Đầu năm mua muối lấy may

Cứ ngày đầu xuân năm mới, người dân miền Bắc hay mua muối để cầu mong một năm may mắn, thịnh vượng.
Triển khai thu mua muối tạm trữ cho diêm dân Tục lệ “Đầu năm mua muối, cuối năm mua dầu” trong ngày Tết quê tôi Vì sao đầu năm mua muối và để ở đâu?

Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhân dịp Tết đến Xuân về.

- Ngành muối là 1 trong 7 ngành, nghề nông thôn quan trọng, muối cũng là sản phẩm thân thuộc của mỗi người dân và ngay trong những ngày đầu xuân năm mới, nhiều người hay mua muối lấy may, ông chia sẻ thêm về việc này?

Ông Lê Đức Thịnh: Nghề sản xuất muối ở Việt Nam luôn gắn liền với văn hóa và truyền thuyết về bà Chúa Muối và Phủ bà Chúa Muối tại thôn Tam Đồng, xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Tại Việt Nam có nhiều lễ hội muối, những câu chuyện và kinh nghiệm truyền đời về nghề làm muối đều phản ánh sâu sắc tinh thần và bản sắc của những vùng đất.

Đầu năm mua muối lấy may
Với hy vọng sẽ gặp nhiều may mắn cả năm, nhiều người đã chọn mua muối vào dịp đầu năm mới... Ảnh minh họa

Muối có những văn hóa trùng khớp với người dân Việt Nam, thể hiện cho sự mặn mà, bền chặt, trung thành, sự phồn thịnh. Cùng với đó, từ xưa người dân nước ta luôn có quan niệm may mắn gắn liền với muối: “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”.

Theo quan niệm dân gian, muối mặn có thể xua đuổi và tránh được những điều xui xẻo, đen đủi; đem lại sự may mắn, thuận lợi, bình an, no đủ cho mỗi gia đình; gắn kết tình nghĩa vợ chồng, anh em, họ hàng, xóm làng thân thuộc. Nên cứ ngày đầu xuân năm mới, người dân miền Bắc hay mua muối để cầu mong một năm may mắn, thịnh vượng.

Có lẽ, tiếng rao “Ai mua muối đi...; Ai mua muối nào...” trở thành âm thanh quen thuộc đối với nhiều người dân miền Bắc vào sáng sớm ngày mùng một Tết Nguyên đán. Mua muối đầu năm cũng khác ngày thường. Không phải bằng cân mà bằng môi (thìa), bằng muống hay bằng bát. Để lấy may đầu năm, có nhà mua năm nghìn, nhà mua mười nghìn. Không so đo nhiều ít như ngày thường, cả người bán và người mua đều cười nói vui vẻ, chúc nhau một năm mới thật nhiều may mắn, thuận lợi và bình an.

- Việt Nam là nước có phương pháp sản xuất muối độc đáo mà không có quốc gia nào có được, ông có thể chia sẻ cụ thể về việc này?

Đầu năm mua muối lấy may
Với gần 1.500 ha, Bạc Liêu là một trong những địa phương có diện tích sản xuất muối lớn của cả nước. Ảnh: Khuyến nông quốc gia

Ông Lê Đức Thịnh: Việt Nam có 28 tỉnh/thành có biển thì có 19 tỉnh/thành có thể sản xuất muối. Muối ở Việt Nam đa dạng theo các vùng miền. Đáng chú ý ở Việt Nam còn có một phương pháp làm muối vô cùng độc đáo mà chỉ có miền Bắc mới có, đấy là công nghệ phơi cát đã có từ rất lâu trước khi công nghệ làm muối theo kiểu phơi nước từ Pháp du nhập vào Việt Nam.

Với phương pháp phơi nước, tức là chúng ta cứ cho nước biển vào các ô ruộng, với nắng gió của miền Trung và miền Nam hơi nước sẽ bay hơi dần và đến độ mặn 22 phần nghìn thì kết tinh. Chu trình này phải mất đến vài tuần, thậm chí vài tháng.

Còn với công nghệ phơi cát, nước biển được dẫn vào các mương nhỏ bao quanh các ô ruộng muối phơi cát làm từ cát trộn sét, mặt ruộng nhô cao trên mặt nước khoảng 10 - 20 cm. Từ dưới đáy ô cát nước biển thấm lên mặt ruộng theo hiện tượng mao dẫn và bốc hơi rất nhanh dưới nắng mặt trời. Do đó, hầu hết các chất khoáng hòa tan trong nước biển sẽ có mặt trong thành phần của hạt muối kết tinh.

