QLTT Đắk Lắk: Tăng cường kiểm tra đường dây sản xuất, buôn bán gas lậu Mạnh tay xử lý gas giả, gas lậu |
Chuyên gia và đại diện các doanh nghiệp cho rằng cần kiểm soát việc kinh doanh khí chặt chẽ hơn cũng như quy định rõ việc xử phạt đại lý khi chứa vỏ bình “tạp”.
Tăng cường kiểm soát tiêu dùng khí vì 30% gas lậu
Tại hội thảo “Góp ý đổi mới Nghị định về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực khí” diễn ra ở TP. HCM, đại diện Hiệp hội Gas Việt Nam và các doanh nghiệp đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng cho Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 87/2018/NĐ-CP (Nghị định 87) của Chính phủ về kinh doanh khí.
Các chuyên gia và đại diện các doanh nghiệp góp ý đổi mới nghị định về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực khí. Ảnh: Đại Việt |
Theo các chuyên gia, hiện nay, lĩnh vực kinh doanh khí tại Việt Nam đang có các sản phẩm như: LPG (khí dầu mỏ hóa lỏng), LNG (khí thiên nhiên hóa lỏng), KTA (khí nhiều thành phần), CNG (khí nén tự nhiên). Những sản phẩm này được quản lý, vận hành theo Nghị định 87. Tuy nhiên, Nghị định này không còn phù hợp với tình hình thực tế. Trong khi đó, dự thảo mới dự kiến thay thế Nghị định 87 cũng còn nhiều quy định chưa phù hợp.
Ông Trần Minh Loan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam cho biết, dự thảo lần 1 đã được thông qua và đây là lần thứ hai dự thảo được lấy ý kiến. Do đó, những góp ý của chuyên gia, doanh nghiệp là vô cùng cần thiết.
Theo ông Loan, thời gian qua liên tục xảy ra những vụ cháy lớn trên cả nước, trong đó có vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội gây “rúng động” dư luận. Điều này đặt ra trách nhiệm rất lớn cho toàn xã hội trong công tác phòng chống cháy nổ và ngành kinh doanh khí cũng phải có trách nhiệm kiểm soát tiêu dùng, chung tay cùng xã hội.
“Dù các vụ cháy nổ không liên quan đến gas nhưng khí là ngành kinh doanh tiêu dùng còn phức tạp hơn cả ngành điện và một số ngành khác”, ông Loan nhấn mạnh.
Cũng theo ông Loan, quy định về quản lý Nhà nước trong kiểm soát tiêu dùng khí là yếu tố rất quan trọng, đặc biệt là vấn đề lưu thông phân phối gas, sang chiết lậu, “cắt tai mài vỏ” các bình gas, thiếu trách nhiệm với người tiêu dùng, không bình ổn thị trường. Nếu Nhà nước không có biện pháp căn cơ thì rất dễ xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.
“Trên thị trường có đến 30% sản phẩm gas có nguồn gốc từ các cơ sở sang chiết lậu. Việc đầu cơ, tích trữ gây rối loạn thị trường, gây mất bình đẳng trong kinh doanh cũng ảnh hưởng đến 30 - 40% sản lượng của các công ty. Điều này cho thấy, vấn đề quản lý Nhà nước trong kiểm soát, kinh doanh khí trên thị trường còn rất nhiều điều phải bàn”, ông Loan nói.
Ông Trần Minh Loan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam. Ảnh: Đại Việt |
Về vấn đề quản lý nguồn khí, ông Loan cho rằng, cần có các quy định cụ thể về quản lý các công ty đầu mối cung cấp nguồn khí, bởi các cơ sở sang chiết lậu gas đang “tung hoành” là nhờ các sơ hở trong quy định hiện hành. Việc mua bán khí có nhiều bất cập, điển hình như mua số lượng ít thì dễ, mua số lượng lớn thì khó. Điều này khiến việc sang chiết gas lậu, bán gas giả càng nở rộ khó kiểm soát.
Đại lý gom vỏ bình “tạp” dễ bị phạt nặng
Về phía doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Nguyệt Dung, Giám đốc PV GAS LPG Miền Nam chia sẻ, trong dự thảo Nghị định 87 có khoản 6, Điều 17 quy định về quyền và nghĩa vụ của đại lý kinh doanh LPG chai như sau: “Không mua, bán LPG chai không có nguồn gốc xuất xứ, không phù hợp với hợp đồng đã ký với thương nhân kinh doanh LPG chai; không mua, bán các loại chai LPG đang lưu thông trên thị trường thuộc sở hữu của thương nhân kinh doanh LPG chai”.
Bà Dung kiến nghị, khoản 6 Điều 17 đang có hai nội dung khác nhau nên đề nghị tách thành 2 khoản riêng biệt cho rõ ý về LPG chai và chai LPG cụ thể như sau:
“Không mua, bán LPG chai không có nguồn gốc xuất xứ, không phù hợp với hợp đồng đã ký với thương nhân kinh doanh LPG chai”.
Bổ sung thêm khoản 7 về chai LPG tách từ khoản 6 để có căn cứ xử lý hành vi vận chuyển, chiếm giữ, mua bán chai LPG trái phép như sau: “Không thu gom, vận chuyển, chiếm giữ, mua bán các loại chai LPG của thương nhân không có hợp đồng với đại lý; không mua, bán các loại chai LPG đang lưu thông trên thị trường thuộc sở hữu của các thương nhân kinh doanh LPG chai”.
Theo bà Dung, sở dĩ cần thay đổi như vậy vì việc thu gom vỏ bình tại các đại lý đang có nhiều bất cập.
Nhiều đại lý kinh doanh gas đang bị xử phạt sau khi gom “vỏ tạp” của khách để ở cửa hàng. Đây là vỏ bình của các thương nhân không có hợp đồng với đại lý và các đại lý đang tìm cách liên hệ với những thương nhân này để trả bình. Tuy nhiên, trong thời gian liên hệ trả bình thì bị xử phạt.
“Tôi góp ý là cần quy định rõ về mức độ xử phạt. Ví dụ, cửa hàng đang giữ từ 1 - 5 bình hay dưới 10 bình thì xử phạt như thế nào, từ 11 - 20 bình thì xử phạt ra sao. Không thể xử phạt 1 bình cũng giống 40 bình. Như vậy sẽ gây khó khăn cho các đại lý khi họ tuyên truyền người tiêu dùng sử dụng các bình gas của thương nhân có hợp đồng và thu gom bình gas của các thương nhân không có hợp đồng”, bà Dung nói.
Đại diện Hiệp hội Gas Việt Nam cho biết, đơn vị này sẽ tổng hợp các ý kiến của doanh nghiệp, chuyên gia để gửi đại diện Bộ Công Thương trình Chính phủ trong thời gian sớm nhất.