15:37 | 12/04/2025
Xuất khẩu tổ yến sào thu về hàng trăm triệu USD một năm Lễ hội ẩm thực các món ăn chế biến từ Yến sào Yến sào Sóc Trăng: Hướng tới đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao giá trị sản phẩm |
Vàng thau lẫn lộn
Tại tọa đàm “Gỡ vướng để phát triển thương hiệu ngành yến sào” do Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 12/4, các chuyên gia, nhà quản lý và đại diện doanh nghiệp cho rằng, hiện nay, thị trường chứng kiến sự bùng phát tràn lan của các sản phẩm mang danh “yến sào” nhưng thực chất là hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng và không rõ nguồn gốc xuất xứ.
![]() |
Quang cảnh tại buổi tọa đàm. Ảnh: BTC |
Nhiều sản phẩm được sản xuất từ các nguyên liệu rẻ tiền như bột rau câu, lòng trắng trứng hoặc pha chế từ các chất không đạt tiêu chuẩn an toàn. Đáng lo ngại hơn, một số sản phẩm nước yến đóng lon còn nhái mẫu mã và tên gọi của những thương hiệu lớn gây nhầm lẫn nghiêm trọng cho người tiêu dùng.
Các đối tượng thường tận dụng kênh phân phối trực tuyến như sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, livestream… để đưa sản phẩm ra thị trường ồ ạt mà không chịu bất kỳ sự kiểm soát nào. Cùng với đó, thông tin trên bao bì thường thiếu minh bạch, hàm lượng yến bị công bố tùy tiện, không có kiểm định, không được chứng nhận từ cơ quan chức năng.
Ông Nguyễn Thanh Hải - Tổng Giám đốc Công ty Yến sào Khánh Hòa - cho biết, từ đầu năm đến nay, công ty đã phát hiện hơn 30 đơn vị có hành vi sử dụng tên gọi, thành phần và hình ảnh sản phẩm tương tự hoặc sao chép thương hiệu của Yến sào Khánh Hòa.
“Những hành vi này không chỉ gây thiệt hại về hình ảnh và doanh thu cho doanh nghiệp chân chính, mà còn làm suy giảm nghiêm trọng lòng tin của người tiêu dùng”, ông Hải khẳng định.
![]() |
Ông Nguyễn Thanh Hải - Tổng Giám đốc Công ty Yến sào Khánh Hòa (người đứng) - chia sẻ những khó khăn gặp phải khi sản phẩm yến sào bị nhái tràn lan trên thị trường. Ảnh: BTC |
Ông Nguyễn Viết Hồng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ bảo người tiêu dùng TP. Hồ Chí Minh - nhận định, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên do tâm lý người tiêu dùng chuộng hàng rẻ.
“Lợi dụng thói quen sính giá rẻ, một số sản phẩm yến lọ được bán trên thị trường có giá chỉ từ 9.000 đến 15.000 đồng/lọ, nhưng thực chất hàm lượng yến rất thấp, thậm chí không có”, ông Hồng cho hay.
Cũng theo các chuyên gia, sản phẩm sản xuất từ yến sào trên thị trường đang được sử dụng các nguyên liệu thay thế như gelatin, đường hóa học, hương liệu tổng hợp…, có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đặc biệt với trẻ em và người cao tuổi.
Cần xây dựng thương hiệu mạnh về yến sào
Theo Tiến sĩ Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP.Hồ Chí Minh, nghề nuôi yến ở Việt Nam bắt đầu xuất hiện từ năm 2004. Ban đầu do một số doanh nghiệp nhà nước như Công ty Yến sào Khánh Hòa, Ban Quản lý và khai thác yến sào Bình Định… triển khai thực hiện các dự án nuôi chim yến lấy tổ.
Sau đó, có sự tham gia của nhiều công ty tư nhân, hộ gia đình…, đã góp phần đẩy mạnh sự phát triển của nghề nuôi chim yến tại Việt Nam và đặc biệt phát triển mạnh trong 10 năm trở lại đây.
Hiện nay, cả nước có khoảng 42/63 tỉnh, thành phố nuôi chim yến với số lượng khoảng 23.665 nhà yến và tổng sản lượng ước đạt 500 triệu USD.
“Điều này cho thấy thực tế tiềm năng và triển vọng phát triển nghề nuôi chim yến của nước ta rất lớn, là ngành cho sản phẩm có giá trị cao”, Tiến sĩ Thắng đánh giá.
