Cởi trói cơ chế, đưa khoa học tiến xa hơn

Nhà nước quản lý mục tiêu, quản lý đầu ra, quản lý kết quả, hiệu quả nghiên cứu, không quản lý cách làm. Sự thông thoáng này sẽ đẩy nhanh quá trình nghiên cứu.
Nghiên cứu khoa học tồn tại nhiều rủi ro Miễn trách nhiệm dân sự trong nghiên cứu khoa học Chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu: Nhà khoa học nói gì?

Thay đổi tư duy quản lý

Sáng 15/4, tiếp tục phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST).

Cởi trói cơ chế: Mở lối cho nghiên cứu khoa học
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, mục đích ban hành Luật KH,CN&ĐMST nhằm tạo hành lang pháp lý để KH,CN&ĐMST đóng góp vào nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển của nhân loại.

Dự thảo Luật đã bám sát các nội dung chính sách tại Nghị quyết 118/NQ-CP ngày 3/8/2024 của Chính phủ về phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7/2024 và đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cụ thể, chính sách 1: Đổi mới hoạt động nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo, quản lý nhà nước về KH,CN&ĐMST; chính sách 2: Phát triển tiềm lực KH&CN; chính sách 3: Thu hút đầu tư, tạo thuận lợi sử dụng ngân sách cho KH,CN&ĐMST; chính sách 4: Thúc đẩy hoạt động KH,CN&ĐMST trong doanh nghiệp và phát triển thị trường KH&CN; chính sách 5: Tăng cường phổ biến tri thức khoa học và công nghệ.

Để kịp thời thể chế hóa các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 57-NQ/TW, Luật KH,CN&ĐMST đã bổ sung chính sách 6 liên quan đến hành lang pháp lý cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo.

Dự thảo luật được thiết kế theo nguyên tắc giảm thủ tục hành chính, tăng cường hậu kiểm, chuyển đổi số toàn diện trong công tác quản lý và hoạt động KH,CN&ĐMST. Thay đổi tư duy quản lý theo hướng quản lý hiệu quả, không quản lý quá trình. Thu hút nguồn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước (NSNN) cho KH&CN thông qua việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, tài trợ kinh phí cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ. Kế thừa tối đa những nội dung của Luật KH&CN 2013 đã được triển khai có hiệu quả trong thời gian qua và phù hợp với yêu cầu phát triển KHCN&ĐMST hiện nay.

Đáng chú ý, dự thảo Luật KH,CN&ĐMST bỏ quy định về đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ đối với các tổ chức (chỉ giữ lại quy định đăng ký tổ chức khoa học và công nghệ để thành lập mới tổ chức khoa học và công nghệ).

Việc bỏ quy định này nhằm thúc đẩy hoạt động khoa học và công nghệ, khẳng định mọi tổ chức đều có thể thực hiện hoạt động khoa học và công nghệ. Đồng thời, cắt giảm thủ tục hành chính theo chủ trương chung của Đảng và Chính phủ (thay bằng quản lý trên môi trường số).

Về giao quyền tự chủ cho tổ chức nghiên cứu, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu và đánh giá hiệu quả cuối cùng của nghiên cứu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, cơ sở nghiên cứu được tự chủ, tự chịu trách nhiệm triển khai các hoạt động nghiên cứu, xây dựng bộ máy, chi tiêu theo cơ chế khoán chi.

"Nhà nước quản lý mục tiêu, quản lý đầu ra, quản lý kết quả và hiệu quả nghiên cứu, không quản lý cách làm. Sự thông thoáng này sẽ đẩy nhanh quá trình nghiên cứu" - Bộ trưởng nói.

Thêm vào đó, nếu một dự án nghiên cứu không đạt được kết quả như kỳ vọng, tổ chức nghiên cứu sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường như trước và được miễn trừ trách nhiệm dân sự đối với những thiệt hại phát sinh cho Nhà nước trong quá trình thực hiện nghiên cứu.

