Tăng tính cạnh tranh của doanh nghiệp, hàng hóa để nâng cao giá trị xuất khẩu |
Những kết quả đáng ghi nhận
Cụ thể, kim ngạch XK hàng hóa tháng 4 ước đạt 16,7 USD, tính chung 4 tháng, kim ngạch XK hàng hóa ước đạt 61,3 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2016. Đây được đánh giá là mức tăng trưởng mạnh, đặc biệt trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn. Mức tăng này cũng vượt nhiều lần so với con số Quốc hội giao cho ngành Công Thương trong năm 2017 (tăng 6 - 7%). Tất cả các nhóm hàng XK đều có sự tăng trưởng về kim ngạch với mức tăng từ 12 - 43,6%.
Đáng chú ý, liên tục từ đầu năm đến nay, kim ngạch XK của khu vực kinh tế trong nước - động lực chính của nền kinh tế đã liên tục tăng cao, gần bằng mức tăng của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (tăng 16,1%).
Tính chung 4 tháng, kim ngạch XK của nhóm này đã đạt 17,3 tỷ USD, tăng đến 13,7%. Nếu so sánh với con số tăng nhẹ 3,4% của cùng kỳ năm 2016, đây là kết quả rất đáng ghi nhận.
Những lo ngại về việc Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tạm thời “đóng băng” sẽ tác động mạnh đến kim ngạch XK hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ vẫn chưa xảy ra. Tính đến hết tháng 4, Hoa Kỳ vẫn là thị trường XK lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 11,9 tỷ USD, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2016. Những thị trường lớn truyền thống khác của Việt Nam cũng giữ được mức tăng trưởng kim ngạch tương đối mạnh là EU với 11,3 tỷ USD, tăng 8,8%; Trung Quốc, ASEAN đạt 6,7 tỷ USD, tăng 26%; Nhật Bản đạt 5,2 tỷ USD, tăng 19,3%; Hàn Quốc đạt 4,4 tỷ USD, tăng 32%.
Kim ngạch nhập khẩu nhóm cần hạn chế giảm 7%
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu (NK) hàng hóa tháng 4 đã dần suy giảm, ước đạt 17,5 tỷ USD, giảm nhẹ 4,6% so với tháng trước. Trong đó, các nhóm hàng đều giảm từ 0,6 - 5,2% và giảm mạnh nhất là nhóm cần hạn chế nhập khẩu (NK). Tính chung 4 tháng, kim ngạch NK hàng hóa ước đạt 64,1 tỷ USD, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, nhóm hàng cần NK có mức tăng mạnh nhất (26,5%) với sự gia tăng của các mặt hàng phục vụ chế biến, sản xuất như than đá, xăng dầu, sắt thép, hóa chất, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc thiết bị..., riêng nhóm cần hạn chế NK giảm 7%.
Với tình hình xuất nhập khẩu như vậy, sau 4 tháng, cả nước đã nhập siêu 27,3 tỷ USD, tương đương 4,5% tổng kim ngạch XK, vẫn thấp hơn so với con số Quốc hội cho phép (5%).
Nhận định về tình hình xuất siêu đã duy trì từ đầu năm đến nay, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4 diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay, việc phải NK nhiều mặt hàng dùng cho sản xuất cũng như chế biến XK cho thấy, sản xuất, kinh doanh tiếp tục có dấu hiệu phục hồi tích cực. Tuy vậy, để hạn chế NK những nhóm hàng hóa không thực sự cần thiết, trong thời gian tới, cần đẩy mạnh phát triển sản xuất trong nước, nâng cao chất lượng hàng hóa để sản phẩm có đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm NK cùng loại. Đồng thời, thực hiện tốt Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ưu tiên sử dụng những sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước để hạn chế NK.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, có nhiều Hiệp định thương mại tự do với các quốc gia và vùng lãnh thổ. Do đó, nếu chúng ta phát triển XK thì nhiều nước cũng sẽ có điều kiện XK vào Việt Nam, dẫn đến gia tăng NK. Do đó, cần đẩy mạnh sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp và hàng hóa để có thể đạt giá trị XK cao hơn. |