Khi còn thuộc Liên minh châu Âu, Anh đã phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về công nghệ sinh học của Khối. Tuy nhiên vào ngày 17/6 tới đây, Anh sẽ công bố các quy định áp dụng cho cây trồng và động vật có hệ gen được chỉnh sửa bằng các kỹ thuật chính xác như CRISPR. Điều này sẽ đưa nước Anh sánh ngang với các quốc gia khác bao gồm cả Hoa Kỳ. Các nhà công nghệ sinh học của Anh nhận định rằng, việc này sẽ làm tăng tốc độ nghiên cứu và đầu tư vào lĩnh vực này.
Các quy định của Anh về chỉnh sửa gen dự kiến sẽ bớt nghiêm ngặt hơn cho cây trồng chuyển gen (Nguồn: Sciencemag) |
Theo sự thay đổi chính sách của Vương quốc Anh, các loài thực vật và động vật được chỉnh sửa gen có thể không cần các ứng dụng nộp hồ sơ và đánh giá chi tiết trước khi làm khảo nghiệm trên đồng ruộng và phê duyệt thương mại.
Ngược lại, ở châu Âu, bất kỳ sinh vật biến đổi gen nào được thương mại hóa, bất kể nó được tạo ra như thế nào, đều phải đối mặt với quy trình đánh giá rủi ro rất dài của Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu và phải được đa số các quốc gia thành viên chấp thuận trước khi được trồng.
Giáo sư Wendy Harwood - người đứng đầu bộ phận chuyển đổi cây trồng tại Trung tâm John Innes - một tổ chức nghiên cứu công của Vương quốc Anh - cho biết, điều này có nghĩa là mọi thủ tục sẽ không còn bị kéo dài nữa.
Tiến sỹ Tina Barsby - Giám đốc điều hành của Viện Thực vật nông nghiệp quốc gia Anh - cho biết, sự thay đổi này có thể là bước đột phá chính sách quan trọng nhất trong việc chọn tạo giống cây trồng trong hơn 2 thập kỷ qua.
Hiện nay mới chỉ có một số ít loại cây trồng chỉnh sửa gen được thương mại hóa trên thế giới. Tại Anh, mới chỉ có hai loại cây trồng chỉnh sửa gen đã được đưa vào khảo nghiệm gồm: Khảo nghiệm đánh giá từ năm 2018 về biểu hiện của camelina, một giống thuộc họ mù tạt, được chọn tạo để thu được sản phẩm giống như dầu ô liu; bông cải xanh chỉnh sửa để cải thiện dinh dưỡng mới được đưa vào khảo nghiệm gần đây. Những sản phẩm khác đang tăng tốc khi quy định mới được áp dụng.
Quyết định của Chính phủ Anh về vấn đề chỉnh sửa gen được Bộ Môi trường, Thực phẩm và Nông thôn (Defra) công bố, sẽ không áp dụng bên ngoài nước Anh. Các khu vực khác của Vương quốc Anh - Scotland, Wales và Bắc Ireland - sẽ tự quy định về sinh vật biến đổi gen.
Tuy nhiên, những người phản đối tự do hóa sinh vật chỉnh sửa gen nói rằng Defra đang quyết định quá nhanh. Họ lo lắng rằng động vật và cây trồng được biến đổi để kháng bệnh có thể thúc đẩy các hoạt động canh tác gây hại cho môi trường.
Giáo sư Colin Campbell, Giám đốc Viện James Hutton, một trung tâm nghiên cứu công cộng tập trung vào quản lý bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên cho biết việc giải quyết những mối lo như vậy là rất quan trọng. Theo ông, các nhà công nghệ sinh học “cần có giấy phép của xã hội” để hoạt động và việc thương mại hóa sẽ tự nhiên xảy ra khi đã giành được sự tin tưởng.
Hiện, Liên minh châu Âu cũng đang suy nghĩ lại cách tiếp cận của mình với việc chỉnh sửa gen. Một báo cáo vào tháng 4 của Ủy ban châu Âu cho thấy, chỉnh sửa gen có thể làm cho nông nghiệp bền vững hơn và cho thấy “những dấu hiệu rõ ràng” rằng luật của Liên minh châu Âu không còn phù hợp nữa.
Trong khi các sinh vật biến đổi gen hay chỉnh sửa gen phải đấu tranh giữa hai luồng ủng hộ và phản đối tại châu Âu thì tại châu Phi, công nghệ này lại đang nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ. Trong số các nước thuộc khu vực châu Phi, Kenya là quốc gia dẫn đầu trong khối về lĩnh vực công nghệ sinh học này.