Doanh nghiệp xuất khẩu Việt cần tận dụng vận hội mới Doanh nghiệp xuất khẩu tìm cách “chặn” nguy cơ đứt đơn hàng EVFTA cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp xuất khẩu năm 2023 |
Nhiều ngành hàng về đích sớm
Xuất nhập khẩu năm 2022 ghi nhận nhiều cột mốc lịch sử khi lần đầu tiên tổng kim ngạch thương mại vượt 700 tỉ USD, bên cạnh đó là con số xuất siêu khoảng 10 tỉ USD, nhiều ngành hàng bước vào các “câu lạc bộ tỉ USD và chục tỉ USD”. Có đến 35 ngành hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỉ USD và 8 ngành hàng vượt 10 tỉ USD.
Năm 2022, “câu lạc bộ xuất khẩu 10 tỉ USD” kết nạp thêm ngành thủy sản, nâng số lượng thành viên của câu lạc bộ này lên con số 8. Đáng chú ý, ngành này cũng chỉ cần 11 tháng để đạt được cột mốc lịch sử. Ước tính, kết quả xuất khẩu cả năm của ngành này có thể vượt 11 tỉ USD và tăng hơn 2 tỉ USD so với năm 2021. Trong “câu lạc bộ 10 tỉ USD”, ngành gỗ và sản phẩm gỗ tuy gặp nhiều khó khăn nhưng đến hết tháng 11 vẫn đạt giá trị 14,6 tỉ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước.
Ấn tượng không kém ngành thủy sản là lĩnh vực xuất khẩu cà phê khi hết tháng 11, mặt hàng này đã đạt gần 1,7 triệu tấn tương đương giá trị 3,5 tỉ USD, tăng 31% so với năm 2021. Đây cũng là kim ngạch xuất khẩu kỷ lục của ngành này.
Cùng với thủy sản, cà phê, xuất khẩu gạo cũng về đích sớm khi mới qua 11 tháng đã đạt sản lượng gần 6,7 triệu tấn tương đương giá trị 3,2 tỉ USD, tăng 16% về khối lượng và tăng 7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.
Ông Đỗ Hà Nam – Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam đánh giá, năm 2022 được xem là năm thành công của xuất khẩu gạo. Đặc biệt là lượng xuất khẩu cả năm ước đạt trên 7 triệu tấn.
Việc nới room tín dụng cùng với những giải pháp về thị trường giúp doanh nghiệp kỳ vọng vào đà tăng trưởng mới |
Với sự đột phá mới về thị trường đã giúp xuất khẩu gạo tăng mạnh cả về giá trị và số lượng. Ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cho biết, giá gạo thơm xuất khẩu tới thị trường Trung Đông, châu Âu của doanh nghiệp này trong năm 2022 đạt mức bình quân 650 USD/tấn, riêng loại gạo ST24, ST25 có giá trên 1.000 USD/tấn - đây là giá xuất khẩu cao đối với mặt hàng lúa gạo trong nhiều năm nay.
Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến hết tháng 11/2022 xuất khẩu nhóm hàng nông sản, lâm thủy sản ước đạt 28 tỉ USD, tăng gần 12% so với cùng kỳ năm trước. Đối với lĩnh vực công nghiệp chế biến, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này ước đạt 294,5 tỉ USD, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước. Các ngành hàng tăng trưởng ấn tượng như: Túi xách, va li, mũ, ô dù tăng 39%; hàng dệt và may mặc tăng 18,5%... Còn xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản cũng tăng 33,5% so với cùng kỳ năm trước.
Kỳ vọng đà tăng trưởng mới
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm nay thêm khoảng 1,5-2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Việc nới room tín dụng giúp doanh nghiệp kỳ vọng vào đà tăng trưởng mới.
