19:45 | 17/04/2025
Đừng để tự công bố trở thành ‘con dao hai lưỡi' Lấp 'lỗ hổng' quản lý thực phẩm sữa: Bài 1 - Còn nhiều bất cập! Bộ Y tế nói gì về trách nhiệm vụ 600 loại sữa giả? |
Công bố một đằng, chất lượng một nẻo
Một sản phẩm có thể sai thành phần, thiếu hàm lượng, thậm chí hoàn toàn không chứa những gì đã công bố. Nhưng chỉ cần "đủ hồ sơ", nó vẫn nghiễm nhiên được lưu hành hợp pháp.
Vụ việc Bộ Công an vừa triệt phá đường dây sản xuất, tiêu thụ 573 loại sữa giả với quy mô gần 500 tỷ đồng là minh chứng rõ nhất cho một lỗ hổng chết người - cơ chế tự công bố sản phẩm đang bị biến thành "chiếc áo choàng hợp pháp" cho hành vi gian dối. Khi doanh nghiệp vừa là người công bố, vừa là người kiểm tra, và cũng là người chịu trách nhiệm.
![]() |
Công nhân đóng hộp thành phẩm tại cơ sở sản xuất sữa bột giả quy mô lớn vừa bị công an triệt phá. Ảnh: Báo Công an nhân dân |
Theo điều tra của công an, 573 loại sữa giả do Công ty Rance Pharma, Công ty Hacofood sản xuất đã bán ra thị trường trong suốt 4 năm qua. Một trong những thủ đoạn được các đối tượng sử dụng là lợi dụng quy định về việc doanh nghiệp được tự công bố sản phẩm, tự công bố các chỉ tiêu chất lượng, hàm lượng, thành phần dinh dưỡng, tính năng, tác dụng sản phẩm. Việc này không chịu sự quản lý, kiểm tra, kiểm nghiệm, cấp phép trước khi sản phẩm lưu hành.
Cơ quan công an xác định sữa bột có chỉ tiêu chất lượng một số chất đạt dưới 70% so với mức công bố, đủ điều kiện để xác định là hàng giả. Các thành phần công bố như chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột mắc ca, bột óc chó... song thực tế hoàn toàn không có những chất này. Các đối tượng đã bỏ một số nguyên liệu đầu vào và thay thế, bổ sung một số chất phụ gia.
Trao đổi với Báo Công Thương, Luật sư Phạm Ba Đô - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội nhận định, đây là vụ án rất phức tạp, liên quan đến nhiều cá nhân, tổ chức. Hành vi phạm tội diễn ra trong thời gian dài, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và người cao tuổi - những nhóm dễ tổn thương nhất. Đáng chú ý, các loại sữa giả này còn được quảng cáo rầm rộ, khiến người dân bị đánh lừa hoàn toàn.
Phân tích từ góc độ pháp lý, Luật sư Phạm Ba Đô cho rằng, chính kẽ hở trong Nghị định 15/2018/NĐ-CP là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến vụ việc. Cụ thể, Điều 4 Nghị định này quy định doanh nghiệp chỉ cần nộp hồ sơ tự công bố sản phẩm, sau đó được phép sản xuất, kinh doanh ngay mà không cần qua bất kỳ bước kiểm tra, thẩm định hay cấp phép nào từ cơ quan nhà nước.
"Chúng ta đang giao toàn bộ quyền phân loại, công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm cho chính doanh nghiệp sản xuất, trong khi không có một cơ chế giám sát độc lập đủ mạnh từ đầu", Luật sư Đô nhận định.
![]() |
Hình ảnh người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm sữa của công ty sản xuất sữa giả vừa bị phanh phui. Ảnh chụp màn hình |
Luật sư Phạm Ba Đô cũng dẫn ra thêm trường hợp điển hình khác là vụ việc liên quan đến kẹo rau củ Kera - một sản phẩm từng được quảng bá với lời lẽ hấp dẫn như "một viên kẹo bằng một đĩa rau". Tuy nhiên, kết quả kiểm nghiệm độc lập cho thấy hàm lượng vitamin, khoáng chất trong sản phẩm không đạt mức công bố, thậm chí không có hiệu quả dinh dưỡng như quảng cáo.
Dù vậy, sản phẩm này vẫn lưu hành hợp pháp trên thị trường, xuất hiện công khai trên các sàn thương mại điện tử, có đủ mã số, mã vạch, hồ sơ công bố sản phẩm. Thậm chí còn được livestream bởi nhiều KOLs nổi tiếng, tạo cảm giác tin tưởng và hợp lệ.
"Đây chính là nghịch lý lớn, một sản phẩm không đạt chuẩn chất lượng nhưng lại "đủ chuẩn" về hồ sơ pháp lý, và điều đó cho thấy cơ chế hiện tại đang bị lợi dụng để hợp pháp hóa sản phẩm không đạt yêu cầu", Luật sư Đô nhấn mạnh.