Đầu năm mua muối lấy may
TS .Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn. Ảnh: D.V

Do đặc điểm này, muối biển của miền Bắc được gọi là muối nhạt do tỷ lệ NaCl chỉ ở mức 82 - 86% và trong thành phần muối nhạt còn bao gồm từ 6 - 8% là các yếu tố khoáng như magie, canxi, kali, các muối sunfat cùng mấy chục các yếu tố khoáng vi lượng khác như selen, kẽm, i ốt…

Do đó, muối miền Bắc xốp và có màu vàng, không trắng như muối miền Nam. Riêng muối từ nước biển bản chất của nó đã có rất nhiều dinh dưỡng và khoáng chất thì muối phơi cát của miền Bắc là một nguồn khoáng chất tự nhiên quý giá cung cấp các yếu tố khoáng cần thiết cho sức khỏe con người.

Muối biển phơi cát kiểu Bắc còn được gọi là muối sạch vì hiện tượng mao dẫn tạo ra một cơ chế lọc có thể loại bỏ tất cả các thành phần tạp chất không tan trong nước biển. Khi đó, nhiều tạp chất ô nhiễm không tan tồn tại trong nước biển, có thể gây tác hại cho sức khỏe con người khi đi vào cơ thể như các hạt vi nhựa sẽ không có mặt trong muối nhạt.

Vì vậy, cần bảo tồn cách làm muối, đặc biệt là muối phơi cát ở miền Bắc Việt Nam rất độc đáo, vô cùng phù hợp không chỉ sản xuất muối cho nhu cầu thực phẩm mà còn có thể thúc đẩy phát triển du lịch, nhất là những người nước ngoài. Bởi tất cả các quốc gia, cứ có biển là có làm muối, nhưng chỉ duy nhất ở Việt Nam thì có muối phơi cát.

- Nghề làm muối trải dài khắp các tỉnh/thành ven biển hình chữ S của Việt Nam. Ông có thể chia sẻ một số vùng làm muối nổi tiếng của Việt Nam?

Ông Lê Đức Thịnh: Làng nghề làm muối Việt Nam trải dài từ Bắc vào Nam. Những cánh đồng muối bao la không chỉ là nơi sản xuất muối mà còn là những danh lam thắng cảnh cực kì đẹp đẽ và đặc trưng của đất nước ta. Trong đó, chúng ta phải để đến những vùng làm muối như: Cà Ná (Ninh Thuận); Phương Cựu (Ninh Thuận); Diêm Điền (Thái Bình); Sa Huỳnh (Quảng Ngãi); muối hầm (Phú Yên).

Đầu năm mua muối lấy may
Sản xuất muối công nghiệp tập trung tại cánh đồng muối Đầm Vua (Ninh Hải, Ninh Thuận). Ảnh: Khuyến nông quốc gia

Nếu Hàn Quốc có muối tre, đây là muối biển tự nhiên được đưa vào những ống tre đã trưởng thành (ít nhất là 3 năm tuổi) sau đó được nung 9 lần trong ngọn lửa từ 600 - 1.500 độ C, khi đó, phân tử muối bị bẻ gãy và tạo ra phân tử nano rất giàu tính kiềm, có độ pH cao giúp kiềm hóa cơ thể trở về trạng thái cân bằng. Tại Việt Nam có làng muối hầm, hay tuyết diêm, nằm ở thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, vẫn giữ cách sản xuất truyền thống thủ công trăm năm, đến tận ngày nay.

Cái tên muối hầm xuất phát từ phương thức làm muối độc đáo của người dân xã Xuân Bình. Muối được cho vào các nồi đất và sau đó được xếp vào lò, chất củi và đốt suốt 24 tiếng trước khi mang ra thị trường. Tiếng muối nổ khi đốt giống như tiếng nổ ngô. Còn tên tuyết diêm được gọi theo màu sắc của hạt muối, trắng tinh, khô ráo và sạch sẽ. Những hạt muối thô kệch qua lửa đỏ đã trở nên trắng nhỏ li ti. Muối hầm vị mặn nhẹ hơn, ngon hơn muối sống và có thể để cả năm vẫn khô ráo. Người dân miền Trung rất thích loại muối này. Làng muối hầm Sông Cầu hiện nay đi theo hướng du lịch.

- Được biết, Festival nghề muối Việt Nam - Bạc Liêu “Hành trình 100 năm nghề muối - đời người” sẽ diễn ra từ ngày 6/3/2025 đến 8/3/2025 với chủ đề “Nâng tầm giá trị hạt muối Việt Nam”. Được biết, nghề muối đã có từ rất lâu đời, sao không phải là hành trình nghìn năm nghề muối, thưa ông?

