Cộng đồng mạng réo tên, Sư Tử Ăn Chay lên tiếng xin lỗi
Những ngày vừa qua, sau khi Hằng Du Mục và Quang Linh Vlogs bị khởi tố, một số người đã vào các nền tảng mạng xã hội của Tiktoker với nickname Sư Tử Ăn Chay (tên thật là Quách Thanh Lâm, sinh năm 1999, TP. Hồ Chí Minh) và đưa ra những ý kiến trái chiều.
Thậm chí có người còn cho rằng chính nam Tiktoker là người "khơi mào" vụ kẹo rau Kera, đẩy Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục đến kết cục bị điều tra, khởi tố. Sau khi bị một bộ phận người xem "tấn công", Sư Tử Ăn Chay" đã đăng tải video xin lỗi về việc tự ý đưa sản phẩm kẹo rau Kera đi kiểm định và công bố kết quả trên mạng xã hội. Anh thừa nhận đã làm sai quy trình và nhận trách nhiệm về sai sót này.
![]() |
Titoker Sư Tử Ăn Chay xin lỗi về sai sót của mình trong việc đưa kẹo rau Kera đi kiểm định. Nguồn: Sư Tử Ăn Chay |
Sư Tử Ăn Chay cũng thừa nhận rằng, việc tự ý kiểm định và công bố kết quả có thể gây rủi ro pháp lý. Bởi theo Điều 45 Luật An toàn thực phẩm 2010, việc kiểm nghiệm thực phẩm phải được thực hiện theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân liên quan hoặc phục vụ hoạt động quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.
Sư Tử Ăn Chay cho hay anh ý thức được một phần sai sót trong sự việc tự ý đem sản phẩm kẹo rau Kera đi kiểm nghiệm và đăng tải kết quả công khai lên mạng xã hội. Đồng thời nhấn mạnh rằng, chỉ cơ quan chức năng mới có quyền kết luận sự việc.
Trước đó, Titoker Sử Tử Ăn Chay cho biết, đã đưa kẹo rau Kera đi kiểm định tại Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Quatest) và công bố kết quả cho thấy hàm lượng chất xơ thấp hơn so với quảng cáo. Hành động này đã gây tranh cãi và dẫn đến việc anh bị chỉ trích trên mạng xã hội, đặc biệt sau khi Hằng Du Mục và Quang Linh Vlogs bị khởi tố.
Cẩn trọng khi đưa kết quả kiểm nghiệm lên mạng xã hội
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương về vấn đề trên, Luật sư Nguyễn Đỗ Sơn, đồng thời là một chuyên gia trong lĩnh vực chứng nhận sản phẩm cho biết, pháp luật hiện nay không có quy định cấm một cá nhân mang sản phẩm đi kiểm nghiệm, kiểm định chất lượng.
Việc một kết quả kiểm nghiệm được công bố rộng rãi có thể tạo ra hai kết quả đối lập. Trường hợp thứ nhất, kết quả thử nghiệm nếu tốt sẽ là cơ sở để tăng niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm.
Ngược lại, nếu kết quả thử nghiệm được công bố cho thấy sản phẩm không tốt, không đáp ứng các chỉ tiêu chất lượng thì đây sẽ là một yếu tố khiến người dùng quay lưng với sản phẩm và nhà sản xuất. Đây cũng là cơ sở để cơ quan chức năng vào cuộc điều tra sản phẩm nếu thấy có dấu hiệu vi phạm chất lượng.
Tuy nhiên, cần nhìn nhận một cách khách quan các kết quả kiểm nghiệm. Bởi kết quả kiểm nghiệm thường chỉ đại diện cho một mẫu thử nghiệm để cho ra kết quả đó chứ không mang tính đại diện, bao quát cho tất cả các sản phẩm.