![]() |
Tiến sĩ Trần Quang Thắng cho biết, tiềm năng và triển vọng phát triển nghề nuôi chim yến của nước ta rất lớn. Ảnh: BTC |
Tuy nhiên, TS. Thắng nhận định, việc nuôi yến hiện còn khá tự phát, thiếu quy chuẩn thống nhất. Tình trạng áp dụng phương pháp khi kết hợp kinh nghiệm tự phát với các tiêu chuẩn tham khảo thiếu tính đồng bộ, khiến quy trình nuôi chưa tối ưu, dẫn đến chất lượng tổ yến thiếu ổn định, khó đạt được chất lượng cao.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Hữu Hoài Phú - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh - nhận định, việc cung ứng sản phẩm yến sào ở một số địa phương chưa ổn định. Hiện nay, chỉ có một số tỉnh thành như Quảng Nam, Khánh Hòa, Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh, Bạc Liêu, Kiên Giang cho số lượng và chất lượng yến sào thô ổn định và chất lượng tốt.
Ở góc độ TP. Hồ Chí Minh, ông Phú cho biết sẽ kiến nghị với UBND thành phố xem xét ban hành bộ tiêu chuẩn xây dựng nhà nuôi yến; đưa sản phẩm yến sào vào hệ thống khách sạn 4-5 sao, làm hàng quà biếu, quà tặng. Đồng thời, phối hợp với Sở Công Thương và Sở Du lịch để triển khai hoạt động xúc tiến thương mại về ngành yến sào.
"Trước mắt, TP. Hồ Chí Minh sẽ căn cứ vào tiêu chuẩn của doanh nghiệp, tiêu chuẩn OCOP và quy chuẩn chuyên ngành. Việc đưa yến sào lên kệ siêu thị trong và ngoài nước cũng sẽ được đưa vào kế hoạch xúc tiến", ông Phú chia sẻ và mong muốn trong tương lai, ngành yến sào sẽ có một chương trình giống như "Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 20230, tầm nhìn 2045", đã được Thủ tướng phê duyệt.
![]() |
Ông Nguyễn Hữu Hoài Phú (người đứng) cho biết, ngành yến sao còn thiếu một chương trình phát triển cấp quốc gia. Ảnh: BTC |
Nhìn thực tế trong 20 năm qua (năm 2024 - đến nay), ngành yến sào Việt Nam cũng chưa có nhiều thương hiệu nổi tiếng trong nước và trên trường quốc tế. Do đó, chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, ngành yến sào Việt Nam nói chung và từng doanh nghiệp nói riêng cần đẩy mạnh xây dựng thương hiệu.
Khi thương hiệu đủ mạnh không chỉ giúp nâng cao giá trị sản phẩm mà còn góp phần ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, giúp người tiêu dùng sẽ dễ dàng phân biệt với các sản phẩm trôi nổi trên thị trường.
Theo ông Tạ Đình Vũ Đàm - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Yến Sào Nha Trang, với thị trường trong nước, ngành yến sào cần phải xây dựng chuỗi cung ứng minh bạch từ khâu khai thác tổ yến đến chế biến; công bố thông tin cụ thể về vùng nuôi đến phương pháp thu hoạch. Các sản phẩm yến sào cần phải sử dụng tem chống hàng giả, mã QR, blockchain giúp người tiêu dùng dễ dàng kiểm tra và xác minh...
Đối với thị trường xuất khẩu, hiện nay, ngành yến sào quốc tế chủ yếu bị chi phối bởi các nước Trung Quốc, Malaysia, Indonesia và Thái Lan.
“Việt Nam là một trong những quốc gia có sản lượng và chất lượng yến sào hàng đầu thế giới, đặc biệt yến đảo thiên nhiên. Nếu không có chiến lược xây dựng thương hiệu bài bản, ngành yến sào Việt Nam sẽ bị đánh đồng với sản phẩm khác, dẫn đến mất đi lợi thế cạnh tranh và giá trị kinh tế trên trường quốc tế”, ông Đàm đánh giá.
Ông Nguyễn Hữu Hoài Phú - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh - cho biết sẽ sớm kiến nghị UBND thành phố xem xét thành lập Hội Yến sào TP. Hồ Chí Minh, nhằm tập hợp, hỗ trợ các hộ nuôi yến và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Đồng thời, xây dựng một chương trình phát triển ngành yến sào riêng, có quy hoạch bài bản và hỗ trợ từ quản lý, kỹ thuật đến thị trường. |
Đường dẫn bài viết: https://congthuong.vn/can-xay-dung-thuong-hieu-nganh-yen-sao-theo-chuan-quoc-te-382677.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.