Tương lai thỏa thuận ngừng bắn Israel - Hamas ngày càng mong manh

Cam kết 'giao tranh dữ dội' với Hamas của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang khiến tương lai thỏa thuận ngừng bắn giữa hai bên mong manh hơn bao giờ hết.
Những thách thức với thỏa thuận ngừng bắn Israel-Hezbollah Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ tiếp quản dải Gaza Hamas “không thể” thống kê có bao nhiêu con tin sống sót, thừa nhận lệnh ngừng bắn có thể sớm đạt được

Tờ New York Times nhận định: Tương lai của lệnh ngừng bắn ở Gaza và số phận lâu dài của vùng lãnh thổ này đang mong manh hơn bao giờ hết, sau khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã gửi "tối hậu thư" tới Hamas.

Thủ tướng Netanyahu cam kết sẽ tiếp tục chiến đấu với Hamas. Ảnh: Sky News
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cam kết sẽ tiếp tục giao tranh với Hamas. Ảnh: Sky News

Cụ thể, trong một video được đăng tải sau cuộc họp kéo dài bốn giờ với nội các an ninh Israel vào tối 11/2 (giờ địa phương), Thủ tướng Netanyahu khẳng định rằng, ông và các cố vấn cấp cao của mình đã bị sốc trước vẻ ngoài gầy gò của ba con tin Israel được thả vào hôm 8/1, và cảnh báo sẽ có động thái đáp trả Hamas.

"Quyết định mà chúng tôi đã nhất trí thông qua trong nội các là: Nếu Hamas không trả lại các con tin của chúng tôi vào trưa thứ Bảy, lệnh ngừng bắn sẽ kết thúc và Lực lượng Phòng vệ Israel sẽ tiếp tục giao tranh dữ dội cho đến khi Hamas bị đánh bại hoàn toàn", ông Netanyahu tuyên bố.

Lời cảnh báo của ông Netanyahu được đưa ra sau khi đại diện Hamas tuyên bố vào hôm 10/2 rằng, họ sẽ hoãn đợt thả con tin tiếp theo. Trong tuyên bố, đại diện Hamas đã cáo buộc Israel vi phạm một số phần của thỏa thuận ngừng bắn, bao gồm cả việc làm chậm quá trình viện trợ nhân đạo ở bên trong và bên ngoài dải Gaza. Tuy vậy, Thủ tướng Israel đã bác bỏ cáo buộc trên và cho rằng, chính Hamas đã vi phạm thỏa thuận ngừng bắn.

Nguyên nhân đằng sau tuyên bố của Hamas và Israel

Bế tắc trong tiến trình đàm phán hiện tại bắt nguồn từ cáo buộc của Hamas rằng Israel đã không giữ lời hứa trong giai đoạn đầu của lệnh ngừng bắn. Israel được yêu cầu gửi hàng trăm nghìn lều trại vào Gaza, nhưng phía Hamas cho biết, Israel đã không giữ lời.

Theo chia sẻ của 3 quan chức Israel và hai quan chức từ các nước trung gian với tờ New York Times, tuyên bố của Hamas là chính xác. Nhưng COGAT, đơn vị quân đội Israel giám sát việc cung cấp viện trợ, cho biết trong một văn bản rằng những cáo buộc của Hamas là "hoàn toàn sai sự thật".

Tuyên bố của COGAT khẳng định: "Hàng trăm nghìn lều trại đã được vận chuyển vào Gaza kể từ khi thỏa thuận bắt đầu, cũng như nhiên liệu, máy phát điện và mọi thứ mà Israel đã cam kết".

Bất chấp điều đó, các quan chức và nhà phân tích cho biết tranh chấp có thể được giải quyết tương đối dễ dàng nếu Israel cho phép nhiều viện trợ hơn cho Gaza. Tuy vậy, nhiều nhà phân tích lo ngại rằng bản thân Thủ tướng Israel cũng đang làm suy yếu các nỗ lực đàm phán về một lệnh ngừng bắn kéo dài.

Dù các cuộc đàm phán này đã bắt đầu tại Qatar vào đầu tuần trước, nhưng ông Netanyahu đã trì hoãn việc cử đại diện Israel đến Qatar cho đến đầu tuần này.

Theo 5 quan chức Israel và 1 quan chức từ quốc gia trung gian, những quan chức trong phái đoàn của Israel chưa từng dẫn đầu nỗ lực đàm phán của nước đây trước đây. Các nguồn tin ẩn danh này cho biết, nhiệm vụ của phái đoàn Israel chỉ là lắng nghe, không phải đàm phán.

Ngược lại, ông Omer Dostri, phát ngôn viên của nhà lãnh đạo Israel, chia sẻ với tờ New York Times rằng ông Netanyahu "đang làm việc không biết mệt mỏi để trả lại tất cả các con tin bị Hamas bắt giữ". Ông Dostri nói thêm rằng Israel sẽ cử các nhà đàm phán đến thảo luận về việc gia hạn thỏa thuận sau khi nội các đưa ra lập trường của Israel.