Từ lý do này, việc công bố kết quả kiểm nghiệm lên mạng xã hội cũng sẽ giống như một "con dao hai lưỡi" khi nó có thể khiến người tiêu dùng nhầm lẫn về bản chất của kiểm nghiệm.
"Qua sự việc của Tiktoker Sư Tử Ăn Chay cho thấy, việc công bố kết quả kiểm nghiệm lên mạng xã hội có thể gây hiểu lầm về tính đại diện của kết quả thử nghiệm. Kết quả thử nghiệm chỉ có giá trị trên mẫu thử – nghĩa là chỉ đúng với mẫu cụ thể đó, không đại diện cho toàn bộ lô sản phẩm hay tất cả các sản phẩm đang lưu hành.
Khi một cá nhân công bố kết quả kiểm nghiệm mà không giải thích rõ điều này, người xem dễ hiểu lầm rằng tất cả sản phẩm đều có chất lượng kém. Điều này là thiếu cơ sở khoa học và pháp lý.
Chưa dừng lại ở đó, việc kiểm nghiệm được thực hiện bởi ai, quy trình thế nào cũng là điều đáng bàn. Kết quả kiểm nghiệm sẽ chính xác hơn nhiều nếu được thực hiện bởi cơ quan chức năng, giám sát quá trình lấy mẫu, thử nghiệm chặt chẽ".
Cũng theo Luật sư Nguyễn Đỗ Sơn, việc đưa các thông tin thiếu tính toàn diện, thiếu khách quan và đầy đủ lên mạng xã hội có thể gây thiệt hại cho các cơ sở sản xuất và phân phối sản phẩm.
![]() |
Sư Tử Ăn Chay từng công bố kết quả kiểm nghiệm kẹo rau Kera lên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình |
Bởi trên thực tế, một kết quả kiểm nghiệm khi lan truyền có thể tạo ra hiệu ứng domino tiêu cực, làm sụt giảm niềm tin của người tiêu dùng với sản phẩm. Trong khi chưa có kết luận chính thức từ cơ quan chức năng, việc “gắn mác kém chất lượng” cho sản phẩm có thể vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp – đặc biệt trong môi trường kinh doanh cạnh tranh như hiện nay.
"Dù với mục đích cảnh báo người tiêu dùng, Tiktoker cũng cần tôn trọng quy trình kiểm chứng thông tin. Việc đưa tin thiếu kiểm duyệt, chưa xác minh toàn diện, thậm chí mang tính khẳng định như một “bản án”, là hành vi phiến diện, dễ gây kích động và mất kiểm soát thông tin.
Để xác định các lô sản phẩm có kém chất lượng hay không, không chỉ nên dựa vào kết quả kiểm nghiệm. Điều cần làm là xác định rõ nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm (nhập từ nơi nào, có uy tín và đảm bảo chất lượng hay không), kết quả kiểm nghiệm do cơ quan chức năng tiến hành", Luật sư Nguyễn Đỗ Sơn nói thêm.
Nhìn nhận toàn bộ sự việc, có thể thấy, việc Sư Tử Ăn Chay mang sản phẩm kẹo Kera của nhóm Quang Linh Vlogs đi kiểm nghiệm và công bố kết quả dù có thể xuất phát từ động cơ cá nhân tốt, nhưng cách làm lại gây ra hiểu lầm, có thể ảnh hưởng đến hình ảnh doanh nghiệp và gây rối loạn thị trường thông tin.
Nhiều ý kiến cho rằng, đây là bài học sâu sắc cho không chỉ Sư Tử Ăn Chay mà còn có các nhà sáng tạo nội dung khác về việc tuân thủ quy trình kiểm nghiệm và công bố thông tin. Người tiêu dùng cũng nên cẩn trọng và tìm hiểu kỹ trước khi tin tưởng vào các thông tin chưa được kiểm chứng đầy đủ. Đồng thời, các cá nhân và tổ chức cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình khi chia sẻ thông tin liên quan đến sức khỏe cộng đồng. |