Trong suốt nhiều thập kỷ, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới. Được biết đến với những loại cà phê Robusta mạnh mẽ và đậm đà, hạt cà phê Việt Nam từ lâu đã là nguyên liệu quan trọng trong ngành công nghiệp cà phê toàn cầu. Tuy nhiên, việc đưa cà phê Việt Nam trở thành thương hiệu quốc tế và thể hiện bản sắc riêng là một thử thách không nhỏ. Đó là lý do tại sao sự xuất hiện của Alambé Coffee - một thương hiệu cà phê đang ngày càng khẳng định vị thế - trở thành điểm sáng trên hành trình vươn ra thế giới của ngành cà phê Việt.
Ông Alex Grube và các cộng sự tại cửa hàng Alambé Coffee. Ảnh: Ngân Nga |
Khởi đầu từ xưởng rang xay nhỏ
Alambé Coffee được thành lập vào năm 2019. Trong đó, anh Phạm Khánh Hiệp chính là người đã thành lập xưởng rang nhỏ ngay trong gara của mình, tạo ra những mẻ cà phê rang thơm ngon, không phụ gia.·Ông Alex Gruber, Chủ tịch của Alambé, có 30 năm kinh nghiệm kinh doanh cà phê, trong đó gần 20 năm dành cho thị trường cà phê Việt Nam. Ông cũng từng có 7 năm đảm nhiệm vị trí Quản lý thương mại dòng sản phẩm cà phê tại RCMA Group (TP. Hồ Chí Minh).
Hệ thống rang xay của Alambé Coffee . Ảnh: Ngân Nga |
Nhận thấy tiềm năng to lớn của cà phê Việt Nam nhưng chưa được khai thác và quảng bá đúng mực trên thị trường quốc tế, hai doanh nhân Phạm Khánh Hiệp và Alexander Gruber đã quyết định thành lập một thương hiệu cà phê đặc sản, với sứ mệnh đưa hương vị Việt Nam chinh phục thế giới.
Với quyết tâm hiện thực hóa tầm nhìn, đội ngũ Alambé đã không ngừng khám phá và tìm kiếm những hạt cà phê đặc sản quý hiếm nhất tại các vùng trồng cà phê nổi tiếng của Việt Nam như Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai. Họ trực tiếp đến các nông trại, hợp tác xã để làm việc cùng những người nông dân giàu kinh nghiệm, lựa chọn kỹ lưỡng từng hạt cà phê.
Để đảm bảo giữ được hương vị độc đáo của cà phê Việt Nam, quy trình chế biến của Alambé Coffee rất khắt khe và được kiểm soát nghiêm ngặt. Từ khâu thu hoạch, chọn lọc, sơ chế đến quá trình rang xay, mỗi bước đều được thực hiện cẩn trọng. Sự tỉ mỉ trong từng công đoạn không chỉ giúp giữ được vị đậm đà, mà còn làm nổi bật những nốt hương tinh tế đặc trưng của hạt cà phê Việt. Chính sự tôn trọng nguồn gốc và quy trình truyền thống đã giúp Alambé Coffee định hình phong cách riêng của mình.
Các sản phẩm của Alambé Coffee. Ảnh: Alambé Coffee |
Hiện tại, Alambé Coffee đang cung cấp nhiều sản phẩm “độc nhất vô nhị” như Alambé Đăk Lăk và Alambé Sài Gòn là loại rang xay truyền thống của Việt Nam và không sử dụng phụ gia; Alambé Lâm Đồng và Alambé Kontum là cà phê Espresso phong cách Ý; còn Alambé Da Sar và Alambé Đà Lạt là những loại cà phê Arabica hiếm và thực sự đặc biệt, mang đến trải nghiệm độc đáo cho những người sành cà phê.
Mở rộng thị trường quốc tế
Với tầm nhìn quốc tế, Alambé Coffee không chỉ dừng lại ở thị trường trong nước. Trong những năm qua, thương hiệu này đã dần mở rộng phạm vi hoạt động ra các thị trường quốc tế.
Hành trình đưa cà phê Việt Nam ra thế giới của Alambé Coffee bắt đầu từ năm 2019, khi doanh nhân Phạm Khánh Hiệp và cộng sự mở rộng cơ sở sang Canada và Thụy Sĩ. Nơi đầu tiên anh chọn để giới thiệu hương vị cà phê Việt Nam tại Canada là thủ phủ Charlottetown, đảo Hoàng tử Edward.
Ông Alex Grube và các cộng sự kiểm tra chất lượng của sản phẩm. Ảnh: Ngân Nga |
Anh Hiệp đã vạch ra chiến lược tiếp cận khách hàng tại Đảo Hoàng tử Edward một cách cẩn thận, khi thương hiệu của anh xuất xứ từ Việt Nam - quốc gia sản xuất cà phê lớn thứ 2 thế giới. Tại đây, anh giới thiệu ba loại cà phê: một loại làm từ hạt Robusta, một loại từ hạt Arabica và một loại pha trộn hai loại hạt. Khác với cà phê Arabica, cà phê Robusta có vị đậm đà hơn.
Nhờ nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc kiểm soát chất lượng và quảng bá hình ảnh, Alambé đã dần khẳng định vị thế của mình trên thị trường cà phê quốc tế. Đến nay, sản phẩm của Alambé đã có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới, từ châu Âu đến châu Á và châu Úc.
Vào tháng 9/2023, Tạp chí Asia Business Outlook đã vinh danh hai thương hiệu Việt Nam trong danh sách 10 công ty cà phê hàng đầu Đông Nam Á năm 2023. Trong đó, King Coffee đứng thứ 8, còn Alambé Coffee đứng đầu bảng.
Ngoài kênh bán hàng B2B, xuất khẩu sang Mỹ, Thụy Sĩ, Canada, Alambé Coffee cũng được bán tại một số hệ thống cửa hàng, siêu thị như 7-Eleven, Mekong Gourmet Market, Genshai Mart,…