Quảng cáo sai sự thật: Lỗ hổng trách nhiệm, vấn đề đạo đức

Tham gia quảng cáo sai sự thật không chỉ ảnh hưởng đến hình ảnh của người nghệ sĩ mà còn đặt ra nhiều vấn đề về lỗ hổng trách nhiệm và đạo đức xã hội.
Lê Thành Công, 'sói già' truyền thông bị bắt cùng Quang Linh Quang Linh Vlogs bị bắt, động thái 'Team châu Phi' thế nào? Luật sư nói gì về việc Tiktoker 'Sư tử ăn chay' quay xe, xin lỗi?

Nghệ sĩ tham gia quảng cáo sai sự thật không chỉ đối mặt với những vấn đề về trách nhiệm pháp lý mà còn đặt ra câu hỏi lớn về đạo đức trong ngành công nghiệp giải trí. Khi một nghệ sĩ đại diện cho sản phẩm mà họ không thực sự hiểu rõ hoặc không có chứng nhận về hiệu quả, họ không chỉ vi phạm niềm tin của người tiêu dùng mà còn làm tổn hại đến danh tiếng của chính bản thân mình.

Lỗ hổng trách nhiệm và câu chuyện đạo đức

Sự “lố” và sai sự thật trong quảng cáo không chỉ ảnh hưởng đến hình ảnh của những nghệ sĩ mà còn đặt ra nhiều vấn đề về cả lỗ hổng pháp lý lẫn đạo đức kinh doanh và bảo vệ người tiêu dùng. Thực phẩm chức năng, sữa và các sản phẩm dinh dưỡng thường được quảng cáo với những lời lẽ có cánh, hứa hẹn mang lại sức khỏe tối ưu và cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, khi xem xét kỹ lưỡng, không ít sản phẩm đã đi ngược so với những tuyên bố này.

Quảng cáo sai sự thật: Lỗ hổng trách nhiệm, vấn đề đạo đức
Đã có nhiều nghệ sĩ dính lùm xùm quảng cáo sai sự thật và đã phải xin lỗi công khai. Ảnh: MXH

Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng với lượng fan (người hâm mộ) hùng hậu đã quảng bá các sản phẩm với thông tin chưa được kiểm chứng hoặc không đầy đủ. Điều này không chỉ gây hoang mang cho người tiêu dùng mà còn tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của họ. Quảng cáo sản phẩm sai sự thật có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, khó lường. Người tiêu dùng dễ bị cuốn hút bởi những lời quảng cáo hấp dẫn mà không nhận ra rằng những lời hứa hẹn đó có thể thiếu cơ sở và không thực tế.

Có thể nói, chuyện nghệ sĩ nhận các hợp đồng quảng cáo để kiếm thêm thu nhập là không sai. Tuy nhiên, nhận quảng cáo thế nào, cách thức ra sao mới là điều quan trọng. Nhiều nghệ sĩ vì thiếu sự kiểm chứng hoặc có thể chạy theo những hợp đồng lên đến hàng chục, hàng trăm triệu đồng khiến họ bất chấp, không soi xét về hậu quả.

Theo tìm hiểu của phóng viên, ở làng giải trí Hàn Quốc, Trung Quốc và nhiều nước trên thế giới, những năm gần đây, các nghệ sĩ nổi tiếng đã dần xa rời hoạt động quảng cáo sản phẩm cho nhãn hàng hoặc khi nhận quảng cáo, họ luôn có đội ngũ, ê-kíp kiểm tra kĩ lưỡng để tránh những sai sót. Tuy nhiên, ở Việt Nam, tình trạng nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật vẫn còn xuất hiện nhan nhản trên các trang web, ứng dụng mạng xã hội.

Trước khi xảy ra vụ lùm xùm quảng cáo kẹo rau củ, hoa hậu Thùy Tiên và Quang Linh Vlogs đều là những nhân vật được cộng đồng yêu mến nhờ các hoạt động thiện nguyện và cách ứng xử đẹp, gần gũi. Trang Facebook Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục cũng có đến 2,2 triệu người theo dõi; Thùy Tiên có 2,6 triệu người theo dõi.

