Ngành Công Thương Thanh Hóa: Một năm với nhiều thành tích đáng ghi nhận

Năm 2023, ngành Công Thương Thanh Hóa đã đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng, 100% các thôn, bản có điện lưới quốc gia...
Hà Nội: Hỗ trợ đẩy mạnh quảng bá, kết nối cung cầu hàng hóa các tỉnh, thành phố dịp cuối năm 2023 Ngành Công Thương quán triệt thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư về tổ chức Tết Giáp Thìn năm 2024

Chiều 19/12, Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị tổng kết công tác ngành Công Thương năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Dự và chủ trì Hội nghị có Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi và Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hóa Phạm Bá Oai.

Ngành Công Thương Thanh Hóa: Một năm với nhiều thành tích đáng ghi nhận
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi và Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hóa Phạm Bá Oai chủ trì Hội nghị

Báo cáo tại Hội nghị tổng kết, ông Lê Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hóa cho biết, năm 2023, ngành Công Thương Thanh Hóa tiếp tục đối mặt với những khó khăn thách thức như: Giá cả nguyên vật liệu tăng cao, công tác thể chế chưa được hoàn thiện, hấp thụ vốn của doanh nghiệp khó khăn... Tuy nhiên, ngành Công Thương Thanh Hóa vẫn đạt được những kết quả toàn diện đáng ghi nhận.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng cao

Năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) vẫn tăng 4,87% và giá trị gia tăng công nghiệp tăng 10,73% so với cùng kỳ, tiếp tục là động lực chính để tăng trưởng GRDP toàn tỉnh đạt 7,01%. Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực, chiếm tỷ trọng chi phối đã mở rộng thị trường tiêu thụ, có mức tăng trưởng tốt so với cùng kỳ như: Điện sản xuất, clinker, dầu mỡ bôi trơn, thuốc lá bao, giấy bìa các loại...

Ngành Công Thương Thanh Hóa: Một năm với nhiều thành tích đáng ghi nhận
Ông Phạm Bá Oai, Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hóa phát biểu tại Hội nghị

Đối với hoạt động xuất, nhập khẩu, năm 2023, Sở Công Thương Thanh Hóa đã phối hợp với các ngành, địa phương tham mưu nhiều giải pháp để khơi thông thị trường, ổn định sản xuất; tích cực tuyên truyền, hướng dẫn để các doanh nghiệp nắm bắt cơ hội khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Tổng giá trị xuất khẩu ước đạt 5,06 tỷ USD. Hoạt động xuất khẩu tiếp tục là động lực cho sản xuất công nghiệp tăng trưởng với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: May mặc, giày dép, dăm gỗ, thủy sản, xi măng…

Hiện tại, tỉnh Thanh Hóa có 189 doanh nghiệp xuất khẩu đến 53 thị trường với 55 chủng loại hàng hóa. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu dần được cải thiện theo hướng chế biến sâu, gia tăng giá trị. Giá trị nhập khẩu cả năm ước đạt 8,25 tỷ USD. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là: Dầu thô, nguyên, phụ liệu hàng may mặc, nguyên, phụ liệu giầy dép.

Đáng chú ý, hoạt động thương mại của tỉnh Thanh Hóa tiếp tục tăng trưởng khá. Các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân phong phú, giá cả ổn định, không có hiện tượng đầu cơ, găm giá, nhất là trong các dịp nghỉ lễ, mùa du lịch, lễ hội; các chương trình kích cầu, chương trình khuyến mại, các hội chợ được diễn ra thường xuyên tại các địa phương; công tác kết nối cung cầu từng bước gắn kết hiệu quả giữa nguồn cung và thị trường, dần hình thành các chuỗi liên kết đối với hàng hóa có nguồn gốc trong tỉnh, chuỗi tiêu thụ thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn để phục vụ người dân tốt hơn và giảm bớt chi phí trung gian.

Ngành Công Thương Thanh Hóa: Một năm với nhiều thành tích đáng ghi nhận
Ông Lê Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hóa phát biểu tại Hội nghị

Thương mại điện tử ngày càng phát triển, tạo động lực cho hoạt động chuyển đổi số của các doanh nghiệp, nâng cao nhận thức và thói quen mua sắm của nhân dân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 172.926 tỷ đồng, tăng 14,1% so với cùng kỳ.

Hàng chục dự án tại khu công nghiệp đã đi vào hoạt động

Trong năm 2023, tỉnh Thanh Hóa đã có thêm 48 dự án công nghiệp được chấp thuận chủ trương và cấp Giấy chứng nhận đầu tư trực tiếp. Trong đó, có 18 dự án FDI với số vốn đăng ký 13,37 nghìn tỷ và 228,4 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn dự án FDI thêm 50 triệu USD. Hoạt động đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp đã được Sở Công Thương Thanh Hóa tham mưu quyết liệt đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục, tiến độ thi công. Hiện tỉnh Thanh Hóa có 45 cụm công nghiệp, với tổng diện tích là 1.676ha, tổng vốn đầu tư đăng ký là 11.934 tỷ đồng, luỹ kế vốn đã thực hiện đạt 2.288 tỷ đồng.

