Sáp nhập tỉnh: 'Một quyết định, ngàn kỳ vọng'

Theo ý kiến của nhiều người dân, chủ trương sáp nhập tỉnh là 'một quyết định, ngàn kỳ vọng', mở ra tương lai mới cho các địa phương.
Chuyên gia khuyến cáo nhà đầu tư thận trọng sau tin sáp nhập tỉnh Trung ương ban hành kế hoạch sáp nhập tỉnh, xã Chi tiết phương án trung tâm hành chính sau sáp nhập tỉnh

Mở ra tương lai mới

Theo Nghị quyết số 60-NQ/TW Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương quyết nghị số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố (28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương). Tên gọi và trung tâm chính trị - hành chính của đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sắp xếp được xác định theo các nguyên tắc nêu tại Tờ trình và Đề án của Đảng ủy Chính phủ. Sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã bảo đảm cả nước giảm khoảng 60-70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã so với hiện nay.

Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương về nội dung sắp xếp tổ chức đơn vị hành chính cấp tỉnh, nhiều người dân trên địa bàn thị xã Kim Bảng, Hà Nam đã bày tỏ những kỳ vọng về những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước.

Hà Nam đang sở hữu nhiều yếu tố cốt lõi để trở thành một cực tăng trưởng mới về bất động sản phía Bắc. Ảnh minh họa
Tỉnh Hà Nam cách thủ đô Hà Nội hơn 50 km (là cửa ngõ phía Nam của thủ đô), phía Bắc giáp với Hà Nội, phía Đông giáp với Hưng Yên và Thái Bình, phía Nam giáp Nam Định và Ninh Bình, phía Tây giáp Hòa Bình. Ảnh minh họa

Bà Phạm Vính (thị xã Kim Bảng, Hà Nam) cho biết, chủ trương sáp nhập tỉnh là “một quyết định, ngàn kỳ vọng”, mở ra tương lai mới cho các địa phương. Trong hành trình đổi mới đất nước, chưa khi nào chủ trương sắp xếp lại đơn vị hành chính lại được đặt lên bàn nghị sự một cách thẳng thắn, quyết liệt và mang tính thời đại như hiện nay. Với tinh thần vì sự phát triển của quốc gia, chủ trương lớn này nhận được sự đồng thuận cao từ người dân với mong muốn bộ máy gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả và phục vụ tốt hơn cho nhân dân.

Sáp nhập tỉnh không chỉ đơn thuần là thay đổi về địa giới hành chính. Ẩn sau những ranh giới địa lý là cả một cuộc cải tổ mạnh mẽ về tổ chức bộ máy, cách thức điều hành, phân bổ nguồn lực và chiến lược phát triển địa phương”, bà Vính chia sẻ.

Bà Vính cho rằng, việc sắp xếp đơn vị hành chính nhằm tinh gọn bộ máy, tiết kiệm chi tiêu công, tăng hiệu quả quản lý và tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Đây là yêu cầu tất yếu trong bối cảnh đất nước đang nỗ lực đẩy mạnh cải cách thể chế, xây dựng nhà nước kiến tạo, hành động và phục vụ.

Việc sáp nhập tỉnh sẽ giúp khai thông các điểm nghẽn, tạo điều kiện thuận lợi để phân bổ lại nguồn lực hợp lý hơn, từ đó mở ra không gian phát triển mới cho địa phương”, bà Vính bày tỏ.

Bước đi cần thiết

Trong khi đó, theo anh Trần Tiến (thị xã Kim Bảng, Hà Nam), việc điều chỉnh địa giới không đơn thuần là ghép lại bản đồ, mà là kết hợp con người, bộ máy, văn hóa và hạ tầng.

Tôi nhận thấy người dân ở nhiều địa phương đang thể hiện tinh thần tích cực và ủng hộ chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Tại các tỉnh đang được đề xuất sáp nhập, không khí trao đổi, đóng góp ý kiến sôi nổi đã lan rộng trong các diễn đàn công cộng, với sự tham gia của cán bộ hưu trí, chuyên gia, người dân và doanh nghiệp”, anh Tiến bày tỏ.

