Xây dựng nhiều “kịch bản” phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội Bảo hiểm Xã hội Việt Nam: Cung cấp 20 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia |
Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, dù có nhiều khó khăn, tuy nhiên số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cơ bản đều tăng so với cùng kỳ.
Đồng thời, ngành đã tập trung triển khai thực hiện chế độ, chính sách kịp thời, đảm bảo tối đa quyền lợi cho người thụ hưởng; quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được quản lý và sử dụng theo đúng quy định của pháp luật; công tác cải cách thủ tục hành chính chuyển đổi số được cường thực hiện; quan hệ hợp tác quốc tế tiếp tục duy trì và mở rộng...
Theo số liệu của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, số người tham gia phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đến hết tháng 6/2023 đều tăng so với cùng kỳ năm 2022, cụ thể: 17,48 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, tăng 662 nghìn người (khoảng 3,9%) so với cùng kỳ năm 2022, đạt 37,5% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Ngoài ra, có 90,89 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, tăng 4,35 triệu người (khoảng 5,04%) so với cùng kỳ năm 2022, đạt 91,86 % dân số; 14,29 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, tăng 495 nghìn người so với cùng kỳ năm 2022, đạt 30,7% lực lượng trong độ tuổi.
Bên cạnh đó, công tác giải quyết, chi trả chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện đầy đủ, kịp thời tới từng người tham gia, thụ hưởng, đã góp phần hỗ trợ, ổn định cuộc sống của người lao động, nhất là trong bối cảnh việc làm, thu nhập của người dân còn chịu tác động nặng nề sau đại dịch Covid-19.
Kết quả, 6 tháng đầu năm 2023, toàn ngành giải quyết cho khoảng 37 nghìn người hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng; 665.423 người hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội một lần; 4.386.236 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.
Đặc biệt, ngành bảo hiểm xã hội đã phối hợp với ngành Lao động, Thương binh và Xã hội giải quyết cho 499.824 người hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp, trong đó: 490.726 người hưởng trợ cấp thất nghiệp và 9.098 người hưởng mới hỗ trợ học nghề.
Cùng với đó, theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, công tác chi trả chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp luôn được thực hiện đúng quy định và tạo điều kiện thuận lợi cho người hưởng. "Ngoài việc chi trả bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp qua hệ thống bưu điện, tiếp tục vận động, khuyến khích người nhận các chế độ qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Hiện có khoảng 62% số người hưởng nhận các chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị (tăng khoảng 1% so với năm 2022)"- Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thông tin.
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đặc biệt nhấn mạnh, công tác thực hiện chính sách bảo hiểm y tế được triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả quỹ bảo hiểm y tế. Nhất là để đảm bảo quyền lợi bảo hiểm y tế cho người tham gia, trước tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế kéo dài tại nhiều bệnh viện, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan tham mưu, đề xuất Quốc hội, Chính phủ ban hành các chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong mua sắm, đấu thầu, quản lý và sử dụng thuốc, vật tư trang thiết bị y tế.
Đồng thời, phối hợp giải quyết các vướng mắc trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế... phục vụ kịp thời các hoạt động khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe cho người dân tại các cơ sở khám chữa bệnh. Tính hết tháng 6/2023, cả nước có khoảng 82,98 triệu lượt người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế nội trú và ngoại trú (tăng 18,76 triệu lượt người so với cùng kỳ năm 2022); với số tiền giám định, thanh toán là 57.03 tỷ đồng (tăng 10.79 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022).
Tại hội nghị, Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam – ông Nguyễn Thế Mạnh đã đánh giá cao các kết quả toàn ngành đạt được trong 6 tháng đầu năm 2023. Đồng thời, nêu rõ các chỉ tiêu chủ yếu của ngành đều tăng so với cùng kỳ, là tiền đề quan trọng để toàn ngành hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thế Mạnh lưu ý, các khó khăn, thách thức là không ít nên toàn ngành không được lơ là, chủ quan, mà cần kiên định, quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ bằng tất cả các giải pháp linh hoạt, phù hợp và hiệu quả.
“Thời gian tới, các đơn vị và bảo hiểm xã hội các địa phương cần chủ động xây dựng, triển khai các giải pháp, kịch bản điều hành thích ứng với diễn biến, tình hình thực tế; nắm bắt, đánh giá những vướng mắc, bất cập trong tổ chức, thực hiện để chủ động phối hợp với các Bộ, ngành… đề xuất cơ quan có thẩm quyền giải quyết, tháo gỡ nhằm đảm bảo quyền lợi, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp”- ông Nguyễn Thế Mạnh đề nghị.