Thị trường thời trang nhanh Việt Nam: Nội - ngoại "so găng" phân chia thị phần!

Thị trường thời trang nhanh Việt Nam: Kỳ II- Thời trang nội tìm hướng cạnh tranh bằng thị trường ngách

Trước sức ép cạnh tranh từ các thương hiệu nước ngoài các doanh nghiệp (DN) thời trang Việt với lợi thế am hiểu thị trường, thị hiếu người tiêu dùng đang nỗ lực tìm chỗ đứng bằng việc tấn công vào thị trường ngách.

Cuộc đua không cân sức

Theo Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, hiện có hơn 200 thương hiệu thời trang nước ngoài đang có mặt tại Việt Nam, chiếm hơn 60% thị phần, từ hàng bình dân đến cao cấp và 40% thị phần còn lại cho may mặc trong nước.

Nhiều DN may thời trang đánh giá, khi trào lưu hàng may mặc Trung Quốc, Hồng Kông, Hàn Quốc… nở rộ, thời trang Việt bắt đầu gặp khó. Càng về sau, phong trào tiêu dùng hàng xuất khẩu, hàng hiệu bán online phát triển mạnh, DN Việt càng đuối sức, thu hẹp hệ thống cửa hàng.

Công ty Thời trang Việt từng là hiện tượng trong làng may mặc nội địa, nay chỉ còn khoảng 60 điểm bán. Dòng sản phẩm Maxx Style đã bị khai tử, 2 dòng N&M (cao cấp) và Ninomaxx (trung bình khá) chia nhau diện tích trong các cửa hàng chứ không còn duy trì cửa hàng riêng cho từng thương hiệu. Blue Exchange, PT 2000 chủ yếu thuê mặt bằng ở các siêu thị, trung tâm thương mại để bán hàng, chứ không phát triển thêm cửa hàng riêng.

Nếu so về giá cả thì các thương hiệu trong nước vẫn có lợi thế hơn. Tuy nhiên, khi mức thu nhập của người tiêu dùng tăng cao, thì giá cả đôi khi không còn là yếu tố quyết định, mà là thương hiệu và mẫu mã. Cả hai yếu tố này các thương hiệu thời trang quốc tế đều có lợi thế hơn.

Theo các DN Việt, kinh doanh thời trang được mất nằm ở việc nhanh hay chậm đưa ra mẫu mã mới nên các DN Việt Nam cần có đội ngũ thiết kế thật giỏi. Việc này không thể giải quyết một sớm một chiều và cuộc đua cạnh tranh giữa các thương hiệu nội - ngoại được cho là tiếp tục không cân sức.

Tìm hướng cạnh tranh bằng thị trường ngách

Để cạnh tranh với các hãng thời trang nước ngoài, nhiều DN Việt Nam đang tận dụng những lợi thế riêng như nắm bắt được xu hướng thời trang và hiểu rõ về văn hóa của Việt Nam để thiết kế sản phẩm phù hợp nhất với thị hiếu người tiêu dùng.

ky ii thoi trang noi tim huong canh tranh bang thi truong ngach
Canifa thành công nhờ liên tục ra mắt các sản phẩm thời trang trẻ em mang tính ứng dụng cao

Đơn cử như Canifa - nhãn hiệu thời trang lớn ở miền Bắc, nổi tiếng từ những năm 2000. Năm 2007, Canifa mở rộng thêm nhãn hàng thời trang cho thiếu nhi. Thời gian gần đây, Canifa bắt đầu tập trung phát triển thị trường phía Nam với hệ thống cửa hàng có mặt tại các siêu thị Vincom. Canifa đầu tư hình ảnh rất nhiều thông qua việc tài trợ cho các chương trình như Project Runway, Vietnam Next Top Model...

Hay Công ty TNHH LEO - Thêu tay Ninh Khương đã mạnh dạn sử dụng nghệ thuật thêu tay cho thời trang trẻ em, vật dụng gia đình, vật dụng trang trí... Nhờ đó 3 nhãn hiệu của Ninh Khương gồm Nkid, Kolala, Klinen không chỉ được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng mà còn xuất khẩu vào châu Âu, châu Á. Công ty này cũng đã đưa ra chiến lược trở thành thương hiệu hàng đầu trong ngành công nghiệp thời trang thêu ở châu Á vào năm 2020.

Theo giới chuyên gia, muốn khai thác tốt thị trường ngách cũng đòi hỏi DN phải triển khai nhanh và đồng loạt các hoạt động như marketing, bán hàng, thương hiệu để có thể khẳng định nhanh vị thế, thương hiệu, chiếm lĩnh khách hàng.

Trong khi đó, với DN có quy mô nhỏ vài chục công nhân, việc hướng vào phân khúc thời trang ở nhà cũng là cách được không ít DN chọn lựa. Ông Vũ Duy Đợi, Giám đốc Công ty CP Đầu tư TM XNK Nam Thái (quận Tân Bình – TP. Hồ Chí Minh) - cho biết, 5 năm trở lại đây, ngoài gia công cho một thương hiệu có tiếng của nước ngoài, Nam Thái đã dồn “toàn lực” vào sản xuất hàng may mặc đồ bộ với thương hiệu Fashi. Kết quả thu được của công ty rất khả quan, tới nay doanh số bán ra đạt 5.000 bộ mỗi tháng, thậm chí có những tháng cao điểm đạt từ 8.000 - 10.000 sản phẩm.

Theo ông Đợi, với bộ máy sản xuất khá gọn nhẹ (khoảng 20 công nhân) nhưng lúc nào cũng vận hành hết công suất nên thu nhập của người lao động và lợi nhuận thu về cho công ty tương đối tốt. Hiện giá các sản phẩm của Fashi dao động từ 150.000 - 400.000 đồng/bộ (tùy chất liệu, mẫu mã) và thị trường chủ lực là các tỉnh phía Bắc.

Đại diện một DN đang vận hành khá tốt nhờ tập trung khai thác phân khúc đồ sơ sinh và trẻ em tại TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, thị trường ngách có nhiều khả năng thành công không chỉ là thị trường có ít đối thủ cạnh tranh mà phải có tiềm năng tăng trưởng, có sức mua và quy mô đủ để có khả năng sinh lời. Đây cũng là lý do không ít DN nội vẫn sống khỏe nhờ “biết mình biết ta” khi sản xuất các sản phẩm thời trang hướng vào các phân khúc bình dân hoặc vùng nông thôn...

ky ii thoi trang noi tim huong canh tranh bang thi truong ngach Thị trường thời trang nhanh Việt Nam: Kỳ I- Thời trang ngoại dồn dập đổ bộ
Ngọc Thảo - Thùy Dương

Bản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.