6 giải pháp lớn phát triển sản xuất sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia
Có chuyển biến tích cực nhưng vẫn ghi nhận tồn tại
Theo số liệu từ Báo cáo tổng hợp đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Nghiên cứu đề xuất giải pháp phát triển sản xuất sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu cấp quốc gia” do Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 (Trung tâm 1), Cục Công Thương địa phương thực hiện, giai đoạn 2012- 2022, Bộ Công Thương tổ chức 4 kỳ bình chọn và công nhận được 512 sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia.
Số lượng các địa phương đăng ký tham gia bình chọn kỳ sau luôn cao hơn kỳ trước, tăng cao ở nhóm chế biến, nông, lâm, thủy sản và thực phẩm. Qua các kỳ bình chọn cấp quốc gia cho thấy, triển khai công tác tổ chức bình chọn đã thu hút, khuyến khích, động viên được các cơ sở sản xuất CNNT tích cực hưởng ứng tham gia, không ngừng phát triển, giữ vững, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; mở rộng và phát triển quy mô sản xuất phục vụ nhu cầu xã hội.
Báo cáo cũng đưa ra những đánh giá khá toàn diện về thực trạng phát triển sản xuất sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia nói riêng, sản phẩm CNNT tiêu biểu nói chung.
Theo đó, các cơ sở CNNT đã mạnh dạn đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ sản xuất hoàn thiện hơn. Năm 2021 các cơ sở CNNT được khảo sát có bình quân khoảng 17 tỷ đồng tổng tài sản và nguồn vốn phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia tăng cả về lượng và chất. Ảnh Văn Đốc |
Quy mô sản xuất kinh doanh của các cơ sở CNNT có xu hướng được mở rộng, cơ bản đáp ứng yêu cầu của thị trường. Quy trình, công nghệ áp dụng trong sản xuất đa dạng, phù hợp cho từng nhóm sản phẩm và có sự cải thiện rõ rệt sau khi tham gia chương trình bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu các cấp.
Bên cạnh những kết quả tích cực đã chỉ ra, hiện trạng phát triển sản xuất sản phẩm CNNT tiêu biểu còn ghi nhận nhiều tồn tại. Qua khảo sát thực tế, có tới 48,1% doanh nghiệp lo lắng về sự sụt giảm nhu cầu của thị trường trong nước; 30,8% doanh nghiệp khó khăn về tài chính; 26,7% doanh nghiệp suy giảm nhu cầu từ thị trường quốc tế; 26,1% doanh nghiệp thiếu nguyên nhiên, vật liệu; 25,1% doanh nghiệp không tuyển dụng được lao động theo yêu cầu và 23,5% gặp khó khăn do lãi suất vay vốn cao…Những điều này đang ảnh hưởng tới sức khoẻ của doanh nghiệp cũng như hiện trạng sản xuất sản phẩm CNNT tiêu biểu.
Đề xuất nhiều giải pháp lớn
Qua đánh giá, tham vấn chuyên gia, nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra bối cảnh phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu trong thời gian tới.
Về cơ hội và triển vọng phát triển, bên cạnh yếu tố “nội lực” như tay nghề lao động, nguồn nguyên liệu sẵn có, tính sáng tạo trong sản xuất cùng sự hỗ trợ từ các chính sách đã giúp cho doanh nghiệp CNNT vượt khó và phát triển thì “ngoại lực” cũng đang có nhiều thuận lợi. Các Hiệp định thương mại tự do được ký kết đã mở sân chơi lớn cho doanh nghiệp có khát vọng, có tầm nhìn tốt. Thị truờng được mở rộng, các cơ sở CNNT có điều kiện đưa hàng hóa và dịch vụ của mình vào những nước thành viên tham gia hiệp định. Ðiều này tạo điều kiện cho các cơ sở mở rộng khả năng sản xuất, quy mô đầu tư.
