Lạng Sơn: Phát triển cụm công nghiệp 2025-2030 có gì mới?

Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn vừa ban hành Kế hoạch thực hiện phương án phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn giai đoạn 2025 - 2030.
Lạng Sơn: Mở rộng kênh tiêu thụ cho nông sản thế mạnh Lạng Sơn thành lập 4 tổ công tác kiểm tra các dự án đầu tư Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn kiểm tra, đôn đốc tiến độ 4 tuyến cao tốc trọng điểm phía bắc

Phấn đấu mỗi huyện có ít nhất một cụm công nghiệp

Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn vừa ban hành Kế hoạch thực hiện phương án phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2025 - 2030.

Công nghiệp Lạng Sơn
Hoạt động sản xuất trong các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Anh Tuấn

Kế hoạch nêu rõ phương hướng: Phát triển các cụm công nghiệp phải đảm bảo sự phát triển bền vững về kinh tế, xã hội, dịch vụ và môi trường; đảm bảo sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả tài nguyên đất đai, gắn với yêu cầu bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển công nghiệp hợp lý và gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh vững mạnh trong các giai đoạn phát triển.

Phát triển cụm công nghiệp đảm bảo tài chính và nguồn lực đầu tư; đa dạng hóa các hình thức đầu tư, huy động các nguồn lực tổng hợp của mọi thành phần kinh tế để thúc đẩy phát triển hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp trên địa bàn. Phát triển sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh gắn kết Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới.

Tập trung đầu tư xây dựng hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp, khắc phục kịp thời ô nhiễm môi trường; nâng cao tỷ lệ lấp đầy các cụm công nghiệp. Thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về sử dụng quỹ đất cụm công nghiệp phục vụ phát triển sản xuất công nghiệp.

Về mục tiêu, đẩy mạnh thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp có trong quy hoạch để đảm bảo đủ quỹ đất phục vụ phát triển sản xuất công nghiệp tỉnh Lạng Sơn đến năm 2030.

Phấn đấu tốc độ tăng thêm bình quân giá trị ngành công nghiệp giai đoạn 2025-2030 đạt từ 12 -14%/năm; tỷ trọng ngành công nghiệp trong tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 15 - 17% vào năm 2030.

Năm 2025 hoàn thành hạ tầng kỹ thuật và đưa vào hoạt động ít nhất 3 - 4 cụm công nghiệp với tỷ lệ lấp đầy mỗi cụm đạt trên 30%. Đến năm 2030 phấn đấu mỗi huyện đầu tư được ít nhất một cụm công nghiệp đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy mỗi cụm cơ bản đạt trên 50%.

100% cụm công nghiệp được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung, hệ thống phòng cháy, chữa cháy đạt tiêu chuẩn theo quy định pháp luật.

Theo kế hoạch, hoạt động đầu tư, phát triển cụm công nghiệp chủ yếu sử dụng nguồn vốn từ doanh nghiệp; cần tập trung thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực về vốn, kinh nghiệm làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp trên địa bàn.

Bên cạnh đó, xây dựng, trình UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp trên địa bàn; tiếp tục lồng ghép có hiệu quả với các chương trình mục tiêu quốc gia, vốn từ chương trình xây dựng nông thôn mới và của tỉnh với các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngoài hàng rào cụm công nghiệp.

Đối với cụm công nghiệp do nhà nước tiếp tục làm chủ đầu tư, UBND cấp huyện có trách nhiệm bố trí vốn đảm bảo duy trì các điều kiện đầu tư, phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn.

Kế hoạch cũng nêu rõ: Cung cấp thông tin, hỗ trợ, tư vấn đầu tư cho các nhà đầu tư; tổ chức các hoạt động xúc tiến, kết nối giao thương và thực hiện các sự kiện thu hút đầu tư, ưu tiên thu hút, lựa chọn doanh nghiệp làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, tăng cường xã hội hóa trong đầu tư phát triển. Thực hiện công khai minh bạch các chính sách có liên quan đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp.

