Bộ Công Thương sẵn sàng triển khai Chứng thực hợp đồng điện tử trong tháng 6/2022 Sắp diễn ra Hội nghị “Phát triển hợp đồng điện tử tại Việt Nam - Triển khai Nghị định 85/2021/NĐ-CP” |
Giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí
Đánh giá về vai trò của chuyển đổi số đối với sự phát triển kinh tế của đất nước hiện nay, theo Bộ Công Thương, chuyển đổi số có vai trò vô cùng quan trọng. Chuyển đổi số đã làm thay đổi căn bản đời sống con người, nâng cao chất lượng cuộc sống và đem đến những tiện ích hiện đại nhờ ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng như phát triển những giải pháp có tính đột phá.
Đề cập tới việc ứng dụng hợp đồng điện tử trong hoạt động thương mại, chia sẻ tại Hội nghị “Phát triển hợp đồng điện tử tại Việt Nam - Triển khai Nghị định 85/2021/NĐ-CP” diễn ra sáng 16/6/2022, tại trụ sở Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, thực tế, đối với hoạt động giao dịch xuyên biên giới, xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam đã ký kết với các đối tác nước ngoài bằng các phương thức hợp đồng điện tử từ lâu nay, đặc biệt với các đối tác tại các nước phát triển.
“Khảo sát của Bộ Công Thương trong sách trắng Thương mại điện tử 2021 cũng cho thấy, có 33% doanh nghiệp được khảo sát đã ứng dụng hợp đồng điện tử trong hoạt động thương mại” - Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nói.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại Hội nghị “Phát triển hợp đồng điện tử tại Việt Nam – Triển khai Nghị định 85/2021/NĐ-CP” |
Thực tế, kể từ khi dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện cho đến nay, Việt Nam đã trải qua nhiều đợt dịch bùng phát và diễn biến phức tạp trên diện rộng, dẫn đến thói quen và hành vi của doanh nghiệp, người dân tại Việt Nam cũng thay đổi nhanh chóng.
Một trong những việc thay đổi đó là doanh nghiệp đang dần chuyển từ sử dụng hợp đồng, chứng từ bằng giấy thông thường sang sử dụng hợp đồng, chứng từ điện tử. Việc ứng dụng hợp đồng điện tử không chỉ giúp cho các doanh nghiệp và khách hàng của doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí mà còn giúp giảm bớt ảnh hưởng của dịch bệnh, khoảng cách trong giao dịch thương mại.
Theo Bộ Công Thương, thực hiện Quyết định 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 - 2025”, Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam (www.CeCA.gov.vn), đã được Bộ Công Thương giao Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chủ trì nghiên cứu, xây dựng, vận hành nhằm hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân… trong việc kiểm tra xử lý tập trung thông tin hợp đồng của cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức trong thương mại.
Theo đó, Bộ Công Thương nhận định, với việc hành lang pháp lý cho hoạt động chứng thực hợp đồng điện tử tại Việt Nam đã được hoàn thiện, sẽ đóng vai trò là một dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển, ứng dụng hợp đồng điện tử tại Việt Nam, đặc biệt đối với hoạt động giao kết, ký kết hợp đồng điện tử trong nước, sau đó là với nước ngoài, xuyên biên giới. Đồng thời sẽ thúc đẩy, phát triển ứng dụng hợp đồng điện tử tại Việt Nam nói riêng và đưa hợp đồng điện tử trở thành một “đòn bẩy” quan trọng để phát triển nền kinh tế nói chung.
Bước đệm để các doanh nghiệp bắt nhịp với xu thế chuyển đổi số toàn cầu
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) thông tin, song song với việc hoàn thiện hành lang pháp lý với sự có mặt của Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam để cấp đăng ký cho các doanh nghiệp, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã giao Trung tâm tin học và Công nghệ số nghiên cứu, phối hợp cùng các doanh nghiệp công nghệ thông tin, viễn thông, hạ tầng số, để xây dựng các giải pháp hỗ trợ bên thứ 3 như ngân hàng, kiểm toán, cơ quan giải quyết tranh chấp, cơ quan thuế, các đơn vị liên quan khác; có thể kiểm tra, xác thực được giá trị như bản gốc của hợp đồng điện tử.
