Nhộn nhịp xuất nhập khẩu hàng hóa |
Thông tin từ Sở Công Thương tỉnh An Giang cho thấy, 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới An Giang đạt 995 triệu USD, tăng 23% so cùng kỳ năm 2018. Trong đó xuất, nhập trực tiếp đạt 251 triệu USD, tăng 29%; hàng hóa đăng ký nơi khác thực hiện xuất khẩu qua cửa khẩu đạt 744 triệu USD, tăng 21%. Những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của An Giang gồm: dệt may, da giày, hàng nông sản…
Thực tế, mấy năm gần đây, tỉnh An Giang xác định kinh tế biên mậu là động lực để thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương. Theo ông Đoàn Minh Triết - Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang, do tất cả các khu vực cửa khẩu đều thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nên việc thu hút đầu tư có ưu đãi vượt trội. Đồng thời, với việc hỗ trợ từ ngân sách trung ương theo chương trình mục tiêu hàng năm, tỉnh đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ hơn tại Cửa khẩu Tịnh Biên, Khánh Bình và Vĩnh Xương, qua đó, thúc đẩy các hoạt động ngoại thương, nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu.
Về kết quả đạt được trong công tác thu hút đầu tư, ông Võ Nguyên Nam - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang - cho biết, từ năm 2018 đến nay, tỉnh đã tiếp và làm việc với hơn 20 nhà đầu tư trong và ngoài nước. Các lĩnh vục được nhà đầu tư quan tâm gồm: dệt nhuộm, chế biến nông sản, khu thương mại - dịch vụ hỗn hợp, khu, cụm công nghiệp... Cụ thể, đã có 1 dự án đầu tư vào Khu thương mại - công nghiệp Vĩnh Xương (vốn dự kiến 23 tỷ đồng; 1 nhà đầu tư trong nước đang đăng ký xin chủ trương đầu tư khu trung tâm thương mại, khách sạn, kho ngoại quan, cảng cạn… cũng tại Khu thương mại - công nghiệp Vĩnh Xương với vốn dự kiến trên 2 nghìn tỷ đồng và đang được hướng dẫn thủ tục cần thiết.
Đáng chú ý, tại các cửa khẩu: Khánh Bình, Tịnh Biên và Long Bình cũng có nhiều nhà đầu tư được cấp giấy chứng nhận đăng ký dự án kinh doanh các mặt hàng như nông - thủy sản, kho ngoại quan… Trong đó, Cửa khẩu Khánh Bình có 4 dự án, Cửa khẩu Tịnh Biên (2 dự án), Cửa khẩu Long Bình (1 dự án)...
“Trong những tháng qua, Sở Công Thương đã phát huy tốt vai trò quản lý; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan tổ chức nhiều chương trình kết nối giao thương, kích cầu tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ; cải tạo, nâng cấp và phát triển mạng lưới chợ, đặc biệt là chợ vùng biên”, ông Võ Nguyên Nam chia sẻ.
Thời gian tới, để thúc đẩy kinh tế biên mậu tiếp tục phát triển, Sở Công Thương sẽ theo dõi thường xuyên tình hình hoạt động thương mại biên giới, nâng cao chất lượng và duy trì thường xuyên sự kiện xúc tiến thương mại biên giới. Ngoài ra, Sở sẽ tiếp tục hỗ trợ huyện biên giới đẩy mạnh hoạt động giao thương hàng hóa…
Tỉnh An Giang có đường biên giới tiếp giáp 2 tỉnh Kandal và Takeo (Vương quốc Campuchia), với 5 cửa khẩu (2 cửa khẩu quốc tế, 2 cửa khẩu chính và 1 cửa khẩu phụ). |