15:26 | 17/04/2025
P4G hỗ trợ 2,8 triệu USD cho doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam NSCTEX 2025: Gắn kết nhà khoa học và doanh nghiệp dệt may Đồng Nai: Nhiều doanh nghiệp sắp di dời khỏi Khu công nghiệp Biên Hòa 1 |
'Mở lối' trong thách thức
Chia sẻ tại Diễn đàn Doanh nghiệp 2025 với chủ đề “Trợ lực cho doanh nghiệp vượt thách thức, nâng cao năng lực cạnh tranh” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức vào chiều nay (17/4) tại Hà Nội, TS Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Chiến lược (Ban Chính sách và Chiến lược Trung ương) cho rằng: Trong một thế giới có nhiều diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường như hiện nay, liên kết doanh nghiệp ngày càng trở nên quan trọng hơn.
"Bởi liên kết doanh nghiệp giúp mở rộng và đa dạng hoá thị trường, kết nối và hiện thực hoá các mô hình kinh doanh mới, chia sẻ và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực, giảm thiểu rủi ro và ứng phó hiệu quả với các diễn biến bất lợi, nhờ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp" - TS Trần Thị Hồng Minh khẳng định.
![]() |
Diễn đàn Doanh nghiệp 2025 với chủ đề “Trợ lực cho doanh nghiệp vượt thách thức, nâng cao năng lực cạnh tranh”. Ảnh: NH |
Cũng theo TS Trần Thị Hồng Minh, liên kết doanh nghiệp càng có ý nghĩa quan trọng hơn trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới. Việt Nam đã có một số doanh nghiệp lớn tham gia cạnh tranh quốc tế, tham gia một số khâu, công đoạn của chuỗi giá trị sản xuất trong khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, Việt Nam còn thiếu các doanh nghiệp lớn có khả năng kết nối, làm chủ chuỗi giá trị và dẫn dắt hệ sinh thái doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước để phát triển các ngành kinh tế chiến lược quốc gia có khả năng cạnh tranh quốc tế.
Cũng đề cao việc tăng cường liên kết trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều biến động, ông Nguyễn Trùng Khánh - Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hoá thể thao và Du lịch cho rằng, các biện pháp bảo hộ thương mại, gia tăng rào cản thuế quan đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, đẩy chi phí vận chuyển, nguyên liệu và dịch vụ gia tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của nhiều ngành. Song song với đó, tình trạng lạm phát kéo dài, sự thiếu hụt lao động và nguồn cung, cùng với bất ổn chính trị tại nhiều khu vực trên thế giới đã khiến môi trường kinh tế trở nên phức tạp và khó lường hơn bao giờ hết.
Để vượt qua thách thức trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều biến động, ông Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp ngành du lịch nói riêng cần chủ động, tăng cường liên kết, phối hợp với nhau trong chuỗi cung ứng dịch vụ.
![]() |
Đại biểu tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp 2025. Ảnh: NH |
Thúc đẩy liên kết - đừng để doanh nghiệp đơn độc
Mặc dù liên kết doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng, tuy nhiên theo TS Trần Thị Hồng Minh, liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam vẫn rất hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu là do năng lực nội tại của phần lớn doanh nghiệp Việt Nam còn yếu và thể chế, chính sách thúc đẩy liên kết doanh nghiệp còn nhiều bất cập.
“Cụ thể, các chính sách phát triển doanh nghiệp chưa tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh để tham gia các liên kết doanh nghiệp, hình thành chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng trong nước, khu vực và quốc tế” – TS Trần Thị Hồng Minh khẳng định.
Trong bối cảnh đó, để thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp, đại diện Viện Nghiên cứu chính sách và Chiến lược cho rằng, Việt Nam cần có chính sách thúc đẩy liên kết doanh nghiệp hình thành chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng bằng chính sách ưu đãi vượt trội về thuế, tiếp cận vốn, bảo lãnh tín dụng, mặt bằng kinh doanh theo mức độ tham gia liên kết.
Cùng với đó, điều chỉnh chính sách thu hút đầu tư nước ngoài theo hướng nâng cao điều kiện ràng buộc về tỷ lệ nội địa hoá và tỷ lệ sản phẩm, dịch vụ được cung cấp bởi các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Có cơ chế ưu đãi đầu tư hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận hạ tầng với chi phí hợp lý, tạo môi trường liên kết và hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động theo cụm-chuỗi. Sớm hình thành và phát triển các khu thương mại tự do làm cứ điểm chiến lược để các doanh nghiệp phát triển tập trung và phát triển theo chuỗi liên kết ngành, gắn với các mô hình tăng trưởng mới.
Đồng ý với quan điểm tăng cường liên kết là một trong những giải pháp quan trọng giúp doanh nghiệp vượt qua thách thức trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, theo TS Mạc Quốc Anh – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký - Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội: Tại Việt Nam, doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện chiếm hơn 97% tổng số doanh nghiệp, đóng góp trên 40% GDP và tạo ra hơn 50% tổng số việc làm và đóng góp trên 30% ngân sách nhà nước.
Những số liệu này đã khẳng định, vị thế vô cùng lớn của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng cùng với sự thay đổi nhanh chóng của kinh tế thế giới, khu vực doanh nghiệp, trong đó nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, ông Mạc Quốc Anh cho rằng: Để giải quyết các khó khăn cho khu vực doanh nghiệp, chúng ta không chỉ trông cậy vào nỗ lực đơn lẻ của doanh nghiệp mà rất cần sự chung tay của các cơ quan quản lý, nhà nước, tổ chức tài chính, hiệp hội ngành nghề…
“Trong đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng chính sách đồng bộ và dài hạn, liên tục cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ tài chính. Trong khi đó, cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động thay đổi, nâng cao quản trị, tích cực chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo” – TS Mạc Quốc Anh khuyến nghị.
Bên cạnh các giải pháp trên, ông Phan Đức Hiếu – Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế tài chính của Quốc hội khoá XV cho rằng: Cải cách thể chế là một trong những yếu tố quan trọng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua thách thức trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, muốn cải cách thể chế, Việt Nam cần tập trung nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật và hiệu quả công tác thực thi pháp luật trong thời gian tới.
TS Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Chiến lược - Ban Chính sách và Chiến lược Trung ương: Để tăng cường liên kết khu vực doanh nghiệp, Việt Nam cần thúc đẩy hình thành và phát triển các doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn, đóng vai trò liên kết, quy tụ, dẫn dắt doanh nghiệp nhỏ và vừa ở một số ngành, lĩnh vực có thể đem lại vị thế quan trọng của quốc gia trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu. |
Đường dẫn bài viết: https://congthuong.vn/tang-lien-ket-tao-suc-bat-de-doanh-nghiep-vuot-thach-thuc-383526.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.