Sáp nhập Hậu Giang và Sóc Trăng vào Cần Thơ: Cơ hội mới cho phát triển du lịch

Việc sáp nhập Sóc Trăng và Hậu Giang vào TP. Cần Thơ không chỉ tái cấu trúc hành chính, mà còn mở ra cơ hội để phát triển du lịch liên vùng.
Cần Thơ công bố danh sách 32 xã, phường sau sáp nhập Cần Thơ: Kinh tế sẽ có bước đột phá mạnh mẽ TP. Cần Thơ lấy ý kiến sáp nhập tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng

Sức bật từ sự đa dạng

Ngày 12/4/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đã thay mặt Ban Chấp hành Trung ương ký ban hành Nghị quyết số 60-NQ/TW, kết luận Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Theo đó, Trung ương thống nhất chủ trương sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp tỉnh, tinh gọn bộ máy từ 63 xuống còn 34 đơn vị hành chính, gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương.

Sáp nhập Hậu Giang và Sóc Trăng vào Cần Thơ: Cơ hội mới cho phát triển du lịch
Khách du lịch trải nghiệm hái trái cây tại Khu du lịch Cồn Sơn (TP. Cần Thơ)

Trong nhóm các tỉnh - thành được hợp nhất, quyết định sáp nhập TP. Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Hậu Giang thành một thực thể hành chính mới - lấy tên chung là TP. Cần Thơ, với trung tâm chính trị - hành chính đặt tại Cần Thơ hiện hữu.

Đây không chỉ là bước chuyển mình về mặt hành chính mà còn là thời cơ lớn để khai thác tiềm năng kinh tế vùng, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch. Cả ba tỉnh đều là địa phương có nền văn hóa phong phú, cảnh quan đa dạng và con người thân thiện, rất phù hợp để phát triển thành một trung tâm du lịch liên kết mạnh mẽ tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Trên thực tế, cả ba địa phương hợp nhất đều đã và đang có những bước phát triển đáng ghi nhận về du lịch. Trong quý I/2025, Cần Thơ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ổn định, đón trên 1,66 triệu lượt khách, tăng 4% so với cùng kỳ, đạt 25% kế hoạch cả năm. Riêng tháng 3, thành phố đã thu hút hơn 414.000 lượt khách, với các điểm đến tiêu biểu như bến Ninh Kiều, chợ nổi Cái Răng, làng du lịch Mỹ Khánh…

Trong khi đó, tỉnh Sóc Trăng, nơi có thế mạnh về du lịch văn hóa - tâm linh - sinh thái cũng đang cho thấy sức hút đáng kể. Tổng lượt khách đến tỉnh Sóc Trăng trong quý I/2025 qua đạt khoảng 903.850 lượt, tăng 8% so với cùng kỳ, mang về doanh thu khoảng 585 tỷ đồng. Các lễ hội truyền thống của người Khmer, như lễ hội Óc Om Bóc, đua ghe ngo cùng hàng loạt ngôi chùa nổi tiếng (chùa Dơi, chùa Đất Sét, chùa Chén Kiểu…) tiếp tục là tâm điểm của tour du lịch tâm linh phía Nam.

Sáp nhập Hậu Giang và Sóc Trăng vào Cần Thơ: Cơ hội mới cho phát triển du lịch
Sóc Trăng được biết đến là nơi có nhiều điểm du lịch văn hóa - tâm linh. Ảnh: Xuân Nguyên

Còn tại Hậu Giang, dù quy mô nhỏ hơn, nhưng tốc độ tăng trưởng du lịch đang thể hiện sự đột phá đáng chú ý. Trong quý I/2025, doanh thu từ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành ước đạt 738 tỷ đồng, tăng 21,67% so với cùng kỳ. Các điểm đến sinh thái như Lung Ngọc Hoàng, vườn cò Phụng Hiệp, khu du lịch sinh thái Tân Phú Thạnh đang dần thu hút nhiều nhà đầu tư và khách du lịch nội vùng.

Với những con số tích cực như vậy, việc xóa bỏ ranh giới hành chính giữa ba địa phương sẽ là tiền đề quan trọng để phát triển du lịch liên vùng, cả về sản phẩm, chuỗi cung ứng dịch vụ và chiến lược xúc tiến.

Hợp nhất để kết nối, nâng tầm

Việc hợp nhất ba địa phương sẽ giúp liên kết chặt chẽ các điểm đến nổi bật, tạo thành những tuyến du lịch nội vùng hấp dẫn, kết hợp được các yếu tố sông nước, sinh thái, tâm linh và nghỉ dưỡng. Các tour tuyến như “Một ngày miền Tây”, kết nối từ TP. Cần Thơ xuống Sóc Trăng tham quan chùa chiền, rồi về Hậu Giang trải nghiệm vườn trái cây và sông nước, sẽ dễ dàng hơn nhiều nhờ sự đồng bộ về hạ tầng, quản lý và truyền thông quảng bá.

Sáp nhập Hậu Giang và Sóc Trăng vào Cần Thơ: Cơ hội mới cho phát triển du lịch
Cả 3 địa phương Cần Thơ, Sóc Trăng, Hậu Giang có nhiều điểm tương đồng về văn hóa gắn liền sông nước. Ảnh minh họa

Trước đây, ranh giới hành chính gây ra không ít khó khăn trong việc tổ chức tour liên tỉnh, nhưng sau khi hợp nhất, rào cản này được xóa bỏ, mở ra cơ hội để các doanh nghiệp lữ hành thiết kế các hành trình đa điểm với chi phí và thời gian tối ưu hơn.

