Giai đoạn hiện nay, không chỉ các nhà đầu tư châu Âu, mà nhiều nhà đầu tư trên khắp thế giới, trong đó có các doanh nghiệp Hoa Kỳ cũng đang chú ý, quan tâm tới thị trường Việt Nam, đặc biệt ở những ngành kinh tế xanh, công nghệ cao. Chia sẻ quan điểm về việc thu hút nguồn vốn đầu tư từ Hoa Kỳ vào Việt Nam, ông Trịnh Minh Anh - Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế cho biết, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam được đánh giá bởi các tổ chức Chính phủ, phi Chính phủ và các tổ chức kinh tế quốc tế cũng như các cơ quan trong và ngoài nước. Song, tựu chung lại, hiện nay, Việt Nam đang là điểm đến đầu tư kinh doanh hấp dẫn, với 5 yếu tố:
Thứ nhất, Việt Nam được đánh giá là một quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng trong nhiều năm qua và được xem xét là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Số liệu thống kê từ Tổng cục Thống kê cho biết, GDP Quý III/2023 ước tính tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra tăng trưởng về thương mại, đầu tư và dịch vụ cũng là những động lực để cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Nguồn lao động tại Việt Nam dồi dào, độ tuổi trẻ... là những yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư từ Hoa Kỳ. Ảnh minh họa |
Thứ hai, Việt Nam có môi trường chính trị ổn định và hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ, hoàn thiện đã góp phần thu hút rất nhiều các nhà đầu tư quốc tế.
Thứ ba, Việt Nam có nhiều đối tác thương mại quan trọng và môi trường đầu tư rộng mở. Bởi hiện nay, Việt Nam đã ký kết rất nhiều Hiệp định thương mại quốc tế, trong đó có tới 16 hiệp hiệp định FTA đã có hiệu lực và 3 Hiệp định đang đàm phán. Đây là điều kiện để Việt Nam mở rộng cơ hội xuất khẩu, thúc đẩy thương mại; đồng thời, các FTA cũng giúp Việt Nam cải thiện môi trường đầu tư, xóa bỏ các rào cản, thúc đẩy kết nối với các thị trường toàn cầu thông qua các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA...
Thứ tư, Việt Nam có lợi thế về lực lượng lao động. Nguồn lao động tại Việt Nam dồi dào, độ tuổi trẻ, chi phí lao động thấp hơn so với các quốc gia khác trong khu vực.
Thứ năm, thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực không ngừng và đạt được nhiều thành công trong việc cải cách thủ tục hành chính, xóa bỏ những thủ tục rườm rà, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài mở rộng thị trường và ổn định sản xuất.
“Với những lợi thế kể trên, Việt Nam đang có một sức hút rất lớn đối với các nhà đầu tư nói chung và nhà đầu tư Hoa Kỳ nói riêng” - ông Trịnh Minh Anh nhận định và dẫn chứng thêm, Việt Nam đang là một trong đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Hoa Kỳ. Kim ngạch thương mại song phương tăng bình quân khoảng 16%/năm, từ 6,8 tỷ USD năm 2005 lên gần 125 tỷ USD năm 2022. Các doanh nghiệp và nhà đầu tư Hoa Kỳ có tới hơn 1.200 dự án tại Việt Nam và với tổng số vốn đầu tư khoảng 11,4 tỷ USD.
Đặc biệt, theo ông Trịnh Minh Anh, sự kiện nâng cấp quan hệ song phương Việt Nam - Hoa Kỳ lên mức Đối tác chiến lược toàn diện vừa qua sẽ tạo cơ hội chưa từng có để thúc đẩy những lĩnh vực hợp tác mới, mang tính đột phá giữa hai bên; trong đó tập trung đẩy mạnh sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện, thiết bị cho ngành năng lượng, hàng không, kinh tế số, hệ sinh thái bán dẫn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo…
Dù vậy, nhìn nhận thực tế, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế cho rằng, môi trường kinh doanh của Việt Nam đang phải đối mặt với một số khó khăn bao gồm các thách thức về hạ tầng, về quy tắc và luật pháp, về chính sách... Và hiện tại, Việt Nam đã và đang nỗ lực khắc phục và hoàn thiện các điểm yếu này.
Nói rõ hơn về xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp Hoa Kỳ tại thị trường Việt Nam, bà Phạm Châu Giang - Giám đốc đối ngoại của Tập đoàn Vina Capital cho biết, nhà đầu tư Hoa Kỳ có xu hướng đầu tư vào các khu công nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam. Gần đây, xu hướng dịch chuyển vốn, công nghệ và chuỗi cung ứng từ Hoa Kỳ vào Việt Nam rất bài bản, chuyên nghiệp gắn với công nghệ mới giúp nâng cao điều kiện làm việc, kiến thức kỹ thuật và chuyên môn... qua đó góp phần thúc đẩy phát triển môi trường đầu tư, kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, để thu hút hiệu quả các nguồn lực từ Hoa Kỳ trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao một cách hiệu quả hơn, Việt Nam vẫn cần nỗ lực khắc phục các điểm yếu về cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính, hệ thống pháp luật...
"Việt Nam có nhiều thuận lợi để phát triển ngành sản xuất chip bán dẫn, tuy nhiên, việc phát triển chip bán dẫn không đơn giản là xây một nhà máy. Quá trình này đòi hỏi một hệ thống sinh thái đi kèm gồm các thành phần như cơ sở hạ tầng kết nối giữa khu công nghệ, hệ thống cầu cảng, nguồn điện lưới, nguồn nhân lực chất lượng cao dồi dào, các cơ sở nghiên cứu cũng như các doanh nghiệp thượng nguồn và hạ nguồn đủ lớn..." - bà Giang chia sẻ và tin tưởng, với nền tảng là Đối tác chiến lược toàn diện của nhau, hi vọng thời gian tới, quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ hướng tới mục tiêu phát triển ngày càng sâu rộng, thực chất và hiệu quả, tương xứng với khuôn khổ hợp tác mới và đáp ứng những lợi ích thiết thực của nhân dân hai quốc gia, vì hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và thế giới.