08:31 | 21/06/2022
Thật khó để kể hết về những chuyến đi công tác trong quãng thời gian tôi gắn bó với nghề báo. Nhưng gần đây nhất, chuyến đi dọc biên giới tỉnh Lai Châu, kéo dài trong 8 ngày vào đúng đợt mưa lũ, đã cho tôi những kỉ niệm thật khó quên về vùng đất và những con người nơi "phên dậu" tổ quốc.
Thương những cung đường…
Bước sang tháng 6, vẫn biết tỉnh Lai Châu đang là mùa mưa, nhưng không nghĩ mưa nhiều đến thế. Mưa suốt chặng đường cao tốc từ Phú Thọ lên TP. Lai Châu. Đón chúng tôi là mưa giăng khắp lối.
Tuy nhiên, những cơn mưa và bầu trời u ám không còn khiến tôi và bạn nữ phóng viên Báo Biên phòng e ngại khi sau ít phút gặp gỡ, Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu – Đại tá Nguyễn Văn Hưng cho biết, sẽ có xe đưa 2 chị em xuống cơ sở.
Làm nghề báo, tôi không nhớ hết đã có bao nhiêu chuyến đi đến với các tỉnh biên giới, nhưng ở đâu, bộ đội biên phòng cũng luôn ấm áp và tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất cho phóng viên tác nghiệp. Đây có lẽ là nguồn cổ vũ lớn lao để có nhiều phóng viên sẵn sàng gắn bó cả thanh xuân với dặm dài biên giới.
![]() |
Những chuyến đi lên vùng cao vào mùa mưa thường gắn với rủi ro sạt lở, tắc đường |
Mặc dù đã được thông báo trước, nhưng trên đường di chuyển vào xã Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ), hay trên đường vào xã Ka Lăng, Thu Lũm (huyện Mường Tè)… chúng tôi có nhiều phen nín thở vì đất đá sạt lở, vì cả những khoảnh khắc bánh xe quay tít do ngập trong bùn nhão nhoét. Có đoạn đường chỉ khoảng 30km, song phải di chuyển với tốc độ rùa bò – 15km/h.
Những lần dừng xe cả tiếng đồng hồ giữa núi rừng mênh mông chờ máy xúc san gạt đất đá dọn đường; một bên là núi cao, bên là vực thẳm; điện thoại ở chế độ “thuê bao không liên lạc được”… mới thấy túi ngô bung mà chú lái xe tranh thủ tạt mua trên đường để “chống đói”, thật là lợi hại. Bảo sao đi đường miền núi, không ai hỏi chiều dài km mà thường hỏi “đi mất bao lâu”?
Đường xấu và nhiều rủi ro bất ngờ như vậy, nhưng so với những ngày cán bộ và người dân phải chèo thuyền vượt sông, cuốc bộ vượt dốc mất cả tuần để đi từ trung tâm huyện vào xã công tác, đi từ xã ra huyện mua dầu, đèn, mắm, muối… thì đây là sự thay đổi vượt bậc của nhiều xã, huyện ở tỉnh Lai Châu.
Không chỉ đường tới xã, lên các bản cheo leo của huyện Mường Tè, xe máy đã đưa chúng tôi tới được nơi cần tới, mà không phải xuống chạy bộ hoặc đẩy xe như trước kia. Cùng với những con đường mở rộng, sóng điện thoại, internet nay đã len lỏi tới nhiều bản làng vùng sâu, vùng xa; khiến việc tác nghiệp thuận tiện hơn rất nhiều….
Nếu chưa từng đến, từng nghe về giao thông của Mường Tè - huyện xa xôi, khó khăn nhất của tỉnh Lai Châu – hẳn nhiều người sẽ ngạc nhiên khi nghe ai đó nhắc nhau: “Giờ Ka Lăng, Thu Lũm có xe khách chạy vào tận trung tâm xã rồi đấy”.
Rõ ràng, chỉ là một chuyến xe trong ngày thôi, nhưng đó là chuyến xe hi vọng, là hình ảnh cho thấy đường đã thông, những cách trở về địa lý đang dần được thu hẹp; để những người thân đi làm ăn xa nhau gặp được nhau thuận lợi hơn; để việc thông thương hàng hóa vượt qua những cánh rừng, ngọn núi.
Vui hơn vì qua những câu chuyện được biết, nhờ có đường lớn, tư duy của đồng bào Hà Nhì, Mông, Dao… nay không còn bó hẹp trong phạm vi thôn, bản. Chuyện một người Mông ở bản Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ) thu được cả 100 triệu đồng bán lan Trần Mộng nhờ liviestream; hay những người phụ nữ Dao ở xã Ma Li Pho (huyện Phong Thổ) mỗi ngày bán cả chục tấn chuối sang Trung Quốc giờ không còn là chuyện lạ… Câu chuyện ở các địa phương nơi biên cương mà nhà báo ghi chép được, nhờ thế mà sinh động, hấp dẫn hơn rất nhiều.
