Ứng dụng AI trong kiểm toán: Nhiệm vụ cấp bách

Lãnh đạo Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong kiểm toán là nhiệm vụ cấp bách, cần triển khai ngay để nâng cao hiệu quả quản lý.
Kiểm toán nhà nước ký Quy chế phối hợp với Bộ Công an Kiểm toán hậu sắp xếp tổ chức bộ máy: Yêu cầu cấp bách trong bối cảnh mới Ông Ngô Văn Tuấn giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Quốc hội

Tại Hội nghị trực tuyến về ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong kiểm toán (ngày 3/4/2025), lãnh đạo Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh đây là nhiệm vụ cấp bách, cần triển khai ngay để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, phù hợp với Nghị quyết số 57-NQ/TW về chuyển đổi số quốc gia. Tuy nhiên, quá trình thí điểm ứng dụng AI vẫn đối mặt với nhiều thách thức, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ và giải pháp đồng bộ.

Ứng dụng AI trong kiểm toán: Nhiệm vụ cấp bách
Quang cảnh Hội nghị trực tuyến về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong kiểm toán. Ảnh: TL

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin

Ông Phạm Huy Thông - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghệ thông tin của Kiểm toán nhà nước - cho biết, trong Kế hoạch kiểm toán năm 2025, cơ quan này sẽ tập trung thực hiện Chuyên đề kiểm toán về đầu tư, ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin và các hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số tại các địa phương giai đoạn 2021 - 2024. Chuyên đề này triển khai tại 13 tỉnh, thành phố. Điểm nhấn là Kiểm toán nhà nước đã bắt đầu thí điểm ứng dụng AI để thực hiện kiểm toán tự động đối với các gói thầu số hóa tại các địa phương này.

Theo ông Thông, mỗi năm, các cơ quan nhà nước thực hiện hàng nghìn gói thầu số hóa với khối lượng dữ liệu khổng lồ. Để đáp ứng yêu cầu xử lý nhanh chóng và chính xác, Cục Công nghệ thông tin đã sử dụng robot tự động thu thập dữ liệu từ Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Dữ liệu này được dùng để huấn luyện hệ thống AI, giúp công cụ phân tích và đưa ra đánh giá ban đầu về các gói thầu. Kết quả thí điểm cho thấy AI hỗ trợ kiểm toán viên phân tích dữ liệu, lựa chọn mẫu kiểm toán hiệu quả hơn. Ông Thông nhấn mạnh, nếu được đầu tư hạ tầng đầy đủ, AI có thể xử lý hàng nghìn hồ sơ mỗi ngày, mang lại tốc độ kiểm tra vượt trội so với phương pháp truyền thống.

Ưu điểm nổi bật của AI là đảm bảo tính toàn diện trong kiểm tra. Hệ thống cập nhật đầy đủ quy định pháp luật, so sánh hồ sơ với tiêu chuẩn định mức pháp lý và dữ liệu từ các gói thầu khác trên toàn quốc. Nhờ đó, AI cung cấp đánh giá chính xác và toàn diện, hỗ trợ kiểm toán viên đưa ra nhận định khách quan hơn.

Ứng dụng AI trong kiểm toán không chỉ là giải pháp kỹ thuật mà còn phù hợp với xu thế phát triển khoa học công nghệ, đặc biệt khi Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 do Tổng Bí thư Tô Lâm ký xác định đây là “đột phá quan trọng hàng đầu” cho phát triển bền vững. Thực hiện các Nghị quyết: số 36-NQ/TW (năm 2014), số 52-NQ/TW (năm 2019), số 57-NQ/TW (năm 2024) và Nghị quyết số 90-NQ/ĐU (năm 2021) của Đảng bộ Kiểm toán nhà nước, cùng Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2030, Kiểm toán nhà nước đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm.

Kết quả, Kiểm toán nhà nước đạt nhiều thành tựu như: Chuyển đổi mô hình công nghệ thông tin, xây dựng chính sách chuyển đổi số, phát triển hạ tầng và ứng dụng công nghệ tiên tiến (viễn thám, siêu âm bê tông, phần mềm đo đạc), nâng cao hiệu quả quản lý và chất lượng kiểm toán tài nguyên, đất đai.

