17:35 | 30/04/2025
Vá 'lỗ hổng' thương mại điện tử để nâng cao hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng Minh bạch quảng cáo: Cần luật hóa trách nhiệm người nổi tiếng Người dùng gặp hoạ vì hàng giả 'núp bóng' thương hiệu ngoại |
Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, bảo vệ người tiêu dùng và an toàn sản phẩm không còn là câu chuyện nội bộ của riêng một quốc gia. Đây đang trở thành mối quan tâm chung của toàn cầu khi thị trường số, chuỗi cung ứng xuyên biên giới và thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, đưa người tiêu dùng bước vào một “siêu thị không biên giới”, nơi những rủi ro về sản phẩm không an toàn, lừa đảo và gian dối cũng dễ dàng len lỏi.
Việt Nam, với vai trò là thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế, không đứng ngoài xu thế này. Từ việc hoàn thiện hành lang pháp lý đến thúc đẩy quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế, khu vực và song phương, các nỗ lực bảo vệ người tiêu dùng và đảm bảo an toàn sản phẩm đang được triển khai theo hướng chủ động, toàn diện và thực chất.
Hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện
Theo Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, sản phẩm kế thừa và phát triển từ Luật năm 2010 đã đánh dấu một bước tiến rõ nét trong nỗ lực hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tại Việt Nam. Luật không chỉ quy định rõ quyền của người tiêu dùng mà còn cụ thể hóa trách nhiệm của các bên liên quan: Từ nhà sản xuất, nhà nhập khẩu đến người bán lẻ. Tất cả đều phải có trách nhiệm cung cấp thông tin trung thực, cảnh báo rủi ro, dừng lưu thông sản phẩm không an toàn và tiến hành thu hồi sản phẩm có khuyết tật.
Trong khi đó, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007 cũng đặt nền móng cho việc quản lý sản phẩm trên cơ sở tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Những nguyên tắc cốt lõi như minh bạch, khách quan, không phân biệt đối xử… đang góp phần tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng trong nước lẫn quốc tế.
Riêng trong lĩnh vực thực phẩm, mối quan tâm hàng đầu của mọi xã hội, Luật An toàn thực phẩm năm 2010 đã khẳng định rõ: sản xuất, kinh doanh thực phẩm là hoạt động có điều kiện và là trách nhiệm không thể chối bỏ của mọi tổ chức, cá nhân. Từ nguyên liệu đầu vào đến bàn ăn của người tiêu dùng, chuỗi kiểm soát an toàn thực phẩm đòi hỏi sự giám sát chặt chẽ trong suốt quá trình sản xuất, vận chuyển và lưu thông.
“Một điểm nổi bật trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 là quy định về sản phẩm có khuyết tật, những sản phẩm tưởng như đã đạt tiêu chuẩn kỹ thuật nhưng tiềm ẩn rủi ro chưa được nhận diện tại thời điểm bán ra. Với quy định mới này, người tiêu dùng được trao thêm công cụ pháp lý để đòi hỏi trách nhiệm từ phía doanh nghiệp, đồng thời yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu gặp rủi ro”, Lãnh đạo Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia cho hay.
![]() |
Quyền lợi người tiêu dùng ngày càng được nâng cao. Ảnh: Tuấn Ngọc |
Đáng chú ý, theo Cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam, hợp tác quốc tế trong bảo vệ người tiêu dùng và an toàn sản phẩm không chỉ là nội dung ghi nhận trong các đạo luật, mà đã và đang trở thành thực tiễn sinh động tại Việt Nam. Từ việc tham vấn, chia sẻ thông tin, đến giải quyết tranh chấp xuyên biên giới và cùng phối hợp ngăn chặn sản phẩm không an toàn, Việt Nam đang từng bước “nối mạng” với thế giới.
Bộ Công Thương, cơ quan đầu mối trong công tác bảo vệ người tiêu dùng, thời gian qua đã đẩy mạnh ký kết nhiều bản ghi nhớ hợp tác với các quốc gia như: Uỷ ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Úc (ACCC), Uỷ ban Thương mại Công bằng Hàn Quốc (KFTC)…; đồng thời tích cực tham gia các sáng kiến đa phương như Mạng lưới Thực thi bảo vệ người tiêu dùng quốc tế (ICPEN), Ủy ban Bảo vệ người tiêu dùng ASEAN (ACCP), Ủy ban Chính sách người tiêu dùng OECD (CCP), Nhóm chuyên gia UNCTAD về luật và chính sách bảo vệ người tiêu dùng…
“Thông qua những hợp tác này, Việt Nam không chỉ đóng góp vào việc xây dựng hệ thống cảnh báo sản phẩm không an toàn của ASEAN, kết nối với Cổng thông tin Thu hồi sản phẩm toàn cầu của OECD mà còn góp phần định hình các nguyên tắc chung toàn cầu về an toàn sản phẩm”, đại diện Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia cho hay.
