Đồng Tháp: Đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông nghiệp, làng nghề Sản phẩm OCOP: Sản phẩm đặc biệt cần cách quảng bá đặc biệt |
Thông tin được bà Võ Phương Thủy - Phó Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp - cho biết, tại lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác xây dựng Chương trình “1.000 câu chuyện sản phẩm OCOP”; Phát triển Thương hiệu nông sản Cần Giờ và Sàn giao dịch thịt heo TP. Hồ Chí Minh, diễn ra chiều ngày 14/8/2023 tại TP. Hồ Chí Minh.
Bà Võ Phương Thủy - Phó Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp, phát biểu tại lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác xây dựng Chương trình “1.000 câu chuyện sản phẩm OCOP" chiều ngày 14/8/2023 tại TP. Hồ Chí Minh |
Theo bà Võ Phương Thủy, Đồng Tháp là một tỉnh nông nghiệp, những ngành hàng chủ lực của tỉnh: gạo, cá tra và cây ăn trái. Trong đó, lúa gạo sản lượng 3 triệu tấn/năm, thủy sản (chủ yếu cá tra) sản lượng 500 ngàn tấn/năm, còn cây ăn trái các loại 400 ngàn tấn/năm (chủ lực xoài).
Với tiềm năng về nông nghiệp cùng với tài nguyên bản địa ở địa phương như vậy, trong thời gian qua sản phẩm OCOP của Đồng Tháp phát triển phát triển mạnh nhất của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Cụ thể, hiện nay, tỉnh Đồng Tháp có 357 sản phẩm OCOP, đứng thứ 3 của cả nước về số lượng (sau Hà Nội và Quảng Ninh). Trong đó, có 1 sản phẩm 5 sao, trên 100 sản phẩm 4 sao, còn lại là 3 sao và có 4 sản phẩm OCOP du lịch.
Trong thời gian qua, Đồng Tháp xác định để Chương trình OCOP phát triển, bên cạnh việc xem xét công nhận, thì việc hỗ trợ làm sao để thương mại hóa được sản phẩm OCOP là một trong những giải pháp quan trọng mà Đồng Tháp đã và đang tập trung triển khai.
Một số đặc sản Đồng Tháp trên sàn thương mại điện tử Voso (Ảnh minh họa) |
Đóng góp ý kiến tại lễ ký kết hợp tác xây dựng Chương trình “1.000 câu chuyện sản phẩm OCOP”, bà Võ Phương Thủy bày tỏ rất vui và cam kết nếu như Đồng Tháp được chọn cùng với hai địa phương là Long An và TP. Cần Thơ tham gia Chương trình. "Chúng tôi sẽ cùng ngồi lại với các đối tác làm sao chọn những sản phẩm OCOP tốt nhất. Đồng Tháp sẽ chọn những sản phẩm OCOP mang đặc trưng thế mạnh và có năng lực xây dựng thương hiệu tốt để tham gia xây dựng chương trình này"- bà Thủy bày tỏ.
Hiện nay, sản phẩm OCOP của Đồng Tháp có tỷ lệ kinh doanh trên thương mại điện tử đạt 75%. Tuy nhiên, qua theo dõi thấy doanh số bán ra trên thương mại điện tử của Đồng Tháp chưa có cao. Theo bà Võ Phương Thủy, có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân quan trọng nhất hiện nay là phụ thuộc vào năng lực của doanh nghiệp. Bởi vì, chủ thể của OCOP của Đồng Tháp đa phần là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. “Đa số sản phẩm OCOP là khởi nghiệp, một ông chủ vừa lên ý tưởng sản xuất từ tài nguyên bản địa của mình cũng là người làm công tác bao bì, marketing, cũng là người làm công tác đưa sản phẩm ra thị trường, đặc biệt, hạn chế trong tiếp cận công nghệ thông tin” – bà Võ Phương Thủy chia sẻ.
Để xây dựng, phát triển Chương trình “1.000 câu chuyện sản phẩm OCOP”, Phó giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp đề nghị, Tiki tập trung đào tạo kỹ năng cho các chủ thể OCOP được chọn. Cùng với đó là công tác truyền thông, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, đồng thời, thường xuyên phối hợp thực hiện các chương trình khuyến mại kích cầu tiêu dùng.