16:30 | 17/04/2025
Việt Nam đã ký kết và đang đàm phán 20 FTA
Chia sẻ tại Diễn đàn Doanh nghiệp 2025, ông Trịnh Minh Anh – Chánh Văn phòng – Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế (Bộ Công Thương) cho biết: Tính đến năm 2025, tổng số Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã ký kết và đang đàm phán lên tới 20 FTA, với 16 FTA đang thực thi, trong đó có các FTA thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh và Bắc Ailen (UKVFTA); Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP).
Ông Trịnh Minh Anh cho rằng: Các FTA này đã mở ra thị trường rộng lớn hơn với hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm khoảng 90% GDP toàn cầu.
![]() |
Ông Trịnh Minh Anh – Chánh Văn phòng – Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế (Bộ Công Thương) phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp 2025. Ảnh: NH |
Trong bài phát biểu của mình, ông Trịnh Minh Anh cũng đưa ra những con số chứng minh cho thành công của Việt Nam trong việc thực thi FTA. Cụ thể, trong 3 năm gần đây, Việt Nam liên tục nằm trong Top 20 quốc gia có quy mô thương mại quốc tế lớn nhất thế giới, với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đạt khoảng 12,5% mỗi năm.
Năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt mốc 786 tỷ USD, trong đó xuất khẩu vượt 405 tỷ USD, thặng dư thương mại gần 25 tỷ USD, ghi nhận xuất siêu năm thứ 9 liên tiếp. Nhờ đó, Việt Nam đứng thứ 17/20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới theo Báo cáo của Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2024.
Đặc biệt, đóng góp vào kết quả trên, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường đã ký FTA như EU, Canada, và các nước CPTPP đều ghi nhận tăng trưởng tích cực. Ví dụ, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU năm 2024 đạt 52,1 tỷ USD, tăng 19,3% so với năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu sang Canada trong năm 2024 đạt khoảng 7,5 tỷ USD, tăng 22,7% so với năm 2023.
'‘Các FTA không chỉ giúp đa dạng hoá thị trường, giảm sự phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống, mà còn tạo điều kiện thu hút nguồn vốn FDI chất lượng cao từ các đối tác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, tạo cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu’' - ông Trịnh Minh Anh nhấn mạnh.
![]() |
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2025 diễn ra vào chiều 17/4. Ảnh: NH |
Doanh nghiệp chủ động tìm hiểu thông tin để khai thác hiệu quả FTA
Dù đạt được những kết quả tích cực, nhưng theo ông Trịnh Minh Anh, việc khai thác các FTA hiện nay vẫn chưa tương xứng với tiềm năng do nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn thiếu thông tin, thiếu hiểu biết về quy tắc xuất xứ, thủ tục ưu đãi thuế quan… Điều này làm ảnh hưởng đến khả năng tận dụng ưu đãi các FTA đã ký.
Trong bối cảnh thương mại toàn cầu có nhiều biến động, giải pháp để đạt được mục tiêu phát triển bền vững và lâu dài trong tăng trưởng xuất khẩu đòi hỏi Việt Nam phải hành động quyết liệt hơn để khai thác hiệu quả các FTA hiện có. Cùng với đó, mở rộng thị trường, giảm phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống và thích nghi với những chuẩn mực thương mại ngày càng cao.
Trên cơ sở thực tiễn và yêu cầu đặt ra, ông Trịnh Minh Anh khuyến nghị một số nhóm giải pháp cụ thể để doanh nghiệp tận dụng hiệu quả các FTA, bao gồm: Thứ nhất, nâng cao nhận thức và hiểu biết về các FTA thông qua tìm hiểu cam kết các FTA.
Theo ông Trịnh Minh Anh, để thực hiện giải pháp này, doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ các quy định về thuế quan, quy tắc xuất xứ (C/O), tiêu chuẩn kỹ thuật và các cam kết phi thương mại như lao động, môi trường, phát triển bền vững trong từng FTA. Cùng với đó, tham dự các hội thảo, khoá học do Bộ Công Thương và các hiệp hội ngành hàng tổ chức nhằm nắm bắt thông tin và tận dụng ưu đãi.
Doanh nghiệp cũng cần khai thác Cổng thông tin FTA của Bộ Công Thương để tra cứu biểu thuế, quy định, và hướng dẫn thực thi các FTA, cập nhật thông tin cảnh báo sớm về các vụ việc phòng vệ thương mại từ Bộ Công Thương.
Thứ hai, tối ưu hoá quy tắc xuất xứ, đảm bảo sản phẩm đáp ứng quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan như: Tỷ lệ nội địa hoá hoặc xuất xứ thuần tuý theo quy định của từng FTA; liên kết với nhà cung cấp trong nước hoặc khu vực FTA để tăng tỷ lệ nguyên liệu nội khối, giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu ngoài khu vực.
Thứ ba, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua cải thiện chất lượng sản phẩm, đầu tư vào công nghệ, đổi mới mẫu mã, và đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm của thị trường FTA như tiêu chuẩn xanh của thị trường EU, tham gia các hiệp hội, ngành hàng và phối hợp với các hiệp hội để nắm bắt thông tin thị trường, giải quyết khó khăn và ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại.
Thứ tư, doanh nghiệp cần tuân thủ cam kết phi thương mại, đáp ứng yêu cầu về lao động, môi trường và phát triển bền vững để tránh rủi ro pháp lý hoặc bị kiện thương mại.
Thứ năm, để khai thác hiệu quả FTA, các doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước để được hỗ trợ thông tin về FTA và xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thực thi FTA.
Khai thác hiệu quả các FTA là cơ hội để Việt Nam nói chung và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói riêng hội nhập sâu rộng với thế giới. Tuy nhiên, việc khai thác lợi thế của FTA lại phụ thuộc vào khả năng và sự nhạy bén của từng doanh nghiệp. |
Đường dẫn bài viết: https://congthuong.vn/khai-thac-hieu-qua-fta-chia-khoa-de-doanh-nghiep-vuot-song-383552.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.