Gia Lai quyết tâm hoàn thành xoá nhà tạm, nhà dột nát

Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát có ý nghĩa sâu sắc, mang tính nhân văn cao, giúp những hộ khó khăn ở Gia Lai có nơi ở ổn định, vươn lên trong cuộc sống.
Quà Valentine đa dạng, nhiều chương trình khuyến mãi ở Gia Lai 'Choáng ngợp' bộ sưu tập dàn âm thanh cổ ở Gia Lai Nam sinh lan toả đam mê học tiếng Anh ở Gia Lai

Huy động mọi nguồn lực xã hội

Cùng với cả nước, tỉnh Gia Lai đã và đang huy động nhiều nguồn lực tập trung triển khai thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân trên địa bàn với tinh thần khẩn trương.

Những ngày qua, ông Đôn (làng Ktu, xã Chư Á, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) rất phấn khởi khi chỉ hơn 1 tháng nữa cả gia đình ông sẽ được chuyển vào sinh sống ở ngôi nhà mới kiên cố, khang trang hơn. Ông Đôn là 1 trong 14 hộ gia đình của xã Chư Á được hỗ trợ 60 triệu đồng xây dựng nhà ở theo chương trình chung tay xoá nhà tạm, nhà dột nát.

Đang tham gia đào móng để xây dựng căn nhà mới, ông Đôn cho hay: “Căn nhà mà tôi đang ở xây dựng cách đây mấy chục năm, nay đã xuống cấp, trời mưa bão cả nhà tôi phải tìm chỗ khác để tránh nạn. Ao ước căn nhà kiên cố đã lâu song mãi mà vẫn chưa tích cóp đủ để xây mới. Nay được địa phương hỗ trợ xây nhà, gia đình chúng tôi vô cùng hạnh phúc và biết ơn”.

chương trình xoá nhà tạm nhà dột nát
Chính quyền địa phương xã Chư Á (TP. Pleiku) đào móng khởi công xây dựng căn nhà cho hộ ông Đôn

Cũng như ông Đôn, gia đình ông Siu Kra (làng C, xã Gào, TP. Pleiku) đang gặp khó khăn về nhà ở. Căn nhà của gia đình ông Siu Kra đã xuống cấp, mỗi khi trời mưa là bị dột, nước ngập. Trong khi đó, điều kiện kinh tế không cho phép gia đình ông tự cất lại ngôi nhà mới. Hạnh phúc thay, trong danh sách 22 hộ được triển khai chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn xã Gào có tên của hộ ông Siu Kra.

“Được nhận hỗ trợ từ chương trình, tôi mừng lắm. Đây là cơ hội để gia đình có một căn nhà vững chãi, không còn phải lo lắng mỗi khi trời mưa. Tôi cảm ơn chính quyền đã quan tâm và tạo điều kiện cho những hộ nghèo như gia đình tôi” - ông Siu Kra bày tỏ.

chương trình xoá nhà tạm nhà dột nát
Lễ ra quân xoá nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn TP. Pleiku

Theo quyết định về việc phê duyệt danh sách nhu cầu xóa nhà tạm, nhà dột nát, trên địa bàn TP. Pleiku có 69 nhà cần xây dựng mới, sửa chữa. Trong đó có 41 hộ xây dựng mới và 28 hộ sửa chữa. Kinh phí hỗ trợ 60 triệu đồng/nhà xây dựng mới và 30 triệu đồng/nhà sửa chữa.

Ông Trịnh Duy Thuân - Bí thư Thành uỷ Pleiku cho biết: Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Do đó đề nghị các cấp, ngành, đơn vị, địa phương phát huy tinh thần “Tương thân tương ái”, “Lá lành đùm lá rách”, “Lá rách ít đùm lá rách nhiều” để cùng hoàn thành mục tiêu, chương trình đã đề ra. Đồng thời có lộ trình cụ thể trong triển khai thực hiện, đảm bảo thời gian hoàn thành và chất lượng ngôi nhà xây dựng, sửa chữa theo đúng quy định. Địa phương có số lượng ít phấn đấu hoàn thành sớm nhất có thể; địa phương số lượng nhiều hơn phấn đấu chậm nhất trung tuần tháng 4/2025 hoàn thành.