Phối hợp với chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp xây dựng kế hoạch và thực hiện các hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư theo hướng chủ động, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát, tích cực hỗ trợ nhà đầu tư thứ cấp có tiềm năng sau mỗi đợt xúc tiến.

Bố trí đủ quỹ đất cụm công nghiệp và mặt bằng sạch đáp ứng nhu cầu trước mắt cũng như lâu dài các dự án đầu tư trong cụm công nghiệp. Ưu tiên bố trí quỹ đất và thu hút đầu tư các ngành công nghiệp giải quyết nhiều lao động, đóng góp lớn vào giá trị gia tăng công nghiệp và nguồn thu ngân sách nhà nước.

Quan tâm công tác hỗ trợ nhà đầu tư từ khâu chuẩn bị, cho đến khi dự án đi vào hoạt động; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư nhằm rút ngắn thời gian đầu tư, định hướng nhà đầu tư thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Thường xuyên rà soát tiến độ đầu tư, hiệu quả hoạt động của các cụm công nghiệp, đảm bảo phù hợp điều kiện thực tế của địa phương, hiệu quả sử dụng đất và tuân thủ quy định của pháp luật, nhất là pháp luật về xây dựng, đất đai, bảo vệ môi trường và lâm nghiệp; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cụm công nghiệp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (nếu có) trên địa bàn.

Nhiều cụm công nghiệp đang có nhà đầu tư quan tâm

Theo phương án phát triển cụm công nghiệp trong Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, có 38 cụm công nghiệp, tổng diện tích khoảng 1.952 ha.

Trong giai đoạn đến năm 2030, sẽ triển khai đầu tư 24 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 1.156,77 ha, trong đó: 1 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động ; 9 cụm công nghiệp đã được thành lập, đang thực hiện đầu tư, diện tích là 410 ha; 14 cụm công nghiệp còn lại đang mời gọi nhà đầu tư hạ tầng, diện tích khoảng 738 ha; giai đoạn sau năm 2030: tập trung triển khai các cụm công nghiệp còn lại.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Công Thương, đến nay, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có 10/38 cụm công nghiệp được thành lập với diện tích khoảng 418,5 ha. Đồng thời, hiện đã có 7/10 cụm công nghiệp được phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500.

Trong đó, ngoài 1 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, hiện có 3 cụm công nghiệp đã khởi công (Cụm công nghiệp Đình Lập; Hồ Sơn 1; Bắc Sơn 2); 6 cụm công nghiệp còn lại mới được thành lập, đang hoàn thành các thủ tục đầu tư để khởi công, xây dựng hạ tầng kỹ thuật.

Một số cụm công nghiệp đang có nhà đầu tư quan tâm, đề xuất đầu tư gồm: Cụm công nghiệp Minh Sơn, xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng, diện tích 55 ha; Cụm công nghiệp phía Đông Nam thị trấn Đồng Mỏ, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng, diện tích 70 ha; Cụm công nghiệp số 1 Kháng Chiến, xã Kháng Chiến, huyện Tràng Định, diện tích 60 ha; Cụm công nghiệp Tân Văn, xã Tân Văn, huyện Bình Gia, diện tích 30 ha; Cụm công nghiệp Quảng Lạc, xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn, diện tích 50 ha; Cụm công nghiệp Văn Lãng, diện tích 47,87 ha và Cụm công nghiệp Văn Lãng 2, diện tích 39,5 ha tại xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng.

Giai đoạn 2026 - 2030, tỉnh Lạng Sơn tiếp tục thu hút đầu tư hoàn thiện hạ tầng các cụm công nghiệp theo quy hoạch, phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, tạo việc làm và đóng góp vào ngân sách của tỉnh. Sẽ thu hút đầu tư thành lập các cụm công nghiệp, tổng diện tích khoảng 319,5 ha.
Quỳnh Nga

Bản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.