14:16 | 25/02/2025
Nhà thơ Dương Kỳ Anh (tên thật Dương Xuân Nam) đã qua đời vào sáng 25/2 sau thời gian chống chọi với bạo bệnh, hưởng thọ 77 tuổi. Sự ra đi đột ngột của nhà thơ Dương Kỳ Anh khiến đồng nghiệp, bạn bè bàng hoàng, tiếc thương. Trên trang cá nhân, nhà thơ Trần Hữu Việt bày tỏ sự tiếc thương: "Thương tiếc nhà thơ Dương Kỳ Anh, người thủ trưởng đặc biệt những năm đầu làm báo Tiền Phong".
Nhà thơ Dương Kỳ Anh tên thật là Dương Xuân Nam, sinh năm 1948 tại Xuyên Cẩm (nay là thôn Trần Phú), xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Ông nguyên là Tổng Biên tập Báo Tiền Phong, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 1972, sau khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp ngành Ngữ Văn, ông gia nhập Quân đội Nhân dân Việt Nam, là sĩ quan điều khiển tên lửa. Năm 1975, ông về công tác tại Báo Tiền Phong cho đến lúc nghỉ hưu.
![]() |
Nhà thơ Dương Kỳ Anh. (Ảnh Facebook Nhà thơ Dương Kỳ Anh) |
Ông Dương Kỳ Anh là một trong những nhà thơ, nhà báo hiếm hoi của Việt Nam được ghi tên trong từ điển "Danh nhân Văn hóa Thế giới" (Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương).
Đặc biệt, ông là người tiên phong khởi xướng cuộc thi sắc đẹp đầu tiên của Việt Nam; đồng thời là người đảm nhiệm vai trò Trưởng Ban Tổ chức, Trưởng Ban giám khảo Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam.
Ông từng đoạt giải thưởng của tạp chí Văn nghệ Quân đội 1988, Giải thưởng bài thơ hay do Báo Nhân Dân tuyển chọn 1988, Giải đặc biệt giải thưởng Văn học nghệ thuật Nguyễn Du với tiểu thuyết Xuyên Cẩm năm 2005. Một số tác phẩm nổi tiếng gắn liền với tên tuổi của ông đã xuất bản như: Và anh đợi (1987); Đi qua thời gian (1992); Bông hoa lạ (1994); Bài phóng sự (2000); Miền ký ức (2001); Bức ảnh thứ hai (2001); Chị Huệ làng Tảo Trang (2003) Xuyên Cẩm (2004); Thơ Dương Kỳ Anh (2005); Thổ địa (2006); Cõi Ta Bà (2008) Hoa hậu và những chuyện bên lề các cuộc thi Hoa hậu Việt Nam (1998) Những chuyện ít được kể giữa lòng Châu Âu (2000); Ai là người giàu nhất Việt Nam (2006)…
Trước ngày qua đời, nhà thơ Dương Kỳ Anh đã đăng trên trang Facebook cá nhân bài thơ "Đợi em trong hội" được in trên Báo Nông thôn ngày nay. Được biết, đây là tác phẩm ông viết tại nhà vườn của gia đình ở Sóc Sơn, Hà Nội.
Bài thơ "Đợi em trong hội":
Cũng vì mê giọng hát em
Anh tìm cô Tấm trong đêm hội chèo
Sông Hồng có rộng bao nhiêu
Sao em không bắc cầu kiều anh sang
Nghe heo may, ngọn lúa vàng
Sương đêm chớm lạnh, trời đang chuyển mùa
Bùn se ngõ nhỏ người qua
Sáng dần ngọn trúc, la đà trăng lên
Sân đình đông chật người chen
Tìm em, anh biết tìm em chốn nào
Bỗng nghe một tiếng ai chào
Giật mình... Em đã đi vào động tiên!
Ngẩn ngơ anh tiếc người hiền
Mới hay em ở trong đêm hội chèo
Mới hay sau buổi gặt chiều
Em thành cô Tấm dập dìu hội xuân...
Bao mùa cây lúa đâm bông
Bao nhiêu mưa nắng ngoài đồng em ơi
Bao nhiêu thế kỷ qua rồi
Câu chèo ngọt miệng vẫn lời riêng em
Vẫn lời riêng của nước non
Dẫu cho trăng khuyết, trăng tròn ở đâu!
Đợi em tan hội còn lâu
Thôi thì đứng nhẩm dăm câu hát chèo...
Đường dẫn bài viết: https://congthuong.vn/tac-pham-cuoi-cung-cua-nha-tho-duong-ky-anh-375524.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.