Tổng thống Donald Trump - nhân tố quan trọng cho tương lai của Gaza

Tuyên bố của ông Netanyahu hôm 11/2 cũng lặp lại yêu cầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump một ngày trước đó, rằng tất cả các con tin còn lại phải được thả vào trưa ngày 15/2 (theo giờ địa phương), nếu không "mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ".Vào tối 11/2 (giờ địa phương). Tổng thống Donald Trump cũng đã ra ‘tối hậu thư’ về việc giải thoát những con tin trong cuộc họp báo với Quốc vương Abdullah II của nước Jordan tại Nhà Trắng.“Hoặc là Hamas phải thả họ ra vào lúc 12 giờ trưa ngày 15/2 hoặc mọi giao kèo đều sẽ bị hủy bỏ,” Tổng thống Mỹ cho biết.

Những tuyên bố của Tổng thống Trump trong tuần này, trong đó bao gồm cả tuyên bố của ông rằng Mỹ sẽ tiếp quản Gaza và rằng cư dân Palestine không có quyền trở về đây, đã vấp phải sự phản đối gay gắt từ Hamas và nhiều quốc gia "bối rối".

Nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định: "Chúng tôi sẽ có Gaza. Đó là một khu vực bị chiến tranh tàn phá. Chúng tôi sẽ sở hữu nó".

Tuần trước, Quốc hội Jordan đã đưa ra một dự luật cấm nhập cư người Palestine vào quốc gia này. Tuy nhiên, Quốc vương Abdullah II đã cho biết trong cuộc họp báo rằng Jordan sẽ sẵn sàng tiếp nhận 2.000 trẻ em Palestine mắc bệnh hiểm nghèo "ngay lập tức". Tổng thống Donald Trump đã gọi lời đề nghị này là "một cử chỉ cao đẹp".

Về phần mình, Bộ Ngoại giao Ai Cập hôm 11/2 cho biết, rằng nước này có ý định trình bày với Mỹ về một "tầm nhìn toàn diện cho việc tái thiết Dải Gaza" nhằm "đảm bảo người dân Palestine vẫn ở lại quê hương của họ".

Tương lai của lệnh ngừng bắn vẫn là một dấu hỏi lớnCác nhà phân tích cho rằng, vẫn có khả năng Israel và Hamas sẽ đạt được thỏa hiệp trước hôm 15/2 về đợt thả con tin tiếp theo. Tuy nhiên, một rào cản khác cũng có thể xuất hiện vào tháng 3 năm nay, khi lệnh ngừng bắn giai đoạn đầu sẽ hết hạn, trừ khi Hamas và Israel tiếp tục đàm phán.

Giai đoạn đầu tiên của thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas đã được ký kết vào tháng trước, và sẽ hết hạn vào ngày 2 tháng 3 sắp tới. Ban đầu, 3 con tin người Israel sẽ được trả tự do để đổi lấy tù nhân người Palestine trong ngày 15/2, theo yêu cầu của thỏa thuận.

Cho đến nay, 16 trong số 33 con tin Israel trong giai đoạn đầu tiên của lệnh ngừng bắn đã được trả tự do. Khoảng 60 con tin khác, trong số đó một số người được cho là đã tử vong, dự kiến được thả vào cuối mùa xuân này vào giai đoạn thứ hai của thỏa thuận.

Một quan chức của Hamas, Mahmoud Mardawi, cho biết lời cảnh báo của nhóm vào hôm 10/2 chủ yếu là để đáp lại những bất đồng về viện trợ nhân đạo. Nhưng các nhà phân tích nhận định, đó cũng là một nỗ lực nhằm buộc ông Netanyahu phải đàm phán nghiêm túc với Hamas, và có thể là phản ứng trước những tuyên bố của Tổng thống Donald Trump về dải Gaza.

“Có một sự tức giận trong nội bộ Hamas về yêu cầu của cả Thủ tướng Netanyahu và Tổng thống Trump, rằng Hamas sẽ không còn chỗ đứng ở Gaza”, Michael Milshtein - nhà phân tích người Israel về các vấn đề Palestine - cho biết.

“Thông báo của Thủ tướng Israel hôm 11/2 đã phát đi một tín hiệu: Nếu Hamas tiếp tục yêu cầu điều này, họ sẽ phải đứng trước nhiều cuộc khủng hoảng nghiêm trọng”, ông nói thêm.

Hamas đã phát động một cuộc tấn công vào Israel vào ngày 7 tháng 10 năm 2023, khiến 1.200 người Israel tử vong và 250 con tin Israel bị bắt cóc. Israel sau đó đã trả đũa bằng cách ném bom lãnh thổ Gaza và di dời hàng triệu người Palestine.

Theo các quan chức y tế địa phương, ít nhất 48.000 người Gaza đã thiệt mạng trong cuộc giao tranh. Hàng triệu người Palestine sau đó đã phải di dời và hiện đang trở về các khu phố đổ nát tại Gaza.

Phú Quý (theo New York Times)

Bản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.