17:09 | 09/04/2025
Làng nghề Phùng Xá: Tìm hướng đi cho lụa tơ sen Làng nghề lồng đèn truyền thống Hội An tất bật dịp Tết Khám phá làng lụa đầu tiên của Việt Nam lọt top thế giới |
“Giữ lửa” nghề đan đó
Cách Hà Nội khoảng 60 km, chúng tôi tìm về làng Thủ Sỹ, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên trong một ngày đầu hè. Trải qua hàng trăm năm lịch sử, ngôi làng vẫn còn đó như trường tồn với thời gian, với những mái ngói nâu ẩn hiện dưới những lũy tre xanh hiền hòa.
![]() |
Làng nghề đan đó Thủ Sỹ tồn tại hơn 200 năm. Ảnh: Quốc Duy |
Dạo quanh làng sẽ dễ dàng bắt gặp những khoảng sân treo đầy đơm, đó, rọ được buộc thành chùm như những bông hoa bằng tre khổng lồ. Nghề đan đó đã trở thành nếp sống của nhiều gia đình, đi sâu vào trong tiềm thức của những người nông dân cần cù, chịu khó - những con người sinh ra và lớn lên giữa làng quê văn hóa truyền thống, mang cả tâm huyết và tình yêu cuộc sống vào nghề.
“Làng Tất có nghiệp có nghề; có nghiệp đan đó có nghề làm hom”. Câu thơ truyền miệng ấy được những bậc cao niên trong làng nhắc đến nhiều lần với sự hồ hởi khi kể về cái thời cả làng quanh năm rộn ràng tiếng chẻ tre, đan đó vui như hội.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống làm nghề đan đó, anh Phạm Văn Bạo - nghệ nhân làm nghề đan đó thôn Tất Viên, xã Thủ Sỹ - cho biết, nghề truyền thống đan đó ở làng đã tồn tại hơn 200 năm, gia đình tôi đã gắn bó với nghề này từ đời ông cha.
Quá trình sản xuất một sản phẩm rọ, đó của làng trải qua nhiều công đoạn, đòi hỏi sự khéo léo, lành nghề của người làm nên sản phẩm. Người mới học nghề có thể mất vài tuần để làm được một sản phẩm đẹp.
Người dân xã Thủ Sỹ chủ yếu đan rọ và đó. Rọ có một mẫu mã nhưng kích thước to nhỏ khác nhau, còn đó lại cùng một kiểu dáng, kích thước đường kính từ 25 - 40cm. Về cơ bản, các sản phẩm trải qua các công đoạn gồm: Chuẩn bị nguyên liệu; chẻ nứa và xử lý sơ bộ nan và khoáy; hun khói; lên khung, định hình sản phẩm và đan. Trong đó, công đoạn khó nhất là chẻ nứa, vì cần đòi hỏi sự lành nghề của người làm mới đều tay được.
![]() |
Sản phẩm của làng nghề đan đó Thủ Sỹ được ưa chuộng dùng để trang trí nội thất. Ảnh: Quốc Duy |
“Nghề đan đó rất cần sự khéo tay và tỉ mỉ nhưng ở làng Thủ Sỹ, từ những cụ già đến trẻ em cũng có thể đan được chiếc đó” - anh Phạm Văn Bạo nói, đồng thời cho hay, những người dân trong làng mỗi khi rảnh vẫn thường xuyên đan đó, lớp trẻ như thanh niên và học sinh vẫn được học và thực hành nghề của làng để gìn giữ và lưu truyền.
Chuyển mình để thích ứng, tìm hướng xuất khẩu
Theo chia sẻ của nghệ nhân làng nghề đan đó, trước đây, sản phẩm nghề của xã Thủ Sỹ được sử dụng trong hoạt động đánh bắt cá là chủ yếu, tuy nhiên, ngày nay, xã hội phát triển mạnh mẽ, ngư dân cũng có những thay đổi trong phương pháp đánh bắt cá. Vì vậy, các ngư cụ truyền thống hiện ít được sử dụng hơn. Song nghề đan đó ở làng Thủ Sỹ vẫn không hề mai một.
Nắm bắt nhu cầu thị trường, người dân làng Thủ Sỹ vẫn miệt mài làm những chiếc đó khi giờ đây nó đã trở thành sản phẩm được ưa chuộng dùng để trang trí nội thất, trang trí mỹ thuật, nhằm tạo nên một không gian đậm chất làng quê Việt.
Các sản phẩm của làng Thủ Sỹ không chỉ tiêu thụ từ Bắc tới Nam, mà còn được xuất khẩu ra nước ngoài như: Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ... do họ cũng yêu thích nét đẹp mang đậm chất Việt.
Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người nông dân, người làng Thủ Sỹ đã có một hướng đi mới trong bảo tồn, phát triển sản phẩm làng nghề. “Chúng tôi đã phát triển mô hình du lịch nông thôn, để du khách có thể trải nghiệm được những cung bậc cảm xúc khi về với làng nghề Thủ Sỹ” - anh Bạo thông tin về cách làm mới của xã.
Theo đó, khi đến đây, du khách không chỉ được tìm hiểu về quy trình tạo ra sản phẩm mà còn được tận tay trải nghiệm và học tập cách vót nan, tạo ra những sản phẩm của riêng mình. Sau khi đan những chiếc đó, rọ, du khách cũng có thể đóng vai người nông dân mang những sản phẩm của mình ra đồng trải nghiệm học cách bắt tôm, cua, cá. Làng nghề là điểm đến thú vị đối với những du khách đến từ thành thị.
Ông Phạm Văn Huấn - Phó Chủ tịch UBND xã Thủ Sỹ, huyện Tiên Lữ - cho biết, toàn xã Thủ Sỹ có 2 thôn được công nhận làng nghề truyền thống (đan rọ, đó) là thôn Tất Viên và thôn Nội Lăng, với các lao động chủ yếu vừa làm nông nghiệp vừa sản xuất sản phẩm làng nghề.
“Để phát huy vai trò của làng nghề đan đó Thủ Sỹ trong phát triển kinh tế và du lịch của địa phương, chúng tôi làm công tác tuyên truyền và động viên lớp trẻ giữ nghề và gắn liền với du lịch nông thôn” - ông Huấn nhấn mạnh, đồng thời cho biết thêm, hiện trên địa bàn xã có 2 hộ gia đình đang làm rất tốt công việc để giữ "lửa" cho nghề, đó là gia đình cụ Lương Sơn Bạc và anh Phạm Văn Bạo.
Hai hộ gia đình hàng năm đón hàng trăm lượt khách về trải nghiệm các hoạt động làm nghề và một số chương trình quảng bá làng nghề do các sở, ban, ngành tổ chức có các nghệ nhân làng nghề đan đó Thủ Sỹ tham gia đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc.
![]() |
Nhiều du khách trải nghiệm làm nghề đan đó. Ảnh: Quốc Duy |
Song, ông Phạm Văn Huấn cũng trăn trở, công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông thôn cùng quá trình đô thị hóa đang dần làm thay đổi chất lượng cuộc sống và hình ảnh các vùng nông thôn. Bên cạnh những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất của người dân tại các làng xã, sự phát triển này cũng đem lại nhiều thách thức. Song về cơ bản chúng tôi vẫn luôn khuyến khích và động viên bà con làm nghề và giữ nghề truyền thống.
Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND xã Thủ Sỹ hy vọng trong tương lai gần các sản phẩm của làng nghề đan đó sẽ có bước tiếp cận được nhiều hơn với thị trường xuất khẩu.
“Để làm được điều đó, chúng tôi sẽ tìm hướng đi cho sản phẩm bằng cách đổi mới và sáng tạo thêm các sản phẩm có tính ứng dụng cao trong đời sống. Một số sản phẩm sáng tạo ra từ những chiếc đó như đèn chùm hoa đó, không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước mà còn có những đơn hàng đi nước ngoài” - ông Huấn nói.
Rời làng Thủ Sỹ, chúng tôi bắt gặp hình ảnh những người dân trên những chiếc xe thồ với hàng trăm chiếc đó, rọ băng qua những cánh đồng đã tạo nên bức tranh làng quê Thủ Sỹ bình yên và đậm đà nét văn hóa vùng đồng bằng Bắc Bộ. Khi được gắn với du lịch và có đầu ra ổn định, chúng tôi tin rằng, những làng nghề không chỉ giúp bảo tồn nét đẹp dân gian mà còn tạo ra sinh kế bền vững cho người dân.
Mỗi năm, làng nghề đan đó Thủ Sỹ cung cấp khoảng 650.000 sản phẩm, đem lại thêm 50% thu nhập cho người dân trong xã. Để giữ nghề, xã Thủ Sỹ đã kết hợp văn hóa bản địa là những giá trị văn hóa đã được đúc kết tại chính nơi mà cộng đồng sinh sống tại làng nghề đan đó nhằm tạo điểm nhấn cho du lịch làng nghề. |
Đường dẫn bài viết: https://congthuong.vn/lang-nghe-tram-tuoi-chuyen-minh-giu-hon-xua-tim-huong-xuat-khau-382214.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.