Ông Trần Quang Phú - Giám đốc Công ty TNHH giày Hồng Phúc (TP. Hồ Chí Minh) bày tỏ, việc nới room tín dụng là điều doanh nghiệp rất mong đợi. Vì thời gian qua dù hạn mức được ngân hàng cấp mới sử dụng 60 - 70% nhưng nhiều ngân hàng lấy lý do cạn room tín dụng đã ngừng giải ngân. Việc này khiến doanh nghiệp lâm vào cảnh không có vốn dù đang bước vào mùa cao điểm cuối năm. “Thời điểm này, doanh nghiệp được tiếp thêm vốn giống như “nắng hạn gặp mưa rào”. Doanh nghiệp sẽ có thêm tiền trả lương, thưởng cho công nhân dịp cuối năm và có vốn nhập nguyên liệu sản xuất cho đơn hàng đầu năm 2023” - ông Trần Quang Phú cho hay.
Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Kết, Giám đốc Công ty cơ khí chính xác SKD Việt Nam cho hay, việc nới room sẽ tạo ra các dòng vốn mới để đưa vào hệ thống các doanh nghiệp, những đơn vị có bài toán kinh doanh khả thi, thị trường ổn định, đặc biệt, tập trung cho doanh nghiệp sản xuất thương mại… Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, nới room, giảm lãi vay cũng cần giảm thủ tục hành chính.
“Thời điểm này gần như đã không còn kịp để doanh nghiệp tiếp cận vốn cho sản xuất đơn hàng cuối năm. Có chăng các gói hỗ trợ sẽ được tận dụng cho đầu – giữa năm sau 2023. Doanh nghiệp nếu có thể tiếp cận được thêm vốn, sẽ thuận lợi hơn trong sản xuất ở năm sau”, ông Kết nói.
Với ngành gạo, ông Phạm Thái Bình cho rằng năm 2023 sẽ tiếp tục là năm khả quan với doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Điều này hoàn toàn có cơ sở vì gạo là lương thực thiết yếu mà quốc gia nào cũng cần, trong khi nguồn cung gạo của nhiều quốc gia bị thu hẹp lại do biến đổi khí hậu. Minh chứng là doanh nghiệp đã ký kết và sẽ giao khoảng 30.000 tấn gạo trong quý I/2023 cho các thị trường như Malaysia, Singapore, Hàn Quốc.
Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, với sự nỗ lực của các doanh nghiệp, năm 2023 ngành Dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 47 – 48 tỷ USD. “Chúng ta hoàn toàn có đủ cơ sở để đặt ra mục tiêu này. Thứ nhất là do các doanh nghiệp sản xuất đã bắt đầu chuyển đổi cơ sấu sản xuất từ dệt kim sang dệt thoi. Thứ hai là doanh nghiệp tìm hướng sản xuất các đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh. Thứ ba là đa dạng hóa được các thị trường. Một số thị trường như khối Liên Xô cũ, thị trường Châu Phi, Trung Đông trước đây doanh nghiệp không quan tâm nhiều thì giờ đã quan tâm hơn. Đặc biệt là thị trường Trung Quốc, hiện cũng là một thị trường xuất khẩu lớn của dệt may Việt Nam”, ông Vũ Đức Giang nhấn mạnh.
Cũng theo ông Vũ Đức Giang, ngoài các giải pháp về nguồn tài chính, lãi suất thấp thì Chính phủ và các bộ, ngành, năm nay cân nhắc việc giảm thuế hoặc hoãn thuế cho doanh nghiệp. Đặc biệt, về lãi suất ngân hàng, nhà nước có thể cân nhắc với một số lĩnh vực ngành hàng có xuất khẩu lớn, thặng dư thương mại cao, giải quyết việc làm, thì giữ mức lãi suất hợp lý để khuyến khích doanh nghiệp duy trì, giữ ổn định lao động. Điều này sẽ tạo động lực cho năm tới, doanh nghiệp sẵn sàng đón đầu các đơn hàng khi nhu cầu thị trường hồi phục trở lại.