Có hậu kiểm nhưng… chưa phát hiện vi phạm
Liên quan đến vụ việc đường dây sản xuất, tiêu thụ 573 nhãn hiệu sữa bột giả bị triệt phá, Bộ Y tế đã có văn bản chỉ đạo các Chi cục An toàn thực phẩm địa phương tiến hành rà soát toàn bộ danh mục sản phẩm tự công bố của 11 công ty liên quan.
Theo lãnh đạo Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), việc phân cấp trong quản lý an toàn thực phẩm hiện nay tuân thủ theo Luật An toàn thực phẩm, với sự phân công rõ ràng giữa các bộ, ngành và địa phương.
Đa phần các thực phẩm lưu thông trên thị trường hiện nay được thực hiện theo cơ chế tự công bố theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP, chỉ có 4 nhóm sản phẩm đặc thù thuộc diện phải đăng ký bản công bố với cơ quan nhà nước.
"Chính sách tự công bố sản phẩm được xây dựng với mục tiêu tạo thông thoáng về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và tiệm cận với mô hình quản lý của các quốc gia phát triển", lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm khẳng định trong cuộc trao đổi với Báo Công Thương chiều 16/4.
Tuy nhiên, thực tế rà soát hồ sơ sau khi vụ án bị phanh phui cho thấy lỗ hổng lớn trong khâu hậu kiểm. Theo kết quả kiểm tra, các nhãn hiệu sữa giả trong đường dây bị triệt phá đều được doanh nghiệp tự công bố tại Chi cục An toàn thực phẩm địa phương. Khoảng 10% số hồ sơ được nộp tại Hà Nội, còn lại tập trung tại Hòa Bình, Vĩnh Phúc và một số tỉnh khác.
Đặc biệt tại Hòa Bình, từ tháng 4/2023 đến đầu năm 2025, 4 chi nhánh doanh nghiệp đã liên tục nộp hồ sơ tự công bố cho 305 nhãn hiệu sản phẩm, chiếm hơn 53% tổng số nhãn hiệu liên quan đến vụ sữa giả. Mặc dù vậy, ông Vũ Đức Toàn - Trưởng phòng Thanh tra nghiệp vụ Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh Hòa Bình khi trả lời báo chí đã cho biết, đơn vị chưa từng tổ chức kiểm tra hay hậu kiểm với các chi nhánh này.
Còn tại Hà Nội, ông Nguyễn Quang Trung - Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm xác nhận có 71 hồ sơ tự công bố liên quan đến 2 Công ty Rance Pharma và Hacofood Group được nộp tại địa phương. Trong đó, nhiều sản phẩm dành cho trẻ từ 0 - 12 tháng tuổi và dưới 36 tháng tuổi.
Ông Trung cho biết, đơn vị từng tiến hành lấy mẫu kiểm tra nhưng "chưa phát hiện vi phạm" tại thời điểm kiểm tra.
![]() |
Sữa bột giả bị Công an bắt giữ có nhiều nhãn hiệu sản phẩm được "khai sinh" tại tỉnh Hòa Bình. |
Cải cách trở thành kẽ hở pháp lý
Nghị định 15/2018 ra đời với mục tiêu cắt giảm thủ tục hành chính, trao quyền chủ động cho doanh nghiệp. Theo đó, các sản phẩm thực phẩm không thuộc diện kiểm tra chuyên ngành như thực phẩm bổ sung, thực phẩm chức năng, thực phẩm bao gói sẵn chỉ cần tự công bố và nộp hồ sơ qua Cổng thông tin điện tử.
Không có bước thẩm định chất lượng độc lập. Không có kiểm tra lô sản phẩm thực tế. Và điều quan trọng nhất là không có bất kỳ rào chắn nào để ngăn chặn hành vi gian dối nếu doanh nghiệp cố tình lách luật.
“Chính sự đơn giản hóa này đã vô tình mở đường cho không ít doanh nghiệp bất chính "hợp pháp hóa" sản phẩm giả mạo, kém chất lượng. Từ một mẫu thử nghiệm đạt chuẩn, họ có thể thay đổi công thức, pha loãng vi chất, gia giảm nguyên liệu sau khi đã được "duyệt hồ sơ”, Luật sư Phạm Ba Đô nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Cơ quan Truyền thông Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, thực tế, Nghị định 15/2018 đã góp phần tháo gỡ vướng mắc về thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ công bố sản phẩm. Tuy nhiên, điểm yếu lớn nhất của cơ chế này nằm ở khâu hậu kiểm.
Theo ông Hậu, với hơn 90% sản phẩm thực phẩm hiện nay được phép tự công bố và doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm trước pháp luật, mô hình quản lý "hậu kiểm thay vì tiền kiểm" đã đặt gánh nặng giám sát lên các cơ quan chức năng trong điều kiện còn nhiều hạn chế.
Trong bối cảnh số lượng sản phẩm công bố ngày càng tăng và đa dạng hóa, sự thiếu hụt về nhân lực, trang thiết bị đang khiến năng lực hậu kiểm không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Hệ quả là nhiều vi phạm chỉ bị phát hiện khi đã gây ra sự cố hoặc có phản ánh từ người tiêu dùng, làm giảm hiệu lực của công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.