Đây không phải là lần đầu tiên nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo các sản phẩm không đảm bảo chất lượng, gây bức xúc trong cộng đồng. Những năm gần đây, nhiều vụ việc tương tự đã xảy ra, cho thấy sự thiếu trách nhiệm của những người có tầm ảnh hưởng trong xã hội. Không ít nghệ sĩ nổi tiếng, những cái tên được công chúng yêu mến như Cát Tường, Hồng Vân, Hoa hậu Mai Phương Thúy,... cũng từng bị cộng đồng mạng lên án vì quảng cáo thổi phồng công dụng sản phẩm và đã phải xin lỗi công khai vì quảng cáo sản phẩm không qua kiểm chứng.

Mạnh tay với hành vi quảng cáo sai sự thật

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, Luật sư Nguyễn Quốc Toản – Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh cho biết: Hiện nay, chưa có quy định riêng biệt về trách nhiệm của người nổi tiếng, diễn viên, nghệ sĩ có hành vi quảng cáo sản phẩm, dịch vụ không đúng sự thật. Mà việc xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo được quy định áp dụng đối với cá nhân nói chung không phân biệt là người nổi tiếng hay cá nhân khác và tổ chức vi phạm.

"Những trường hợp người nổi tiếng, diễn viên hay nghệ sĩ đều chịu sự điều chỉnh của pháp luật. Khi tham gia quảng cáo sản phẩm, dịch vụ, họ phải tuân thủ theo pháp luật hiện hành như Luật Quảng cáo 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2018) và một số văn bản liên quan. Cụ thể, tại Điều 8 Luật Quảng cáo quy định cụ thể về các hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo; tại Điều 3 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định về các hình thức xử phạt. Ngoài ra, người tham gia quảng cáo có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 197 Bộ Luật hình sự tội quảng cáo gian dối" - Luật sư Toản chia sẻ.

Luật sư Toản cũng nhấn mạnh thêm, với góc độ pháp lý, người tiêu dùng có quyền khởi kiện hoặc yêu cầu bồi thường thiệt hại từ người nổi tiếng nếu họ chứng minh được hậu quả do quảng cáo sai gây ra. Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Điều 4 quy định về quyền của người tiêu dùng, họ được quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh bồi thường thiệt hại khi sản phẩm có khuyết tật, không phù hợp tiêu chuẩn, không đảm bảo an toàn, hay không đúng như quảng cáo. Người tiêu dùng có quyền khởi kiện dân sự nếu chứng minh được rằng họ bị thiệt hại và có mối liên hệ nhân quả giữa thiệt hại và hành vi quảng cáo sai sự thật.

Quảng cáo sai sự thật: Lỗ hổng trách nhiệm, vấn đề đạo đức
Luật sư Nguyễn Văn Tứ - Đoàn luật sư TP. Đà Nẵng

Tương tự, Luật sư Nguyễn Văn Tứ - Đoàn luật sư TP. Đà Nẵng cũng đã có những chia sẻ, trong bối cảnh quảng cáo ngày càng phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trên các nền tảng số và mạng xã hội, vấn đề quảng cáo sai lệch đang thu hút sự quan tâm của nhiều người, đặc biệt là khi các nghệ sĩ, diễn viên, người nổi tiếng tham gia quảng bá sản phẩm.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy có nhiều trường hợp nghệ sĩ quảng cáo thực phẩm chức năng, mỹ phẩm hoặc phóng đại công dụng của sản phẩm, nhưng dường như chưa có cơ quan nào thực sự chịu trách nhiệm xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm này. Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch,… là những cơ quan có thẩm quyền trong việc ra quyết định xử phạt nhưng chưa đủ mạnh mẽ trong việc ngăn chặn tình trạng này.

Luật sư Tứ cũng chỉ ra rằng, với sự phát triển của công nghệ số và mạng xã hội, các nội dung quảng cáo được phát sóng tràn lan, làm cho việc kiểm soát và xử lý vi phạm trở nên khó khăn hơn. Hầu hết các trường hợp vi phạm trong hoạt động quảng cáo đều do người tiêu dùng phát hiện và phản ánh, điều này cho thấy cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành liên quan, như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Y tế, trong việc thanh tra, kiểm tra và theo dõi các hành vi vi phạm.

