Sản xuất và tiêu dùng bền vững: Hiện thực hóa Net zezo vào năm 2050 Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị về sản xuất và tiêu dùng bền vững 2023 |
Dẫn số liệu từ Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), TS. Lê Xuân Thịnh – Giám đốc Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) - cho biết, mỗi năm Việt Nam thải ra môi trường 1,8 triệu tấn nhựa, trong đó có khoảng 730.000 tấn bị thải ra biển. Bình quân hàng tháng mỗi hộ gia đình dùng và thải ra 1kg túi nilon.
Thực tế, chất thải nhựa có nguồn gốc chủ yếu từ các hoạt động sinh hoạt, tiêu dùng của người dân. 50% sản phẩm nhựa được thiết kế, sản xuất phục vụ mục đích sử dụng một lần và thải bỏ. Chỉ một phần được thu hồi – tái chế, một phần được được xử lý bằng biện pháp thiêu đốt hoặc chôn lấp.
TS. Lê Xuân Thịnh cho rằng, trong sản xuất tái chế nhựa thông thường, việc phân loại, thu hồi, tái chế và xử lý rác thải nhựa còn hạn chế. Rác thải nhựa quá trình tái chế sẽ cho rác các sản phẩm nhựa tái chế, nhưng hình thành lượng chất thải lớn như chất thải rắn, khí thải, nước thải gây các vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường.
Trong khi đó, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên và sản xuất tuần hoàn (RECP) trong sản xuất tái chế nhựa, rác thải nhựa sẽ được phân loại, sau đó qua các công đoạn để tạo hạt nhựa hoặc sử dụng tuần hoàn. Nhựa thải hiện có từ nhiều nguồn khác nhau, là nguyên liệu đầu vào cho sản xuất các sản phẩm nhựa có ích. Các sản phẩm nhựa tái chế dưới nhiều hình thức như ngói nhựa, gạch lát, thùng rác, ghế,…
Trước mối đe dọa từ chất thải nhựa và túi nilon, Chính phủ đã ban hành và đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, giải pháp nhằm quản lý, kiểm soát ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa, gắn kết hành động chống rác thải nhựa, sử dụng có hiệu quả tài nguyên với chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Trong Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030, nước ta đặt mục tiêu đến năm 2030, 100% các siêu thị, trung tâm thương mại sử dụng sản phẩm bao bì thân thiện môi trường thay thế cho sản phẩm bao bì nhựa sử dụng một phần, khó phân hủy.
Áp dụng tiêu dùng bền vững trong quản lý rác thải nhựa, Giám đốc VNCPC - TS. Lê Xuân Thịnh kiến nghị: Đối với nhà sản xuất, cần hạn chế sản xuất và dần thay thế các sản phẩm nhựa. Đối với người tiêu dùng, hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa và nhựa dùng một lần.
Đồng thời vị này cho rằng, tín chỉ nhựa là xu hướng mới. Ngoài thúc đẩy phát triển bền vững, việc mua tín chỉ nhựa còn có lợi ích như bù đắp cho lượng nhựa công ty sản xuất và đưa vào môi trường, tạo cơ hội cho công ty đạt được “trung hòa nhựa”; đóng góp vào các mục tiêu phát triển bền vững;…
Phát triển nền kinh tế tuần hoàn nhờ tái chế nhựa hướng tới tương lai bền vững là hướng đi cần thiết để bảo vệ môi trường, giảm rác thải nhựa. |
Chia sẻ kinh nghiệm triển khai chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững, ông Đỗ Văn Sáng – Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công thương Hà Nội) - cho hay: Thời gian qua, đơn vị đã đẩy mạnh truyền thông về sản xuất và tiêu dùng bền vững, tuyên truyền sử dụng sản phẩm bao bì thân thiện môi trường, giảm rác thải nhựa… Xây dựng tài liệu hướng dẫn giảm thiệu, thu gom tía sử dụng chất thải.
Kết quả đã tạo những chuyển biến tích cực về nhận thức trong cộng đồng về hành động sản xuất và tiêu dùng bền vững và gắn kết các doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường từ khâu sản xuất đến phân phối, tiêu dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường. “100% các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố đã thực hiện cam kết giảm sử dụng túi nilon khó phân hủy, chuyển đổi sử dụng túi tự hủy sinh học, bao bì thân thiện với môi trường thay thế dần cho các sản phẩm bao bì nhựa dùng một lần, khó phân hủy…”, ông Sáng thông tin.
Năm 2022, để triển khai hiệu quả Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững, Bộ Công Thương đã ban hành Quy chế hoạt động của Chương trình nhằm thống nhất từ Trung ương đến địa phương trong quá trình triển khai thực hiện. Căn cứ vào danh mục nhiệm vụ năm 2022, Bộ Công Thương đã tập trung triển khai các nhiệm vụ, dự án nhằm đạt được mục tiêu đề ra như: Rà soát, bổ sung, xây dựng và hoàn thiện chính sách về sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Trong đó, tập trung xây dựng định mức tiêu hao nguyên liệu cho các ngành giấy, nhựa, dệt may; khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên, phát triển nhiên liệu, vật liệu tái tạo, tái sinh; thúc đẩy sản xuất sạch hơn, sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường và đẩy mạnh áp dụng mô hình và liên kết bền vững theo chuỗi vòng đời sản phẩm; phát triển hệ thống phân phối, tiêu dùng bền vững, xuất nhập khẩu bền vững; triển khai áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong một số lĩnh vực chế biến, chế tạo; đặc biệt, truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng về sản xuất và tiêu dùng bền vững.