Ai Cập có nhu cầu lớn với sản phẩm cá tra |
Với dân số 91 triệu người, nhu cầu tiêu thụ thủy hải sản của Ai Cập trong những năm gần đây đạt khoảng 1,8-2 triệu tấn/năm và liên tục gia tăng do tốc độ tăng dân số cao khoảng 2,4%/năm và xu hướng chuyển dịch sang tiêu dùng thủy sản do có lợi cho sức khỏe.
Bên cạnh đó, giá thành các loại thịt gia cầm, gia súc tăng cao cũng góp phần gia tăng nhu cầu đối với nhóm hàng thủy hải sản. Lượng thủy hải sản (chủ yếu là cá) nuôi trồng, đánh bắt hàng năm của Ai Cập trị giá vào khoảng 1,5 tỷ USD, đóng góp khoảng 8% tổng sản lượng nông nghiệp Ai Cập. Khoảng 56% nguồn cung trong nước được khai thác từ sông Nile, 29% từ các hồ và 15% từ biển.
Hiện các loại thủy sản được Ai Cập nhập khẩu chủ yếu bao gồm cá thu-mackerel (200 nghìn tấn), sardines (60.000 tấn), cá trích-hering (50.000 tấn), cá silver smelt (25.000 tấn), silver hake (17.000 tấn), cá basa (15.000 tấn), tôm, nhuyễn thể hai mảnh… Các nước cung cấp thủy sản nhập khẩu cho Ai Cập là Hà Lan, Đức, Hoa kỳ, Nauy, Marốc, Thái Lan và Việt Nam.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Ai Cập giai đoạn 2012 - 2015 có nhiều biến động do ảnh hưởng của khủng hoảng chính trị. Năm 2012, giá trị xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam sang Ai Cập đạt 79,5 triệu USD; năm 2013 đạt 57,2 triệu USD; năm 2014 đạt 71,7 triệu USD và năm 2015 đạt 64,2 triệu USD. Riêng 8 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 30,68 triệu USD, giảm 30,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự sụt giảm tập trung vào một số nguyên nhân cơ bản như sự thiếu hụt ngoại tệ thanh toán của Ai Cập; sự phá giá của đồng bảng Ai Cập; đồng tiền của một số nguồn cung lớn khác (đối với mặt hàng tôm) phá giá mạnh.
Nhóm hàng thủy sản xuất khẩu sang thị trường Ai Cập tập trung vào nhóm cá tra fillet (mã HS 03 &16) chiếm 61 - 70% tổng giá trị kim ngạch; nhóm tôm chân trắng đông lạnh (mã HS 03&16) từ 27 - 35% tổng giá trị kim ngạch. Một lượng nhỏ cá ngừ đóng hộp và nhuyễn thể.
Đối với nhóm hàng thủy hải sản nhập khẩu, Ai Cập chỉ cho phép sản phẩm thủy sản có hạn sử dụng là 6 tháng. Các mặt hàng đông lạnh nhập khẩu sẽ được tiến hành kiểm tra chặt chẽ với nhiều tiêu chí như chất phóng xạ, độc tố, vi sinh, kim loại nặng. Trong gian đoạn hiện nay, do không thuộc mặt hàng nhập khẩu thiết yếu, Chính phủ Ai Cập quy định các doanh nghiệp nhập khẩu thủy sản Ai Cập không nhận được ưu tiên mua ngoại tệ để thanh toán tiền hàng nhập khẩu và chịu giới hạn trần tiền gửi ngoại tệ hàng tháng. Nếu các doanh nghiệp thanh toán L/C phải ký quỹ 100%.
Về thuế nhập khẩu, hiện Ai Cập đang áp dụng mức thuế suất với hàng thủy sản dao động từ 5% tới 40%. Riêng mặt hàng mã HS 03.03 và 03.04 được miễn thuế khi xuất khẩu vào quốc gia này.