Tại Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã cấp mới 20 dự án (bao gồm 14 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư 10.144 tỷ đồng, 6 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 49 triệu USD); có 10 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn thêm 414 tỷ đồng và 64,9 triệu USD. Trong năm, đã có thêm các dự án quy mô lớn đi vào hoạt động như: Nhà máy xi măng Đại Dương 1 (Khu kinh tế Nghi Sơn), Nhà máy may Victory tại thị trấn Sao Vàng (huyện Thọ Xuân), Nhà máy may mặc Leading Star Thanh Hóa (Khu công nghiệp Bỉm Sơn), Nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu giầy và giầy xuất khẩu của tập đoàn HuaLi (huyện Yên Định)... đóng góp lớn cho giá trị sản xuất tăng thêm của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động.

Ngành Công Thương Thanh Hóa: Một năm với nhiều thành tích đáng ghi nhận
Trung tâm Khuyến công và Tiết kiệm năng lượng thuộc Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ cho doanh nghiệp ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến

Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến công và Tiết kiệm năng lượng đã tranh thủ nguồn vốn từ chương trình khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương để hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, mô hình trình diễn kỹ thuật, lập quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp cho 18 đơn vị, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia 10 hội chợ trong nước và tổ chức được 3 Phiên chợ kết nối cung - cầu về nông thôn với tổng kính phí thực hiện chương trình là gần 7,5 tỷ đồng.

Kết quả đã đem lại hiệu quả thiết thực, đã khuyến khích, tạo đà cho các doanh nghiệp chủ động hơn trong việc đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm; góp phần thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển, tạo thêm việc làm cho người lao động, cải thiện đời sống ở khu vực nông thôn…

Hoàn thành trước 2 năm nhiệm vụ 100% thôn, bản có điện lưới quốc gia

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 19 nhà máy điện đã vận hành với tổng công suất 2.946 MW, Dự án Nhà máy điện khí LNG Nghi Sơn công suất 1.500 MW đang lựa chọn nhà đầu tư; 7 dự án khác đang thực hiện đầu tư và chuẩn bị đầu tư với công suất 360 MW và các dự án điện năng lượng tái tạo, như: Điện gió, mặt trời, sinh khối, rác… góp phần thực hiện mục tiêu đưa Thanh Hóa trở thành Trung tâm năng lượng của khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước theo tinh thần Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2023 của Bộ Chính trị. Sản lượng điện sản xuất năm 2023 ước đạt 10,5 tỷ kWh (tăng 177,5% so với năm 2022), đạt 128,0% kế hoạch.

Ngành Công Thương Thanh Hóa: Một năm với nhiều thành tích đáng ghi nhận
Sở Công Thương Thanh Hóa phối hợp với các đơn vị tổ chức đóng điện tại bản Sài Khao, xã Mường Lý, huyện Mường Lát dịp Tết độc lập 2/9/2023

Hàng năm, hệ thống lưới điện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa luôn được quan tâm đầu tư, nâng cấp, cải tạo, tổng nguồn vốn đầu tư năm 2023 ước đạt 1.276 tỷ đồng (dự kiến năm 2024 nhiều dự án năng lượng trọng điểm được đầu tư và đóng điện với số vốn 9.147 tỷ đồng) góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, năm 2023, Sở Công Thương Thanh Hóa đã tập trung nỗ lực hoàn thành dự án vượt tiến độ và về đích trước 02 năm nhiệm vụ 100% thôn, bản của tỉnh đã có điện lưới quốc gia và Thanh Hóa trở thành một trong những đơn vị đầu tiên của cả nước hoàn thành Chương trình; được đồng bào các dân tộc phấn khởi, đánh giá cao, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống, dân trí của đồng bào miền núi, nâng cao khối đại đoàn kết dân tộc.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi nhấn mạnh: "Trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ, năm 2023, ngành Công Thương Thanh Hóa đã có nhiều nỗ lực, cố gắng khắc phục khó khăn, nhất là việc Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn phải tạm dừng sản xuất để bảo dưỡng và cũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Những thành tích đã đạt được của ngành Công Thương đã đóng góp tích cực, trực tiếp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của toàn tỉnh trong năm 2023".

Nghị quyết số 58-NQ/TƯ ngày 05/8/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã khẳng định quan điểm “Phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để phát triển tỉnh Thanh Hóa nhanh và bền vững với công nghiệp nặng, nông nghiệp quy mô lớn, giá trị gia tăng cao là nền tảng; các ngành công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ logistics là đột phá”. Vì vậy, vị trí, vai trò và trách nhiệm của ngành Công Thương đối với sự phát triển của tỉnh là rất lớn.

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi khẳng định: Năm 2024, năm thứ 4 thực hiện Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, năm có ý nghĩa quan trọng, tạo đà bứt phá để thực hiện các mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII, tỉnh sẽ tập trung vào 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hướng đến mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 11% trở lên; trong đó có giải pháp về “Thúc đẩy mạnh mẽ 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu,...; phát triển mạnh các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo; chú trọng phát triển các ngành, lĩnh vực dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, giá trị gia tăng cao”; đồng thời, cũng xây dựng các chỉ tiêu kế hoạch có tính phấn đấu rất cao so với năm 2023: Công nghiệp tăng 14,9%; dịch vụ tăng 9,2% trở lên; giá trị xuất khẩu đạt 6.000 triệu USD trở lên; đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của ngành Công Thương, cũng như các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Để đạt được mục tiêu đề ra, trong năm 2024, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị các cơ quan, đơn vị cần tập trung ý chí, tận dụng mọi cơ hội, huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thương mại theo hướng an toàn, bền vững.

Hoàng Minh

Bản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.