13:41 | 23/11/2022
Họ và tên: Nguyễn Văn Cừ
Ngày sinh: 09/7/1912
Ngày mất: 28/8/1941
Quê quán: xã Phù Khê, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh
TÓM TẮT QUÁ TRÌNH CÔNG TÁC
Đồng chí Nguyễn Văn Cừ sinh ngày 9-7-1912, trong một gia đình nhà nho nghèo, yêu nước ở xã Phù Khê, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Đồng chí là hậu duệ đời thứ 17 của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi.
Kế thừa truyền thống yêu nước, hiếu học của dòng họ, lớn lên trên mảnh đất “địa linh nhân kiệt” của xứ Kinh Bắc, phẩm chất cách mạng anh hùng, bất khuất, thông minh, trí tuệ đã hình thành rất sớm trong Nguyễn Văn Cừ từ tuổi thiếu niên. Mới 17 tuổi đời, đồng chí đã trở thành một nhà hoạt động cách mạng chuyên nghiệp, tổ chức và lãnh đạo quần chúng đấu tranh chống áp bức, bóc lột của đế quốc, phong kiến. Được tôi luyện trong Nhà tù Hoả Lò, Côn Đảo, đồng chí đã cùng với các chiến sĩ cộng sản biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, tự trang bị cho mình lý luận cách mạng Mác-Lênin, trưởng thành cả về bản lĩnh chính trị, phẩm chất và trí tuệ, giữ trọng trách Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (3-1938) khi mới 26 tuổi đời.
Những năm 1936-1939 là thời kỳ thế giới có những biến động lớn. Chủ nghĩa phát xít ngông cuồng ra sức chuẩn bị chiến tranh thế giới mới. Chủ nghĩa đế quốc tận lực khai thác, bóc lột các thuộc địa, đàn áp dã man phong trào cách mạng, chuẩn bị đối phó với chiến tranh. Đứng trước bối cảnh lịch sử mới, Đảng ta cần có sự chuyển hướng chiến lược đúng đắn, kịp thời. Trên cương vị là người lãnh đạo cao nhất của Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 6, vạch ra sự chuyển hướng cực kỳ quan trọng trong chiến lược và sách lược cách mạng, đưa cách mạng Việt Nam tiến lên cao trào trong những năm sau đó.
Để tuyên truyền, vận động cách mạng, tập hợp lực lượng, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã viết tác phẩm Các quyền tự do dân chủ với nhân dân Đông Dương. Đây là một tác phẩm lý luận chính trị quan trọng, trình bày những quan điểm cơ bản của Đảng về vấn đề tự do dân chủ, khẳng định bản chất tốt đẹp của tự do dân chủ xã hội chủ nghĩa, tự do dân chủ là tài sản quý báu tự nhiên của loài người để mưu cầu sự phát triển. Muốn được hưởng tự do dân chủ thì phải đoàn kết đấu tranh dưới ngọn cờ cách mạng chân chính của Đảng Cộng sản.
Thấu hiểu nguy cơ của chủ nghĩa cơ hội có thể gây ra chia rẽ, phân biệt trong nội bộ Đảng, nắm vững nguyên lý của Chủ nghĩa Mác-Lênin về xây dựng Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân, đồng chí Nguyễn Văn Cừ viết tác phẩm Tự chỉ trích làm tài liệu giáo dục chính trị - tư tưởng cho cán bộ, đảng viên nêu cao vũ khí tự phê bình và phê bình, chống lại chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa cơ hội dưới mọi mầu sắc. “Tác phẩm đó có ý nghĩa rất quan trọng về mặt lý luận và thực tiễn. Tác phẩm chẳng những uốn nắn những lệch lạc trong phong trào dân chủ, tăng cường sự thống nhất ý chí và hành động trong Đảng, mà còn là một văn kiện tổng kết những kinh nghiệm của Đảng trong thời kỳ Mặt trận dân chủ, là một đóng góp có giá trị vào kho tàng lý luận và chính sách về Mặt trận thống nhất của Đảng ta.
Giữa lúc cách mạng Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt lịch sử mới, Đảng cần những cán bộ tài trí, vững vàng, kiên định để chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua ghềnh thác, thì đồng chí lại bị mật thám bắt. Mặc dù bị tra tấn hết sức dã man, nhưng kẻ thù không lay chuyển được khí tiết cách mạng của người cộng sản kiên trung Nguyễn Văn Cừ. Bất lực, chúng đã xử bắn đồng chí tại Hóc Môn – Gia Định, sáng ngày 28-8-1941.
Đường dẫn bài viết: https://congthuong.vn/dong-chi-nguyen-van-cu-228138.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.