Ứng dụng AI trong kiểm toán: Nhiệm vụ cấp bách
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: TL

Giai đoạn thí điểm cần sự phối hợp chặt chẽ

Dù được xem là nhiệm vụ cấp bách, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI vào công tác kiểm toán vẫn đang trong giai đoạn thí điểm và đối mặt với không ít thách thức. Trao đổi tại Hội nghị trực tuyến, nhiều ý kiến từ các lãnh đạo đã chỉ ra những khó khăn, bất cập cần tháo gỡ, đồng thời đề xuất các giải pháp cụ thể để đẩy nhanh quá trình triển khai.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ chỉ đạo Cục Công nghệ thông tin phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, tập trung tháo gỡ vướng mắc và ưu tiên nâng cấp hạ tầng công nghệ - yếu tố then chốt để AI phát huy hiệu quả.

Cũng nhấn mạnh tính cấp thiết của AI, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung nhận định đây là “làn sóng không thể cản”, nhưng lưu ý cần linh hoạt vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đồng thời đề xuất mở diễn đàn trực tuyến để các đơn vị trao đổi và hoàn thiện quy trình.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng - phụ trách lĩnh vực công nghệ thông tin - nhấn mạnh, đây là giai đoạn thí điểm nên trong quá trình triển khai sẽ vừa làm vừa hoàn thiện, AI chỉ mang tính phát hiện ra vấn đề và đưa ra khuyến nghị, bản thân mỗi kiểm toán viên vẫn sẽ là người xem xét và kiểm tra lại toàn bộ kết quả. Cục Công nghệ thông tin sẵn sàng cử nhân lực phối hợp với các đơn vị để hỗ trợ, hướng dẫn.

Những ý kiến trên cho thấy, dù đối mặt với nhiều thách thức, Kiểm toán nhà nước đang nỗ lực tìm hướng đi phù hợp để ứng dụng AI hiệu quả, vừa đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa, vừa đảm bảo tính chính xác và an toàn trong công tác kiểm toán.

“AI là trợ thủ, không phải quyết định thay con người”

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn khẳng định, việc ứng dụng AI là nhiệm vụ cấp bách, cần được triển khai ngay để hiện đại hóa công tác kiểm toán và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Tuy nhiên, Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh, quá trình này phải được thực hiện một cách thận trọng, từng bước chắc chắn nhằm đảm bảo tính chính xác và hiệu quả tối ưu.

Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết, ở giai đoạn đầu, AI sẽ đóng vai trò như một công cụ hỗ trợ đắc lực, giúp kiểm toán viên phát hiện sai phạm nhanh chóng, tiết kiệm thời gian và nâng cao chất lượng kiểm toán. Dù vậy, Tổng Kiểm toán nhà nước lưu ý, kết luận cuối cùng vẫn phải do kiểm toán viên, tổ kiểm toán và đoàn kiểm toán đưa ra, nhằm đảm bảo tính pháp lý và trách nhiệm trong mỗi quyết định. “AI là trợ thủ, không phải quyết định thay con người”, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh định hướng vai trò của công nghệ trong giai đoạn thí điểm.

Để cụ thể hóa chủ trương này, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn yêu cầu Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán khẩn trương chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng và hoàn thiện quy trình thí điểm ứng dụng AI. Quy trình này cần làm rõ quyền hạn và trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân tham gia, tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ cho việc triển khai. Đồng thời, Tổng Kiểm toán nhà nước chỉ đạo các đơn vị hoàn tất công tác chuẩn hóa chữ ký số và dữ liệu ngay trong tháng 4/2025, coi đây là nền tảng quan trọng để AI hoạt động hiệu quả.

“Đầu tư cho AI phải được tính toán kỹ lưỡng để đạt hiệu quả cao nhất. Tôi yêu cầu các đơn vị rà soát toàn diện mọi khó khăn, từ quy trình, thủ tục đến định mức, và bắt tay vào triển khai ngay lập tức”, Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh.

Với sự quyết tâm của lãnh đạo Kiểm toán nhà nước và những bước đi tiên phong trong ứng dụng AI, công tác kiểm toán tại Việt Nam đang đứng trước cơ hội tạo đột phá quan trọng. Công nghệ này không chỉ nâng cao hiệu quả kiểm toán mà còn góp phần thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Trong bối cảnh khoa học công nghệ là động lực then chốt, Kiểm toán nhà nước đang khẳng định vai trò tiên phong trong hiện đại hóa quản lý nhà nước, hướng tới nền kiểm toán minh bạch, hiệu quả và bền vững

Duy Minh

Bản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.