![]() |
Kho sữa giả của các đối tượng trong vụ 573 nhãn hiệu sữa giả |
Siết tự công bố, tăng hậu kiểm, giữ kỷ cương thị trường
Đánh giá về những lỗ hổng pháp lý bộc lộ rõ sau loạt vụ việc sữa giả, kẹo không đạt chất lượng và các sản phẩm dinh dưỡng công bố một đằng, sản phẩm một nẻo, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực y tế, dinh dưỡng cho rằng đã đến lúc cần xem xét toàn diện lại cơ chế tự công bố sản phẩm.
Đặc biệt là đối với nhóm thực phẩm chức năng, sữa bột, bánh kẹo dinh dưỡng - những sản phẩm hướng đến trẻ em, người cao tuổi, người bệnh… các đối tượng vốn nhạy cảm với chất lượng dinh dưỡng và dễ bị tổn thương nếu sử dụng phải sản phẩm sai lệch thành phần.
Theo dược sĩ Nguyễn Xuân Hoàng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, sau gần 7 năm áp dụng, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP đã bộc lộ nhiều điểm không còn phù hợp với thực tiễn thị trường, trong đó nổi bật chính là cơ chế tự công bố sản phẩm, cho phép doanh nghiệp tự phân loại, tự quảng cáo công dụng, và tự đưa sản phẩm ra thị trường mà chưa có bất kỳ kiểm soát tiền kiểm nào từ cơ quan nhà nước. Điều này tạo ra lỗ hổng lớn, dẫn đến lạm dụng quảng cáo, xếp sai nhóm sản phẩm, và tiềm ẩn rủi ro sức khỏe cộng đồng.
Theo ông Hoàng, dự thảo Nghị định 15 sửa đổi do Bộ Y tế chủ trì đang có một số điểm đáng ghi nhận: Siết chặt quy trình tự công bố, bổ sung mục thuyết minh công thức sản phẩm, kiểm soát kỹ các yếu tố như thành phần, công dụng, đối tượng sử dụng; yêu cầu công bố lại khi có thay đổi về cơ sở sản xuất, xuất xứ, thành phần... Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải công khai minh bạch trong vòng 7 ngày và thực hiện rà soát trong 3 tháng sau tự công bố.
Tuy nhiên, dược sĩ Hoàng cho rằng, điều quan trọng hơn là cần có quy định cụ thể về tiêu chuẩn định lượng các hoạt chất chính trong thực phẩm chức năng, nhằm ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp "lập lờ đánh lận", công bố chung chung nhưng quảng cáo như thuốc chữa bệnh.
"Phải buộc doanh nghiệp công bố rõ ràng, minh bạch hàm lượng thành phần, đi kèm quy định hậu kiểm thực chất, đó mới là cách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và giữ kỷ cương thị trường", ông Hoàng đề xuất.
Từ góc độ pháp lý, theo Luật sư Phạm Ba Đô, pháp luật cần xây dựng cơ chế "rào chắn" ngay từ đầu, thay vì chỉ phản ứng sau khi phát hiện sai phạm.
Trong đó, cơ quan tiếp nhận hồ sơ tự công bố cần thực hiện thẩm định kỹ lưỡng trước khi cho phép lưu hành sản phẩm. Việc đơn thuần tiếp nhận và lưu hồ sơ như hiện nay dễ dẫn đến tình trạng "gửi là duyệt", tạo ra kẽ hở pháp lý nguy hiểm.
Bên cạnh đó, các sản phẩm có nguy cơ cao ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng như thực phẩm chức năng, sản phẩm cho trẻ em, người già, người bệnh… cần được đưa vào danh sách cảnh báo sớm, được giám sát hậu kiểm thường xuyên trong 6 - 12 tháng đầu lưu hành.
Trong bối cảnh thị trường thực phẩm ngày càng phát triển, số lượng sản phẩm tăng nhanh, việc siết chặt quản lý không có nghĩa là làm khó doanh nghiệp, mà là bảo vệ chính họ khỏi những hệ lụy từ môi trường kinh doanh thiếu minh bạch. Một hệ thống pháp lý hiện đại không thể chỉ dựa vào giấy tờ, mà cần vận hành bằng sự phối hợp nhiều tầng, công cụ cảnh báo sớm, và trách nhiệm cụ thể.
Việc sửa đổi Nghị định 15 cần được xem là cơ hội để hoàn thiện hệ sinh thái quản lý an toàn thực phẩm - nơi không ai đứng ngoài vòng giám sát, và không sản phẩm nào được phép lưu hành nếu chưa được kiểm chứng thực chất.
Theo quy định tại khoản 1, Điều 4, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm được phép thực hiện tự công bố đối với các sản phẩm sau: 1. Thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn. 2. Phụ gia thực phẩm. 3. Chất hỗ trợ chế biến thực phẩm. 4. Dụng cụ chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm. 5. Vật liệu bao gói tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm. |
Đường dẫn bài viết: https://congthuong.vn/lo-hong-quan-ly-thuc-pham-sua-bai-2-tu-cong-bo-va-hau-kiem-long-leo-ke-ho-chet-nguoi-383570.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.