Đề xuất chuyển 11 huyện đảo thành đặc khu hành chính kinh tế

Chính phủ đề xuất chuyển 11 huyện đảo thành đặc khu hành chính kinh tế, nhằm tinh gọn bộ máy, thúc đẩy phát triển kinh tế biển và tăng cường quản lý.
Đặc khu kinh tế- Tránh là bản sao khu công nghiệp Đặc khu kinh tế: Cần “phá rào” để vượt trội Việt Nam từng có đặc khu kinh tế tồn tại 12 năm

Tư duy đổi mới từ định hướng của Trung ương

Trên cơ sở các kết luận, nghị quyết quan trọng của Trung ương Đảng, cụ thể là Kết luận số 127-KL/TW, 130-KL/TW, 137-KL/TW và Nghị quyết số 60-NQ/TW của Hội nghị Trung ương lần thứ 11, khóa XIII, Chính phủ đã tiến hành nghiên cứu, xây dựng phương án tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp xã. Phương án lần này được tiếp cận một cách toàn diện, đa chiều, mang tính cải cách mạnh mẽ và có tư duy đổi mới sâu sắc.

Một trong những điểm nhấn quan trọng của đề xuất lần này là định hướng tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp xã theo hướng bỏ cấp trung gian là cấp huyện, hình thành hệ thống đơn vị hành chính cơ sở mới, bao gồm ba loại hình: Xã, phường và đặc khu.

Theo đó, các loại hình đơn vị hành chính như thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, thị xã, quận, huyện, thị trấn... sẽ không còn tiếp tục tồn tại. Mục tiêu của việc tổ chức lại là đảm bảo để chính quyền cấp xã thực sự trở thành cấp gần dân, sát dân, nắm chắc địa bàn và phục vụ người dân một cách hiệu quả nhất.

Nguyên tắc sắp xếp cụ thể được quy định rõ: Khi sáp nhập các phường với nhau hoặc với đơn vị cùng cấp, đơn vị sau sắp xếp giữ tên gọi là “phường”; khi sáp nhập xã, thị trấn, đơn vị sau sắp xếp mang tên “xã”. Riêng đối với các huyện đảo và thành phố đảo hiện nay, sẽ được chuyển đổi thành các đơn vị hành chính cấp xã có tên gọi là “đặc khu”.

Đề xuất chuyển 11 huyện đảo thành đặc khu hành chính kinh tế
Côn Đảo được bình chọn là một trong 24 điểm đến hoang sơ, tuyệt đẹp trên thế giới. Ảnh: Thanh Vân

Trên cơ sở đó, sẽ hình thành 11 đặc khu hành chính thuộc tỉnh từ các huyện đảo hiện hữu gồm: Vân Đồn, Cô Tô, Cát Hải, Trường Sa, Hoàng Sa, Phú Quý, Kiên Hải, Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ, Lý Sơn và Côn Đảo. Đối với TP. Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), đã có chủ trương tách xã Thổ Châu để thành lập một huyện riêng, từ đó dự kiến hình thành hai đặc khu là Phú Quốc và Thổ Châu.

Một điểm mới đáng chú ý là việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, trong trường hợp làm thay đổi địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, thì không cần thực hiện thủ tục điều chỉnh địa giới hành chính cấp huyện, cũng không phải đánh giá lại các tiêu chuẩn của đơn vị hành chính cấp huyện đó.

Đồng thời, việc sáp nhập không bắt buộc phải thực hiện đối với các đơn vị hành chính cấp xã có vị trí biệt lập, khó tổ chức giao thông kết nối với các đơn vị liền kề, hoặc có vai trò đặc biệt quan trọng liên quan đến quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Chính phủ xác định rõ mục tiêu: Sau khi sắp xếp, số lượng đơn vị hành chính cấp xã trên phạm vi cả nước sẽ giảm còn khoảng 60 - 70% so với hiện nay. Tuy nhiên, việc giảm số lượng phải đảm bảo sự cân đối về diện tích, dân số và tính đặc thù của từng địa phương. Đặc biệt, quá trình này cần tính đến yếu tố vùng miền, gồm nông thôn, đô thị, vùng hải đảo, miền núi, vùng cao, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số... nhằm bảo đảm sự phù hợp và khả thi trong tổ chức thực hiện.

Tiêu chuẩn mới và trách nhiệm địa phương

Trên cơ sở đó, Chính phủ đã đề xuất một hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể đối với các đơn vị hành chính cấp xã hình thành sau sắp xếp. Cụ thể, đối với xã miền núi, vùng cao, sau sắp xếp phải có diện tích tự nhiên đạt từ 200% trở lên và dân số từ 100% trở lên so với tiêu chuẩn quy định. Với xã ở khu vực khác, tiêu chí ngược lại: Dân số đạt từ 200% và diện tích đạt từ 100% trở lên.

Riêng phường thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, sau sắp xếp phải có quy mô dân số từ 45.000 người trở lên; phường thuộc tỉnh ở khu vực miền núi, vùng cao, biên giới phải có dân số từ 15.000 người; các phường khác đạt từ 21.000 người trở lên, với diện tích từ 5,5 km² trở lên.

Đề xuất chuyển 11 huyện đảo thành đặc khu hành chính kinh tế
Âu cảng Bạch Long Vĩ (Hải Phòng). Ảnh: TTXVN

Với trường hợp sáp nhập từ ba đơn vị hành chính cấp xã trở lên để hình thành một xã hoặc phường mới, thì không cần đánh giá lại tiêu chuẩn theo quy định. Trường hợp đặc biệt, nếu đơn vị hành chính cấp xã mới không đáp ứng được tiêu chuẩn theo định hướng và cũng không thuộc diện được miễn áp dụng, Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Ngoài ra, đối với các đơn vị hành chính cấp xã ở khu vực hải đảo, việc tổ chức sắp xếp phải bảo đảm phù hợp với định hướng quốc phòng - an ninh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đây là nguyên tắc mang tính bất biến nhằm bảo vệ lợi ích chiến lược lâu dài của quốc gia trên biển.

Trên cơ sở các tiêu chuẩn, tiêu chí và định hướng được nêu rõ trong Nghị quyết 60-NQ/TW, Chính phủ giao cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu, xây dựng phương án tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã tại địa phương mình, bảo đảm thống nhất với định hướng chung của Trung ương, đồng thời phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương. Từ đó, mô hình chính quyền cấp xã sau sắp xếp sẽ thực sự phát huy hiệu quả, nâng cao chất lượng quản lý nhà nước ở cơ sở, góp phần xây dựng nền hành chính hiện đại, minh bạch, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.

Chuyển các huyện đảo, thành phố đảo hiện nay thành đơn vị hành chính cấp xã có tên gọi là đặc khu. Theo đó, hình thành 11 đặc khu thuộc tỉnh từ huyện đảo (11 huyện đảo, gồm: Vân Đồn, Cô Tô, Cát Hải, Trường Sa, Hoàng Sa, Phú Quý, Kiên Hải, Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ, Lý Sơn, Côn Đảo).
Minh Trang

Bản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.