Mặc dù, rủi ro được chấp nhận ở từng nhiệm vụ, từng dự án cụ thể nhưng hiệu quả hoạt động vẫn được đánh giá trên tổng thể của tổ chức đó và chương trình nghiên cứu. Những tổ chức hoạt động hiệu quả sẽ được ưu tiên cấp thêm kinh phí để tiếp tục phát triển. Ngược lại, những tổ chức hoạt động kém hiệu quả sẽ bị cắt giảm nguồn lực.

Việc giao tự chủ cho tổ chức nghiên cứu, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu không có nghĩa là buông lỏng trách nhiệm, mà để tạo cơ chế linh hoạt hơn để khuyến khích đổi mới. Sự dám chấp nhận rủi ro sẽ tạo động lực cho các nhà khoa học theo đuổi những vấn đề thách thức, đưa khoa học tiến xa hơn và mang lại những đột phá quan trọng.

"Những nghiên cứu không đạt mục tiêu ban đầu mang lại bài học quý giá, giúp tránh lặp lại sai lầm trong tương lai hoặc mở ra những hướng đi mới tiềm năng. Thêm vào đó, cơ chế đánh giá hiệu quả gắn với giao kinh phí đảm bảo tài chính nghiên cứu được phân bổ một cách hợp lý và tạo động lực nâng cao chất lượng khoa học, công nghệ" - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nêu rõ.

Chính sách ưu đãi, vượt trội, đặc thù

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho hay, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tán thành với sự cần thiết ban hành Luật KH,CN&ĐMST với các lý do đã nêu trong Tờ trình số 163/TTr-CP của Chính phủ. Đồng thời, cơ bản tán thành với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật; kết cấu của dự thảo Luật tương đối đầy đủ, bao quát các nội dung quan trọng của KH,CN&ĐMST.

Cởi trói cơ chế: Mở lối cho nghiên cứu khoa học
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy

Về quy định các chính sách ưu đãi, vượt trội, đặc thù, ông Lê Quang Huy nêu, dự thảo Luật đã có quy định thể chế hóa nội dung về: Cải cách cơ chế quản lý tài chính trong việc thực hiện nhiệm vụ KH,CN&ĐMST và chuyển đổi số; ngân sách chi cho nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ được ưu tiên thực hiện theo cơ chế quỹ, thông qua các quỹ phát triển khoa học và công nghệ (Điều 67, 68 và 69).

Bên cạnh đó, đơn giản hóa tối đa các thủ tục hành chính (Điều 50 và quy định bỏ thủ tục đăng ký hoạt động tổ chức khoa học và công nghệ); giao quyền tự chủ trong sử dụng kinh phí nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ (Điều 67); có cách tiếp cận mở, vận dụng sáng tạo, cho phép thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra (Điều 19).

Đồng thời, chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo (Điều 18); hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo, ươm tạo công nghệ và chuyển đổi số (Điều 39 và khoản 1 Điều 40); giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức, con người, tài chính, chuyên môn (Điều 47).

Ngoài ra, được sử dụng ngân sách nhà nước thuê chuyên gia, sử dụng tài sản hữu hình và tài sản trí tuệ để liên kết, hợp tác khoa học và công nghệ với các tổ chức, doanh nghiệp (Điều 26 và Điều 47). Cùng với đó, một số quy định ưu đãi, vượt trội, đặc thù khác đối với viên chức, thuế, nhập cảnh… đã được sửa đổi, bổ sung trong các luật chuyên ngành khác (Chương VIII).

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, thể chế hóa đầy đủ hơn các chính sách ưu đãi, vượt trội, đặc thù trong Nghị quyết số 57-NQ/TW, ví dụ nghiên cứu, thể chế hóa nội dung về chấp nhận độ trễ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Dự thảo Luật KH,CN&ĐMST gồm 8 chương và 95 điều (tăng 14 điều so với Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 do bổ sung nội dung đổi mới sáng tạo và cấu trúc lại luật nên về hình thức có nhiều thay đổi so với luật hiện hành. Dự thảo luật có sửa đổi lớn đối với 26 điều, bổ sung 23 điều.

Quỳnh Nga

Bản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.