Ngoài ra, theo anh Tiến, chính thời điểm này, niềm tin của nhân dân là sức mạnh lớn nhất. Khi Đảng đã có quyết sách, Nhà nước đồng hành và nhân dân đồng thuận, không có thử thách nào là không thể vượt qua. Việc sáp nhập tỉnh, xét cho cùng, không chỉ là bài toán về hành chính, mà là bài toán về tầm nhìn chiến lược, về sự phát triển và về khát vọng vươn lên của một dân tộc.

Cũng chia sẻ với phóng viên, ông Đinh Hải (thị xã Kim Bảng, Hà Nam) bày tỏ, khi chủ trương sáp nhập tỉnh được đưa ra, điều đáng ghi nhận là đa số người dân bày tỏ sự đồng thuận. Nhiều người cho rằng, đây là bước đi cần thiết trong quá trình cải cách hành chính, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng và Nhà nước. Từ thành thị đến nông thôn, từ cán bộ hưu trí đến người lao động, sinh viên, tiểu thương, người dân đều có những kỳ vọng cụ thể về một bộ máy tinh gọn, năng động, và gần dân hơn.

Cái chính là làm sao để sau sáp nhập, các thủ tục hành chính nhanh hơn, cán bộ gần dân hơn, và đầu tư không bị phân tán”, ông Hải nói.

Ông Hải kỳ vọng sáp nhập tỉnh có thể giúp mở rộng thị trường và tạo điều kiện thuận lợi hơn về logistics và kết nối hạ tầng. Một đơn vị hành chính lớn sẽ có tiềm lực mạnh hơn để phát triển vùng, từ đó người dân cũng được hưởng lợi.

Bên cạnh đó, nói về việc sáp nhập tỉnh được nhìn nhận ở góc độ cơ hội việc làm và phát triển đồng đều, theo ông Hải, nếu việc sáp nhập giúp tỉnh mạnh hơn về giáo dục, y tế, hạ tầng và công nghệ thông tin thì giới trẻ sẽ có nhiều lựa chọn nghề nghiệp tại quê nhà, không nhất thiết phải đổ dồn về các thành phố lớn.

Theo Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, phải bảo đảm 5 nguyên tắc xác định tên gọi khi tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp.

Thứ nhất, việc đặt tên cho đơn vị hành chính sau sắp xếp phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo, cân nhắc thận trọng các yếu tố truyền thống, lịch sử, văn hóa.

Thứ hai, ưu tiên sử dụng một trong các tên gọi của các đơn vị hành chính trước khi sáp nhập để đặt tên cho đơn vị hành chính hình thành mới, hạn chế tối đa tác động ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp do phải chuyển đổi giấy tờ, chỉ dẫn địa lý liên quan đến đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Thứ ba, tên gọi của đơn vị hành chính mới cần dễ nhận diện, ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ, bảo đảm tính hệ thống, khoa học và phát huy được lợi thế so sánh của địa phương, phù hợp với xu thế hội nhập.

Thứ tư, cấp ủy, chính quyền địa phương thống nhất nhận thức, có trách nhiệm tạo sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân; góp phần giữ gìn, phát huy được giá trị lịch sử, truyền thống, văn hóa và tinh thần đoàn kết của nhân dân đối với đơn vị hành chính mới sau sắp xếp.

Thứ năm, nghiên cứu đặt tên của xã, phường theo số thứ tự hoặc theo tên của đơn vị hành chính cấp huyện (trước sắp xếp) có gắn với số thứ tự để thuận lợi cho việc số hóa, cập nhật dữ liệu thông tin. Tên của xã, phường mới sau sắp xếp không được trùng với tên của đơn vị hành chính cùng cấp hiện có trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc phạm vi tỉnh, thành phố dự kiến thành lập theo định hướng sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Thanh Bình

Bản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.