Theo đó, dù không lưu trữ nội dung hợp đồng, với việc áp dụng một quy trình khép kín, sử dụng mã băm, kết hợp chữ ký số, dấu thời gian, hợp đồng điện tử sau khi được chứng thực sẽ có khả năng tra cứu, xác thực tính toàn vẹn, tính chống chối bỏ của chủ thể ký và đảm bảo tính bảo mật thông tin cho nội dung hợp đồng.
Như vậy, bên thứ 3 sẽ không chủ động biết được nội dung hợp đồng điện tử ký, nhưng khi bên thứ 3 được cung cấp tài liệu hợp đồng điện tử đã được ký và chứng thực, thì việc tra cứu, xác minh giá trị như bản gốc của hợp đồng điện tử sẽ được thực hiện dễ dàng.
Ông Lê Đức Anh, Giám đốc Trung tâm tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) trình bày tham luận tại hội nghị |
Ông Lê Đức Anh, Giám đốc Trung tâm tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chia sẻ, vừa qua Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã hỗ trợ các doanh nghiệp tích hợp kỹ thuật Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam.
Cụ thể, đã có 17 đơn vị gửi công văn, hồ sơ đề nghị cấp đăng ký, trong đó, 6 đơn vị đã tiến hành khảo sát và tích hợp với Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam để đảm bảo đáp ứng các tiêu chí nghiệp vụ, tiêu chuẩn kỹ thuật hệ thống khi kết nối, tích hợp.
“Trong đó, mỗi giao dịch hợp đồng điện tử sẽ có gắn kèm với các quy chế về giải quyết tranh chấp, khiếu nại, xử lý các yếu tố phát sinh trong quá trình giao kết và thực thi hợp đồng. Điều này giúp cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, các bên thứ 3 có một cơ quan trung gian đủ tin cậy để giải quyết các vấn đề phát sinh khi thực hiện giao kết, hợp đồng dưới dạng điện tử” - ông Lê Đức Anh thông tin.
Đánh giá về việc áp dụng hợp đồng điện tử trong công cuộc chuyển đổi số hiện nay của các doanh nghiệp, ông Nguyễn Khơ Din - Tổng giám đốc Công ty Nền tảng chuyển đổi số Bkav SME, thành viên Tập đoàn Công nghệ Bkav cho biết, với sự vào cuộc của Bộ Công Thương việc áp dụng hợp đồng điện tử sẽ được lan tỏa rộng rãi giúp chuyển đổi số cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
"Bkav đã triển khai hợp đồng điện tử được hơn 3 năm nay và thấy rất rõ hiệu quả đem lại cho công ty và khách hàng của mình. Cụ thể, việc áp dụng hợp đồng điện tử đã giúp Bkav mỗi năm tiết kiệm 70% chi phí về in ấn, chuyển phát, quy trình cung cấp sản phẩm cho khách hàng được rút ngắn 50% thời gian so với trước đây, khi chưa áp dụng hợp đồng điện tử" - ông Nguyễn Khơ Din nói.
Chia sẻ thêm, theo ông Phan Hoàng Việt - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Viễn thông Viettel, việc số hóa quy trình ký kết hợp đồng sẽ là nhu cầu thiết yếu trong tương lai gần. Đây chính là bước đệm để các doanh nghiệp bắt nhịp với xu thế chuyển đổi số toàn cầu.
“Việc kết nối Giải pháp Chứng thực hợp đồng điện tử (vContract) của Viettel vào Trục chứng thực hợp đồng điện tử Việt Nam sẽ đảm bảo tính bảo mật và toàn vẹn, khả năng xác định nguồn gốc, tính chống chối bỏ của các chứng từ điện tử. Đồng thời giúp các bên thứ 3 có thể căn cứ trên hợp đồng điện tử để xác minh giá trị bản gốc của hợp đồng, đảm bảo hạn chế chứng từ giả, chứng từ khống” - ông Việt chia sẻ.