Thực phẩm chức năng bị thu giữ |
Chỉ 50% cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn ASEAN
TS. Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - cho biết: Từ đầu năm đến nay, Cục ATTP đã xử phạt 112 cơ sở vi phạm với tổng số tiền trên 2 tỷ đồng, trong đó, 95 cơ sở vi phạm về quảng cáo bị xử phạt trên 1,7 tỷ đồng. Vi phạm chủ yếu xảy ra tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. “Tình trạng doanh nghiệp, nhà phân phối quảng cáo công dụng như thần dược của TPCN khiến không ít người tiêu dùng bị nhầm lẫn và chịu cảnh “tiền mất, tật mang” - TS. Nguyễn Thanh Phong lo lắng.
Đồng tình quan điểm trên, PGS.TS Trần Đáng - Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam thừa nhận: Ngành TPCN Việt Nam - đang tồn tại quá nhiều bất cập: Sản xuất TPCN bị thả nổi; điều kiện lưu hành TPCN ở Việt Nam quá dễ. Việt Nam chưa quy định cụ thể những thành phần được phép có trong TPCN và những thành phần phải cấm. Bên cạnh đó, việc công bố tác dụng đối với sức khỏe của TPCN còn thả nổi; tình trạng TPCN xách tay, lậu tràn lan lưu hành, không bảo đảm an toàn… gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Xuân Hoàng - Phó Chủ tịch Hiệp hội TPCN thông tin: Nếu thực hiện đánh giá, kiểm định chất lượng tổ chức thực hành sản xuất TPCN theo tiêu chuẩn khu vực ASEAN, chỉ khoảng 50% trong số hơn 1.000 DN sản xuất TPCN của Việt Nam đáp ứng được yêu cầu.
Lý giải về vấn đề này, theo ông Hoàng, điều kiện đủ để đăng ký sản xuất TPCN của Việt Nam quá dễ, tương tự các cơ sở sản xuất thực phẩm bình thường.
Hoàn thiện công cụ quản lý
TS. Nguyễn Thanh Phong khẳng định: Không thể để thị trường TPCN bát nháo như hiện nay và phải nhanh chóng tiếp cận nền sản xuất áp dụng tiêu chuẩn GMP - TPCN trong tương lai gần.
Theo đó, Dự thảo Tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt TPCN sẽ góp phần giúp cơ quan quản lý siết chặt hoạt động sản xuất, kinh doanh TPCN ngay từ khâu sản xuất. Cụ thể: Tiêu chuẩn GMP sẽ đưa ra những nguyên tắc chung, những quy định, hướng dẫn các nội dung cơ bản về điều kiện sản xuất; áp dụng cho các cơ sở sản xuất, gia công, đóng gói TPCN… nhằm đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng và an toàn. Tiêu chuẩn GMP được thông qua sẽ giúp cơ quan quản lý siết chặt hoạt động sản xuất - kinh doanh TPCN ngay từ khâu sản xuất; tạo thị trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp.Theo lộ trình, sau khi xin ý kiến các bộ, ban, ngành, doanh nghiệp và địa phương, sẽ cố gắng áp dụng tiêu chuẩn GMP vào năm 2018.
Hiệp hội TPCN Việt Nam đã kiến nghị Bộ Y tế chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất TPCN thực hiện lộ trình bắt buộc đạt chứng nhậnGMP từ năm 2015 – 2020; góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu và tiến tới xuất khẩu sang nước ngoài.
Thực hành tốt sản xuất TPCN sẽ giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong xuất khẩu. Đây cũng là quy định bắt buộc trong lộ trình Hòa hợp tiêu chuẩn về kỹ thuật trong khối ASEAN. |