điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo 4 nhóm chính đã được Quốc hội thông qua để bảo đảm tiến độ, chất lượng dự án Luật trình Quốc hội.

Trong quá trình quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật theo ý kiến các đại biểu Quốc hội, nếu phạm vi sửa đổi vượt ra khỏi 4 nhóm chính sách này thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá tác động chính sách để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật.

Cùng với đó, bối cảnh kinh tế, xã hội trong nước và quốc tế đã có những thay đổi, trong đó có sự phát triển của nhiều công nghệ mới; quan hệ kinh tế, chính trị trên thế giới trở nên khó lường và phức tạp dẫn đến những ảnh hưởng không nhỏ đối với việc lưu thông hàng hóa cũng như nền sản xuất hàng hóa của các nước.

Vì vậy, Ủy ban đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu kỹ lưỡng các mô hình quản lý hiện đại, sản xuất xanh, giảm phát thải; sản xuất, kinh doanh trên môi trường mạng để có định hướng đề xuất chính sách quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa phù hợp, đáp ứng yêu cầu.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nhấn mạnh, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa là một trong những dự án luật quan trọng, nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với các cam kết của Việt Nam trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.​

Dự án Luật được xây dựng nhằm tạo môi trường sản xuất, kinh doanh minh bạch, thúc đẩy phát triển thương mại, thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đạt mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững trong thời gian tới.

Dự án Luật cũng nhằm thể chế hóa các nội dung về đầu tư, phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia; đổi mới phương thức quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa; đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp khoa học, công nghệ và chuyển đổi số để tăng cường công tác quản lý Nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.​

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo khẩn trương rà soát, tiếp thu đầy đủ, giải trình rõ ràng các ý kiến đóng góp, khẩn trương hoàn chỉnh dự thảo Luật, bảo đảm chất lượng và tiến độ trình Quốc hội xem xét, thông qua; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường trong quá trình phục vụ Quốc hội cho ý kiến, xem xét thông qua dự án Luật tại Kỳ họp thứ 9.

Tại phiên họp toàn thể lần thứ 12 của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường mới đây, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định tầm quan trọng của việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhằm đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng cũng như trong quá trình Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện các cam kết quốc tế...

Quỳnh Nga

Bản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.