Ngoài ra các cơ quan, đơn vị như Cục Nghệ thuật Biểu diễn cần quán triệt tới các nghệ sĩ và diễn viên, yêu cầu họ thực hiện nghiêm quy định pháp luật trong hoạt động quảng cáo.

Để hoàn thiện luật pháp và cơ chế quản lý, giám sát hoạt động quảng cáo, đặc biệt với đối tượng người nổi tiếng có tầm ảnh hưởng lớn, Luật sư Nguyễn Văn Tứ đã đề xuất những sửa đổi và bổ sung cần thiết. Theo đó, cần có điều khoản cụ thể điều chỉnh hành vi quảng cáo sai sự thật của người nổi tiếng trên mạng xã hội. Người có tầm ảnh hưởng phải chịu trách nhiệm trước luật pháp và Luật Quảng cáo liên quan đến sản phẩm mình quảng cáo, đồng thời phải xác minh cụ thể về nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng sản phẩm.

“Cần quy định rõ ràng yêu cầu người quảng cáo phải có bằng chứng cụ thể về việc họ đã trực tiếp sử dụng sản phẩm trước khi đăng tải thông tin, cảm nhận về sản phẩm, dịch vụ. Đặc biệt, cần tăng thêm chế tài xử phạt, kể cả việc cấm không cho quảng cáo và có thể áp dụng nhiều biện pháp hạn chế hoạt động nghệ thuật, xuất hiện trên truyền thông và mạng xã hội của các cá nhân vi phạm - Luật sư Tứ nhấn mạnh.

Mới đây, chiều 6/4, tại họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Lê Hải Bình cho biết với sự phát triển của mạng xã hội hiện nay, nhiều ca sĩ, diễn viên, người nổi tiếng tham gia quảng cáo sản phẩm trên không gian mạng rất phổ biến. Các hoạt động này được điều chỉnh bởi quy định pháp luật, trong đó có Luật Quảng cáo.

Thời gian qua Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cùng với Bộ Thông tin và Truyền thông (cũ) đã có nhiều biện pháp kiểm tra, giám sát, xử lý tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực này. Đơn cử cuối năm 2021, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Sau đó, Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch ban hành Bộ Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật trên mạng xã hội.

Các cơ quan đang sửa Luật Quảng cáo, trong đó đề xuất bổ sung nhiều quy định nêu rõ trách nhiệm của người nổi tiếng khi quảng cáo sản phẩm trên mạng xã hội. Người nổi tiếng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi quảng cáo sản phẩm.

Đơn cử, cơ quan quản lý sẽ tăng chế tài xử phạt hoặc cấm người nổi tiếng tham gia quảng cáo trên mạng xã hội, nếu họ vi phạm hoặc quảng cáo sai sự thật. Những người này cũng có thể bị hạn chế hoạt động nghệ thuật, hạn chế xuất hiện trên truyền thông, mạng xã hội nếu vi phạm.

Ngày 3/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án sản xuất hàng giả là thực phẩm và lừa dối khách hàng liên quan Công Ty Cổ phần Asia Life và Công ty CP Tập đoàn Chị Em Rọt.

Cùng ngày, Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng khởi tố 5 bị can gồm: Nguyễn Phong, Chủ tịch HĐQT Công Ty Cổ phần Asia Life về tội sản xuất hàng giả là thực phẩm.

Khởi tố Lê Tuấn Linh, Giám đốc, đại diện pháp luật Công ty cổ phần Tập đoàn Chị Em Rọt; Lê Thành Công, thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Chị Em Rọt; Phạm Quang Linh, còn gọi là Quang Linh Vlog, thành viên hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Chị Em Rọt; Nguyễn Thị Thái Hằng, còn gọi là Hằng "Du mục", Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần Tập đoàn Chị Em Rọt. Các bị can này bị khởi tố về tội lừa dối khách hàng.

Lê Sơn - Hiền Mai

Bản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.