Đồng thời, cơ quan này cũng khẳng định, trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: CPTPP, RCEP, AANZFTA… các điều khoản liên quan đến bảo vệ người tiêu dùng đã được chính thức đưa vào cam kết. Đây là nền tảng pháp lý và chính trị quan trọng để Việt Nam tăng cường phối hợp với các đối tác quốc tế, đảm bảo rằng quyền lợi người tiêu dùng không bị bỏ lại phía sau trong dòng chảy thương mại tự do.
![]() |
Lễ ký Bản ghi nhớ hợp tác về bảo vệ người tiêu dùng giữa Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia và Đại sứ quán Liên hiệp Vương Quốc Anh và Bắc Ai-Len tại Việt Nam. Ảnh: Ngọc Châm |
Điều kiện để hội nhập và phát triển bền vững
Dù đã có nhiều tiến bộ, nhưng công tác bảo vệ người tiêu dùng và đảm bảo an toàn sản phẩm tại Việt Nam vẫn còn đối mặt với hàng loạt thách thức. Những rào cản này không chỉ đến từ sự gia tăng vi phạm trong và ngoài nước, mà còn nằm ở chính sự thiếu đồng bộ trong phối hợp giữa các cơ quan chức năng, cũng như hạn chế trong cơ chế hợp tác quốc tế.
PGS. TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho biết, một sản phẩm không an toàn có thể chỉ mất vài giờ để lan ra toàn cầu, nhưng hệ thống cảnh báo, thu hồi, chia sẻ thông tin giữa các quốc gia lại không theo kịp tốc độ này. “Việc thiếu khung khổ hành động chung, cơ chế pháp lý cho phối hợp xuyên biên giới, cùng với sự lơ là của một bộ phận doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận… đang khiến người tiêu dùng rơi vào trạng thái dễ tổn thương hơn bao giờ hết”, vị chuyên gia nhận định.
Bên cạnh đó, sự bùng nổ của thương mại điện tử, mua bán qua mạng, giao dịch xuyên biên giới cũng đặt ra bài toán mới cho cơ quan quản lý. Gian lận thương mại, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, thiếu kiểm soát an toàn… len lỏi khắp các sàn thương mại điện tử, thách thức khả năng giám sát truyền thống của các cơ quan chức năng.
“Một yếu tố không thể bỏ qua chính là nhận thức của người tiêu dùng. Khi người tiêu dùng còn thiếu hiểu biết về quyền lợi của mình, chưa được trang bị kỹ năng phát hiện và phản ánh sản phẩm không an toàn, thì mọi nỗ lực của cơ quan quản lý và cộng đồng quốc tế sẽ khó đạt hiệu quả tối đa”, ông Long nêu vấn đề.
Vị chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang từng bước vươn lên trở thành một quốc gia sản xuất, xuất khẩu lớn trong khu vực. Trong bối cảnh đó, việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng không chỉ là trách nhiệm đạo đức, mà còn là điều kiện để hội nhập và phát triển bền vững.
Do đó, hoạt động hợp tác quốc tế cần tiếp tục được thúc đẩy theo hướng thực chất, hiệu quả và đa chiều. Từ chia sẻ thông tin, kinh nghiệm thực tiễn; tổ chức đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ thực thi; xây dựng mạng lưới cảnh báo sớm; phát triển công cụ hỗ trợ kỹ thuật… cho tới thiết lập các thỏa thuận song phương, đa phương về bảo vệ người tiêu dùng,… tất cả đều cần được thực hiện song hành, nhịp nhàng và có trọng tâm.
“Một cơ chế phối hợp hiệu quả giữa nhà nước - doanh nghiệp - người tiêu dùng - tổ chức quốc tế chính là lời giải then chốt. Trong đó, doanh nghiệp cần tự giác thực thi trách nhiệm xã hội, chủ động thu hồi sản phẩm không an toàn và minh bạch thông tin. Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật, đẩy mạnh thực thi và xây dựng hệ thống giám sát hiện đại. Người tiêu dùng cần được trao quyền, nâng cao nhận thức và kỹ năng phản biện”, ông khuyến nghị.
Đồng thời khẳng định, khi tất cả các chủ thể cùng hành động, cùng chia sẻ và cùng hợp tác thì mới có thể tạo dựng được một môi trường tiêu dùng an toàn, văn minh và bền vững không chỉ cho người dân trong nước, mà còn cho cộng đồng quốc tế mà Việt Nam đang là một phần tích cực.
Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia: Việt Nam luôn coi trọng và thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc tế nói chung và bảo vệ người tiêu dùng, an toàn sản phẩm nói riêng. Việt Nam mong muốn hợp tác quốc tế với tất cả các nước trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. |
Đường dẫn bài viết: https://congthuong.vn/viet-nam-chuan-hoa-bao-ve-nguoi-tieu-dung-qua-hop-tac-quoc-te-dinh-vi-ban-do-niem-tin-moi-385621.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.