Ông Lê Đức Thịnh: Đúng vậy, nghề muối thì có lâu đời, thế giới sử dụng muối cách đây 7.000 năm nhưng khẩu hiệu 100 năm đời muối, đời người cũng có lý do bởi nó gắn với 100 năm một đời người, sự so sánh ngoài hình tượng bền bỉ, trăm năm trăm cõi người ta, ngoài ra, còn có những sự kiện gắn với con số 100 năm này.

Cụ thể, năm 1925 (mà chính xác là năm 1927), cánh đồng muối Hòn Khói thuộc thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) - cánh đồng muối đầu tiên của Việt Nam - được chính thức khởi công. Đây là cánh đồng muối do người Pháp xây dựng. Thời Pháp thuộc, người ta chọn khu vực này để sản xuất, rồi tàu buôn sẽ đưa muối trở về Pháp. Đồng muối ở đây được xây dựng theo kiểu bậc thang để ít tốn nhiên liệu bơm nước. Cánh đồng muối trắng tinh, trải dài dưới ánh mặt trời rực rỡ thể hiện tinh thần hăng say lao động của người dân.

Ngoài cánh đồng muối Hòn Khói, người Pháp còn xây dựng một loạt cánh đồng muối đẹp như trong tranh, trong đó phải kể đến cánh đồng muối Bạch Long ở xã Bạch Long, Giao Thủy (Nam Định); cánh đồng muối Sa Huỳnh (Quảng Ngãi); cánh đồng muối Tiên Diêm… Những cánh đồng muối này cùng với các phương pháp làm muối độc đáo là di sản của Việt Nam.

Đầu năm mua muối lấy may
Diêm dân Bạc Liêu sử dụng “chang” (dụng cụ cào muối) giúp giải phóng sức lao động trong khâu thu hoạch muối. Ảnh: Khuyến nông quốc gia

Bạc Liêu là cái nôi và là di sản của nghề làm muối Việt Nam. Năm 2020, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cấp bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia "Nghề làm muối ở Bạc Liêu." Đây là lần đầu tiên Bạc Liêu có di sản văn hóa được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, thuộc loại hình nghề thủ công truyền thống. Trước đó, năm 2013, sản phẩm muối ăn Bạc Liêu được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học Công nghệ công nhận chỉ dẫn địa lý.

Có thể thấy, nghề muối Việt Nam có tiềm năng, bề dày văn hóa và lịch sử nhưng chúng ta vẫn đang gặp rất nhiều tồn tại. Theo đó, chúng ta vẫn chưa sản xuất để đáp ứng đủ được nhu cầu trong nước. Hiện nay, chúng ta có nhu cầu sử dụng muối khoảng 1,6-2 triệu tấn, với 10-11 nghìn ha sản xuất muối hiện nay chúng ta mới chỉ sản xuất khoảng 1 triệu tấn muối mỗi năm, chưa kể những năm mất mùa.

Nghề muối sau nhiều năm phát triển vẫn gắn liền với sự khó khăn. Trong khi chúng ta hoàn toàn phát triển nghề muối theo hướng tích hợp đa giá trị. Tây Ninh không phải nơi sản xuất muối nhưng lại là thủ phủ của muối tôm. Nếu chúng ta cải tiến chất lượng, mẫu mã, giá muối không chỉ ở con số 1.000 – 2.000 đồng/kg mà có thể tăng lên gấp 5, gấp 10 lần.

Những gì hữu hình sẽ là hữu hạn, những gì vô hình sẽ là vô hạn. Muối Việt Nam với những tiềm năng nhiều nước không có cùng với văn hóa, lịch sử thì chúng ta hoàn toàn có thể nâng cao giá trị.

Ai cũng ăn muối nhưng chưa ai biết trả ơn những diêm dân, những người làm ra hạt muối. Nâng cao thu nhập, đời sống của bà con diêm dân cũng là cách để trả ơn cho người làm ra hạt muối. Khơi dậy tình yêu, thay đổi nhận thức, nâng tầm giá trị hạt muối không chỉ để tôn vinh những giá trị truyền thống quý báu, mà còn là cơ hội để chúng ta cùng nhìn về tương lai, định hình con đường phát triển hiện đại và bền vững cho nghề muối trải dài khắp các tỉnh ven biển Việt Nam.

Xin cám ơn ông!

Muối Việt Nam hiện có tiềm năng lớn với 3.200 km bờ biển; 11.000 ha sản xuất; sản lượng cao, trong đó cung cấp nhu cầu ăn, chế biến thực phẩm; công nghiệp; y tế và làm đẹp. Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến làm muối. Ngành muối được xếp vào danh mục 1 trong 7 ngành, nghề nông thôn quan trọng.
Nguyễn Hạnh

Bản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.