![]() |
Những con đường nối liền các xã, bản vùng cao huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu |
… Nhớ người đã gặp
Giống như những chuyến đi tác nghiệp khác, ấn tượng đọng lại sâu đậm nhất trong tôi ở chuyến đi dọc biên giới Lai Châu lần này cũng vẫn những con người mà tôi đã gặp.
Đó là ông Chu Xế Lù, người dân tộc Hà Nhì – Chủ tịch mặt trận xã biên giới Thu Lũm (huyện Mường Tè). 11 tuổi mới bắt đầu đi học lớp 1, xong ông Lù đã kiên trì vượt núi, băng sông, đi bộ tới trường; vượt qua những ngày bán trú đói cơm nhạt muối để “học lấy con chữ” và trở thành bí thư đoàn thanh niên, rồi chủ tịch xã, bí thư xã Thu Lũm. Nay cả 4 người con của ông Lù cũng đã tốt nghiệp đại học và đang có nhiều đóng góp cho chính quê hương.
Là người dân xã biên giới, dành gần trọn cuộc đời tham gia bảo vệ đường biên mốc giới, những câu chuyện về giữ rừng, giữ đất, giữ tình hoà hiếu giữa cư dân hai bên biên giới mà ông Chu Xế Lù chia sẻ cùng chúng tôi bên hiên nhà, càng nghe càng thú vị. Mỗi tình tiết, cách ứng xử đều cho thấy sự tinh tế, khéo léo, linh hoạt… không phải dễ có được nếu không có sự chiêm nghiệm và tình cảm gắn bó sâu sắc với mỗi tấc đất của Tổ quốc. Biên giới bình yên có lẽ cũng bởi có những người dân trọn tình, trọn nghĩa với quê hương như thế!
Nếu như ông Chu Xế Lù tạo ấn tượng bởi những câu chuyện đặc biệt của người Hà Nhì, thì anh Sùng A Phùa, bí thư chi bộ bản Sin Suối Hồ lại khiến chúng tôi đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác khi nghe anh kể chuyện huy động, tuyên truyền để người dân đồng thuận làm đường; dọn bản.
Bằng rất nhiều cố gắng, anh Sùng A Phùa và những cán bộ bản Sin Suối Hồ đã giúp người dân thay đổi tư duy, nhận thức; biến bản Sin Suối Hồ nổi tiếng bởi tệ nạn ma tuý trở thành bản du lịch độc đáo ít nơi có được với những người dân vô cùng khéo léo trong việc nhân giống lan Trần Mộng, cho giá trị kinh tế cao.
![]() |
Chị Tẩn Thị Vân, bản Sòn Thầu 1, xã Ma Li Pho, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu thu mua chuối để xuất khẩu sang Trung Quốc |
Vượt ra khỏi khuôn khổ xã, bản, những phụ nữ người Dao ở xã Ma Li Pho (huyện Phong Thổ) lại tạo cho chúng tôi ấn tượng khá đặc biệt khi họ gần như xoá bỏ hình ảnh người phụ nữ dân tộc thiểu số cam chịu, nhẫn nhịn hay mặc cảm, thay vào đó là sự tháo vát, năng nổ, khéo tính toán, thu vén.
Dịch bệnh COVID-19 lan rộng, cửa khẩu Ma Lù Thàng đóng cửa. Không cam chịu để chuối của bà con trong xã ế ẩm, mất giá, một số phụ nữ Dao ở xã Ma Li Pho đã linh hoạt liên hệ với thương nhân Trung Quốc và tìm đường đưa chuối đi xuất khẩu qua cửa khẩu Tây Trang (Điện Biên), Tân Thanh (Lạng Sơn), Thanh Thuỷ (Hà Giang)…
Hành trình xuất khẩu chuối vòng vèo, gian nan; trong câu chuyện chị em kể lại có cả mồ hôi lẫn nước mắt… song đó lại chính là minh chứng cho thấy, sự bứt phá mạnh mẽ của những người phụ nữ dân tộc Dao nơi miền biên viễn…
Bạn là ai, ở đâu – không quan trọng. Quan trọng là bạn đã sống cuộc đời như thế nào? Cảm ơn những con con người mà chúng tôi đã gặp; thương cả những cung đường gian nan đã đưa chúng tôi đến với họ. Những chuyến đi của người làm báo, vì thế không chỉ làm giàu thêm thông tin, vốn sống, kiến thức… mà còn giúp mỗi nhà báo yêu nghề và trân quý hơn những trải nghiệm không phải công việc nào cũng có được!
Đường dẫn bài viết: https://congthuong.vn/nhung-chuyen-di-dong-day-thuong-nho-180847.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.