Bà Trần Thị Minh Trang, Giám đốc Công ty Du lịch tại TP. Cần Thơ - nhận định: “Trước đây, mỗi lần xây dựng tour liên tỉnh là một lần vất vả vì thủ tục, mỗi tỉnh một chính sách. Nếu sau hợp nhất, các chính sách du lịch được đồng nhất, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí hành chính và thời gian triển khai sản phẩm mới. Cả ba địa phương đều có thế mạnh riêng, kết hợp lại sẽ thành một điểm đến toàn diện và cực kỳ hấp dẫn.”

Hạ tầng du lịch cũng sẽ được hưởng lợi lớn. Khi ba địa phương cùng nằm trong một đô thị cấp thành phố, việc quy hoạch các tuyến đường giao thông phục vụ du lịch sẽ dễ dàng và khoa học hơn, tránh được tình trạng đầu tư manh mún, không kết nối được các điểm du lịch trọng yếu.

Các tuyến đường thủy từ Cần Thơ đến các huyện vùng sâu của Hậu Giang hay từ Sóc Trăng lên Cần Thơ có thể được nâng cấp, phát triển thành các hành trình du lịch đặc sắc ven sông, đậm chất miền Tây. Đồng thời, các bến tàu, bến xe, trạm dừng chân cũng sẽ được đầu tư đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho du khách di chuyển và lưu trú.

Một trong những điểm sáng tiếp theo là khả năng tập trung nguồn lực đầu tư. Việc các địa phương sáp nhập thành một đơn vị hành chính lớn sẽ giúp nhà đầu tư nhìn thấy một thị trường rộng hơn, nhiều tiềm năng hơn và có độ ổn định cao hơn. Từ đó, việc kêu gọi đầu tư vào các khu du lịch, khách sạn, khu nghỉ dưỡng hay tổ hợp vui chơi giải trí sẽ dễ dàng hơn. Các doanh nghiệp du lịch sẽ không còn phải làm việc với ba địa phương riêng biệt mà có thể tiếp cận một hệ thống hành chính tập trung, minh bạch và thống nhất hơn.

Bên cạnh đó, việc quảng bá hình ảnh du lịch cũng sẽ hiệu quả hơn khi được tổ chức dưới một chiến lược chung. Thay vì mỗi tỉnh tổ chức một gian hàng nhỏ lẻ tại hội chợ du lịch, một TP. Cần Thơ mở rộng có thể xây dựng thương hiệu du lịch vùng như “Miền Tây kết nối - một hành trình ba thế giới văn hóa”, vừa tăng tính nhận diện, vừa tạo ấn tượng mạnh mẽ cho du khách. Các lễ hội truyền thống, tuần lễ văn hóa du lịch hay sự kiện giao lưu quốc tế có thể được tổ chức luân phiên hoặc đồng loạt ở các khu vực, tạo nên sự lan tỏa rộng rãi và gắn kết cộng đồng.

Phát triển sản phẩm du lịch theo hướng chuyên sâu cũng là một hướng đi tất yếu. Sau hợp nhất, các địa phương có thể chia sẻ lợi thế để cùng phát triển. Cần Thơ với hạ tầng tốt sẽ đóng vai trò trung tâm điều phối và lưu trú; Sóc Trăng giữ vai trò điểm đến văn hóa - tâm linh; Hậu Giang trở thành trung tâm du lịch sinh thái, cộng đồng. Mỗi khu vực vẫn giữ được đặc trưng riêng nhưng hoạt động trong một chuỗi dịch vụ du lịch thống nhất, giúp nâng cao chất lượng phục vụ và tăng giá trị trải nghiệm cho du khách.

Tuy nhiên, để phát triển bền vững, du lịch của thành phố hợp nhất cần có kế hoạch bảo tồn văn hóa và sinh thái bài bản. Việc khai thác các điểm đến cần đi đôi với việc gìn giữ giá trị di sản, không làm tổn hại đến môi trường và không đồng hóa đặc sắc của từng địa phương. Văn hóa Khmer ở Sóc Trăng, nét sinh hoạt chợ nổi truyền thống ở Hậu Giang hay lối sống sông nước ở Cần Thơ đều cần được giữ gìn trong khi phát triển các sản phẩm du lịch hiện đại.

Với quy mô mới và sự kết nối thuận lợi, TP. Cần Thơ mở rộng còn có thể vươn ra thị trường quốc tế. Sân bay quốc tế Cần Thơ sẽ là cửa ngõ đón khách từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và các nước Đông Nam Á. Đồng thời, vị trí địa lý chiến lược của khu vực này còn giúp kết nối du lịch với các tuyến hành lang kinh tế xuyên biên giới, đặc biệt là với Campuchia và Thái Lan thông qua các tour du lịch sông Mê Kông.

Việc hợp nhất ba địa phương không chỉ đơn thuần là sáp nhập về mặt hành chính, mà còn là sự hội tụ và khuếch đại tiềm năng. Trong đó, du lịch là một trong những ngành hưởng lợi rõ rệt và trực tiếp.
Ngân Nga

Bản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.