Kiểm toán nhà nước ký Quy chế phối hợp với Bộ Công an Chủ tịch Quốc hội thăm, làm việc với Kiểm toán nhà nước Những lĩnh vực, địa phương nào sẽ phải kiểm toán năm 2025? |
Những vấn đề đặt ra trong bối cảnh sắp xếp bộ máy
Hiện nay, Chính phủ và các Bộ, cơ quan trung ương đang tiến hành sắp xếp, hợp nhất và kiện toàn lại cơ cấu tổ chức bộ máy theo Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Tuy nhiên, sau khi sắp xếp, việc quyết toán ngân sách các Bộ, ngành, địa phương trở thành vấn đề phức tạp, đặt ra nhiều thách thức cho Kiểm toán nhà nước.
Chẳng hạn, khi hợp nhất Bộ Giao thông Vận tải với Bộ Xây dựng, hoặc Bộ Tài nguyên và Môi trường với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thì Bộ nào sẽ chịu trách nhiệm quyết toán ngân sách? Vấn đề trở nên đặc biệt phức tạp khi xét đến trường hợp các Bộ như: Thông tin và Truyền thông hoặc Lao động - Thương binh và Xã hội bị chia tách và sáp nhập vào nhiều Bộ khác nhau.
Bên cạnh đó, dự kiến từ 1/7/2025, nhiều tỉnh, thành trên cả nước sẽ kết thúc hoạt động cấp huyện và chỉ còn lại hai cấp chính quyền địa phương. Nếu hai hoặc ba tỉnh hợp nhất, việc quyết toán ngân sách sẽ do tỉnh nào chịu trách nhiệm? Trái lại, khi một tỉnh chia tách thành hai đơn vị hành chính mới, ai sẽ là người quản lý quá trình quyết toán?
![]() |
Kiểm toán nhà nước sẽ tạm hoãn kiểm toán các đơn vị chưa ổn định bộ máy và sẵn sàng tiếp tục điều chỉnh Kế hoạch kiểm toán năm 2025 cho phù hợp với tình hình thực tế sau khi sắp xếp bộ máy. Ảnh: TL |
Việc xóa bỏ đơn vị hành chính cấp huyện cũng đặt ra những thách thức đối với Kiểm toán nhà nước trong quá trình tổ chức kiểm toán. Hiện nay, hệ thống hướng dẫn kiểm toán vẫn được xây dựng theo mô hình tỉnh - huyện - xã, trong khi sắp tới chỉ còn hai cấp chính quyền. Điều này khiến kiểm toán viên gặp khó khăn trong việc thu thập tài liệu, xác minh thông tin khi bộ máy hành chính đang trong quá trình tinh gọn, sắp xếp. Đồng thời, công tác kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các kiến nghị kiểm toán từ những năm trước cũng có thể gặp trở ngại do bộ máy cũ không còn, trong khi bộ máy mới chưa có cơ chế cụ thể để tiếp nhận và triển khai các kiến nghị này.
Cần lựa chọn giải pháp phù hợp
Trước bối cảnh đó, Kiểm toán nhà nước cần tìm ra những giải pháp linh hoạt để vừa đảm bảo hiệu quả kiểm toán, vừa phù hợp với bố cục mới. Một số phương án đang được đề xuất: Kiểm toán nhà nước tạm hoãn kiểm toán các Bộ, ngành chưa ổn định bộ máy và tiếp tục điều chỉnh Kế hoạch kiểm toán năm 2025 nhằm thích ứng với tình hình mới.
Theo ông Hoàng Văn Lương - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Kiểm toán nhà nước, kiểm toán trưởng cần rà soát, thu thập thông tin về cơ chế quyết toán ngân sách của các Bộ sau hợp nhất để báo cáo lãnh đạo Kiểm toán nhà nước điều chỉnh kế hoạch kiểm toán cho phù hợp.
Việc tạm hoãn kiểm toán đối với nhóm Bộ, ngành đang sắp xếp cho thấy, Kiểm toán nhà nước đã chủ động và linh hoạt trong cách tiếp cận, tránh làm gián đoạn quá trình tổ chức lại bộ máy hành chính.
![]() |
Kiểm toán nhà nước sẽ nghiên cứu, đưa ra các phương án kiểm toán phù hợp, hiệu quả để thích ứng với bối cảnh mới. Ảnh: TL |
Trong trường hợp các huyện đề nghị kiểm toán để có báo cáo quyết toán trước khi sắp xếp, Kiểm toán nhà nước sẽ cân nhắc thực hiện để đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng trong quá trình chuyển đổi.
Bên cạnh đó, một trong những giải pháp quan trọng là Kiểm toán nhà nước cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan để tham gia xây dựng cơ chế tài chính mới. Việc này không chỉ giúp Kiểm toán nhà nước kiểm toán hiệu quả hơn mà còn hỗ trợ các Bộ, ngành, địa phương thực hiện quản lý tài chính công minh bạch và khoa học hơn.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, Kiểm toán nhà nước cần bổ sung một số nội dung kiểm toán quan trọng trong bối cảnh sắp xếp bộ máy, bao gồm: Kiểm toán việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên theo kế hoạch kinh tế - xã hội; kiểm toán việc thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài sản công sau sắp xếp; kiểm toán việc điều chỉnh dự toán ngân sách trong năm đầu tiên thực hiện sắp xếp.
Theo ông Hoàng Phú Thọ - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Kiểm toán nhà nước, trước mắt Kiểm toán nhà nước sẽ tiếp tục kiểm toán với nhóm Bộ, ngành không thuộc diện sắp xếp. Đồng thời, Kiểm toán nhà nước sẽ xây dựng phương án theo dõi thường xuyên, liên tục nhằm đảm bảo các vấn đề tồn đọng từ trước không bị bỏ qua khi bộ máy mới đi vào hoạt động.
Đồng quan điểm, ông Lê Đình Thăng - Kiểm toán trưởng, Kiểm toán nhà nước chuyên ngành II cho rằng, Kiểm toán nhà nước cần có cơ chế xác định rõ đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện kiến nghị kiểm toán trong trường hợp các đơn vị hành chính cũ không còn tồn tại sau khi sáp nhập. Điều này sẽ giúp đảm bảo tính liên tục và hiệu quả của công tác kiểm toán.
Những thay đổi trong tổ chức bộ máy hành chính đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với công tác kiểm toán. Kiểm toán nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu, tham mưu và đưa ra các phương án kiểm toán hiệu quả, thích ứng với bối cảnh mới. Chỉ khi có phương pháp linh hoạt, cơ chế kiểm toán chặt chẽ và phù hợp, Kiểm toán nhà nước mới có thể hoàn thành tốt sứ mệnh đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm trong quản lý tài chính công, đóng góp vào sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước. |