Quyết làm và làm thật sự có hiệu quả

Theo thống kê, toàn tỉnh Gia Lai có 8.485 nhà tạm, nhà dột nát cần xây dựng, sửa chữa với tổng kinh phí 459,390 tỷ đồng. Trong đó, 248 căn dành cho gia đình chính sách người có công, 5.354 căn cho hộ nghèo và 2.576 căn cho hộ cận nghèo. Mức hỗ trợ được quy định là 60 triệu đồng/hộ đối với xây mới và 30 triệu đồng/hộ đối với sửa chữa.

chương trình xoá nhà tạm nhà dột nát
Lực lượng chức năng hỗ trợ xây dựng căn nhà cho ông Siu Kra (xã Gào, TP. Pleiku)

Theo thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Gia Lai, đến nay, các địa phương trong tỉnh đã khởi công xây dựng, sửa chữa 718 nhà tạm, nhà dột nát. Trong đó, 33 nhà cho gia đình chính sách, người có công (xây dựng 23 nhà, sửa chữa 10 nhà); 197 nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng 188 nhà, sửa chữa 9 nhà); 488 nhà cho hộ nghèo, cận nghèo từ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát (xây dựng 408 nhà, sửa chữa 80 nhà).

Đến nay, nguồn kinh phí công khai sẽ đưa về cho tỉnh để thực hiện chương trình là 241 tỷ đồng (Bộ Công an 231 tỷ đồng; Tập đoàn KN HOLDINGS 10 tỷ đồng); từ nguồn kinh phí tiết kiệm chi 5% của tỉnh và các địa phương là 87 tỷ đồng.

Ông Hồ Văn Niên - Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai - cho biết: Tỉnh quyết tâm hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trong 6 tháng đầu năm 2025. Đây là quyết tâm chính trị lớn của tỉnh. Các địa phương phải quyết tâm, quyết liệt, quyết làm và làm thật sự có hiệu quả. Trong đó, phải tính toán cụ thể, xác định rõ mỗi ngày cần phải xóa bao nhiêu nhà tạm, nhà dột nát.

Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị các địa phương tiếp tục kêu gọi, tiếp nhận các nguồn lực trong xã hội để thực hiện chương trình. Thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh tiếp tục làm việc với các cơ quan trung ương để có hỗ trợ thêm với tỉnh.

Sở Xây dựng tỉnh Gia Lai có Văn bản số 162/SXD-QLCL ngày 7/2/2025 về việc triển khai Quyết định số 55/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng về hướng dẫn tiêu chí nhà tạm, nhà dột nát.

Quyết định số 55/QĐ-BXD nêu rõ, nhà tạm, nhà dột nát là nhà ở được xây dựng trên đất ở không có tranh chấp và đáp ứng một trong các tiêu chí về diện tích nhà ở, kết cấu nhà ở, thời gian sử dụng...

Cụ thể diện tích nhà ở, đối với hộ đơn thân thì có diện tích nhỏ hơn 18 m2; đối với trường hợp hộ gia đình thì có diện tích nhỏ hơn 30 m2 và diện tích bình quân đầu người nhỏ hơn 8 m2.

Về kết cấu nhà ở: Nhà ở có kết cấu không bền chắc là nhà ở có ít nhất hai trong ba kết cấu chính bao gồm nền-móng, khung-tường, mái được làm bằng vật liệu không bền chắc, không đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Thời gian sử dụng: Nhà ở được xây dựng bằng vật liệu bền chắc có thời gian sử dụng từ 20 năm trở lên, chưa được cải tạo, sửa chữa, hiện đã xuống cấp, hư hỏng, không đảm bảo an toàn khi sử dụng...

Bài và ảnh: Hiền Mai

Bản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.