Dù vậy, hội nhập kinh tế sâu rộng cũng khiến cạnh tranh giữa sản phẩm đến từ các quốc gia khác như Trung Quốc, Ấn Độ… càng trở nên gay gắt, nhất là khi mạng lưới liên kết giữa các hộ sản xuất với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp chưa cao chủ yếu còn mang tính địa phương cục bộ. Áp lực cạnh tranh khiến cho thị truờng của các cơ sở CNNT bị thu hẹp, không tìm kiếm được các đơn hàng mới, nhiều đơn hàng đã ký nay buộc phải hủy bỏ hoặc bị giãn tiến độ bởi khách hàng không có khả năng thanh toán...
Cần cộng hưởng các giải pháp cho phát triển sản xuất sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Ảnh Văn Đốc |
Về thị trường lao động, số lượng, chất lượng được nâng lên đáng kể nhưng thiếu lao động kỹ thuật, lao động có trình độ cao do đó việc ứng dụng những tiến bộ khoa học - công nghệ gặp khó khăn nhất định, số lượng thợ kỹ thuật chuyên đi vào nghiên cứu, sáng tác mẫu mã thực sự còn ít, chưa được đào tạo cơ bản mà chủ yếu là do sự mày mò, tự học hỏi của người lao động.
Cùng đó là những thách thức đến từ hiện trạng thiếu vốn cho sản xuất, công nghệ sản xuất còn lạc hậu gây tác động đến môi trường, mặt bằng cho sản xuất sản phẩm CNNT chưa được cải thiện nhiều, còn sự chồng chéo trong công tác quản lý doanh nghiệp CNNT…
Trước những tồn tại trên, nhóm nghiên cứu cũng đề xuất ra những giải pháp lớn. Cụ thể, các cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện chính sách phát triển nguồn vốn và tín dụng cho doanh nghiệp CNNT. Điều chỉnh chính sách thuế cho phù hợp với điều kiện, đặc điểm của cơ sở sản xuất kinh doanh tại các làng nghề công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, nên giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và miễn thuế cho cơ sở mới thành lập. Xóa bỏ hình thức thuế khoán cho hộ gia đình, cơ sở sản xuất hoặc khoán định mức thuế cho cán bộ thu thuế…
Giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ, chú trọng thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ nguồn từ các nước phát triển. Tranh thủ các kênh chuyển giao, hợp tác khoa học công nghệ, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ. Tăng cường nhập khẩu công nghệ mới, bằng phát minh sáng chế, bí quyết công nghệ, know-how để hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất và hiệu quả kinh doanh. Hỗ trợ, động viên, khuyến khích và tạo điều kiện cho các cơ sở CNNT đi tiên phong trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất. Phối hợp đồng bộ giữa khuyến khích nhập công nghệ mới, tiên tiến với nghiên cứu cải tiến công nghệ và sản xuất truyền thống.
Giải pháp về xúc tiến thương mại cần đa dạng hóa, nâng cao chất lượng thông tin xúc tiến thương mại; đẩy mạnh công tác cung cấp thông tin về dự báo tình hình thị trường trong và ngoài nước; các cơ hội giao thương, chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm và đặc biệt là những rào cản thương mại, cảnh báo thị trường nhằm giúp doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hạn chế được rủi ro; kết nối cung cầu, khảo sát thị trường, giao dịch thương mại.
Giải pháp phát triển nguồn nguyên liệu, có chính sách để thu hút và hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu tập trung được cấp chứng chỉ bền vững; hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất như: Đường giao thông, hệ thống thuỷ lợi, điện sản xuất... Phối hợp với doanh nghiệp, làng nghề tổ chức các lớp đào tạo nghề nông nghiệp, ngành nghề nông thôn và sản xuất sản phẩm CNNT tiêu biểu bằng nguyên liệu của địa phương.
Nhóm nghiên cứu cũng đưa ra nhóm giải pháp về nguồn nhân lực; bảo vệ môi trường…