CPI bình quân 5 tháng đầu năm 2021 tăng 1,29% so với cùng kỳ năm 2020, mức tăng bình quân 5 tháng thấp nhất kể từ năm 2016. Đóng góp vào thành công đó, có vai trò quan trọng của công tác chỉ đạo điều hành quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo điều hành giá. Công tác dự báo được tăng cường, khá sát với biến động của từng tháng. Các bộ, ngành, địa phương đã tích cực và chủ động triển khai quản lý, điều hành giá.
Một số nguyên nhân chủ yếu làm tăng CPI trong 5 tháng đầu năm, đó là: Giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng gạo nếp, gạo tẻ ngon trong dịp Tết Nguyên đán tăng cao, làm giá gạo 5 tháng đầu năm 2021 tăng 7,27% so với cùng kỳ năm trước, góp phần làm CPI chung tăng 0,19 điểm phần trăm. So với cùng kỳ năm trước, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 4,22% do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào; giá gas trong nước biến động theo giá gas thế giới, tăng 15,32%; giá xăng dầu trong nước bình quân 5 tháng tăng 12,08%; giá dịch vụ giáo dục tăng 4,47% do ảnh hưởng từ đợt tăng học phí năm học mới 2020 - 2021 theo lộ trình của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ.
Nhiều ý kiến cho rằng, dù CPI 5 tháng đầu năm được ghi nhận tăng thấp nhất trong 5 năm trở lại đây, song vẫn tiềm ẩn rủi ro với mục tiêu kiểm soát lạm phát do giá nguyên liệu nhiều mặt hàng trên thế giới thời gian qua tăng đột biến, tác động làm giá trong nước tăng theo? Vậy, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, áp lực lạm phát sẽ tăng dần từ nay đến cuối năm. Giá nguyên, nhiên vật liệu thế giới nhiều lĩnh vực tăng mạnh, việc nhập khẩu nguyên liệu với mức giá cao sẽ ảnh hưởng đến giá thành, chi phí sản xuất, đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước lên cao. Giá các loại nguyên liệu đầu vào như quặng sắt, phôi thép liên tục tăng trong thời gian qua, làm cho chỉ số giá sản xuất (PPI) nhóm sản phẩm sắt, thép tháng 5/2021 tăng 7,6% so với tháng trước và tăng 40,47% so với cùng kỳ năm trước. Giá dầu thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, giá dầu Brent bình quân 5 tháng đầu năm đạt 62,3 USD/thùng, tăng 24,12% so với tháng 12/2020 và tăng 57,65% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi hiện đang có xu hướng tăng cao do nguồn cung trên thế giới giảm và chi phí vận chuyển tăng làm tăng giá thành nguyên liệu thức ăn chăn nuôi từ nhập khẩu. Trong khi đó, ở Việt Nam, nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi từ nhập khẩu chiếm tới 80 - 85% nên sẽ chịu ảnh hưởng tăng giá của nguyên liệu thế giới. Bình quân 5 tháng đầu năm, chỉ số giá nhóm thức ăn chăn nuôi tăng 4,09% so với cùng kỳ năm trước.
Để đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4% trong năm 2021 theo Nghị quyết của Quốc hội, chúng ta cần thực hiện những giải pháp gì, thưa ông?
Nhằm giảm bớt áp lực lạm phát vào cuối năm 2021, kiểm soát bền vững lạm phát năm 2022, các cơ quan chức năng cần chủ động thực hiện giải pháp bảo đảm cân đối cung - cầu, bình ổn thị trường, giá, nhất là những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu và các hàng hóa, vật tư y tế phòng, chống dịch.
Giá vật liệu xây dựng tăng cao trong những tháng đầu năm |
Đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cần theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới và kết hợp sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu phù hợp để hạn chế mức tăng giá mặt hàng này đến CPI chung. Với mặt hàng thép xây dựng, cần thúc đẩy tăng năng lực sản xuất trong nước, việc cung ứng cho thị trường trong nước nên được ưu tiên hơn thị trường xuất khẩu. Đồng thời, chủ động các biện pháp kiểm soát, bình ổn giá các mặt hàng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tránh để xảy ra hiện tượng tăng giá bất hợp lý, tung tin thất thiệt gây bất ổn thị trường. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần sử dụng đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, đồng thời góp phần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Xin cảm ơn ông!